Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới, trọng tâm của đường lối, chủ trương đối ngoại được nêu trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII?
- Thứ trưởng LÊ HOÀI TRUNG: Trong nhiệm kỳ qua, đất nước ta giành được những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó có đóng góp của công tác đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và sự ủng hộ, tham gia tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân và báo chí truyền thông.
Bên cạnh những thuận lợi như hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế lớn, quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục, cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…, cần hết sức chú ý đến những khó khăn, thách thức, phức tạp, nhất là những diễn biến mới hoặc vấn đề mới xuất hiện. Đặc biệt là những biến động rất lớn từ các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu. Điển hình là tác động của dịch Covid-19 trong hơn 1 năm qua; đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung, hạn mặn kỷ lục ở ĐBSCL; vấn đề an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung: Chúng ta phải xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Ảnh: NHƯ Ý
Trên cơ sở đó, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đã đem lại những thành tựu phát triển của đất nước, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của khu vực và cộng đồng quốc tế. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam là bạn, là đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia.
Nội dung dự thảo Văn kiện Đại hội XIII lần này nhấn mạnh nhiệm vụ đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Và lần đầu tiên trong văn kiện của đại hội nêu rõ 3 trụ cột gồm: Đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân.
Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta phải xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; đội ngũ cán bộ đối ngoại có năng lực cao hơn, có trình độ tốt hơn, toàn diện hơn.
* Bảo vệ lãnh thổ biên giới, chủ quyền, quyền chủ quyền biển, hải đảo là nhiệm vụ tiên quyết, trọng tâm của Đảng và nhà nước ta. Thời gian qua, công tác này được triển khai như thế nào và những trọng tâm gì sẽ được thực hiện trong nhiệm kỳ tới?
- Mục tiêu đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, tranh thủ tốt nhất điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Mục tiêu quan trọng hơn cả là chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Điều này được khẳng định và ở vị trí hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam qua nhiều kỳ đại hội cũng như tại Đại hội XIII của Đảng.
Đối với biển Đông, hiện cũng có những tranh chấp. Chủ trương nhất quán của Đảng, nhà nước ta là mong muốn cùng các nước liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, phù hợp với Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS 1982) và luật pháp quốc tế.
Tôi cho rằng ở các vùng biển, việc có tranh chấp có thể do điều kiện lịch sử để lại, điều kiện khách quan là vùng biển đối diện, rất sát nhau. Để đạt được những điều này, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, đấu tranh chống lại các vi phạm đối với chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta, được xác định theo UNCLOS 1982.
Để công tác bảo vệ chủ quyền, biên giới trên bộ, trên biển, chúng ta phải quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ, vấn đề quản lý, hợp tác với các đối tác, cũng như các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp, đấu tranh chống lại các vi phạm.
Một vấn đề quan trọng là chúng ta phải phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ trên bộ, trên biển. Điều này sẽ giúp thể hiện rõ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Kỳ vọng của đại biểu
Đại biểu SÙNG ĐẠI HÙNG, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Giang:
Phải dám nói, dám làm, dám nghĩ, dám quyết định
Trên cơ sở danh sách và lựa chọn của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII và đặc biệt là ý kiến của các đại biểu thảo luận tại hội trường, tại đoàn về lựa chọn nhân sự, chúng tôi đã xem xét kỹ, đánh giá kết quả, đặc biệt là tiêu chuẩn về trình độ, năng lực các đại biểu để lựa chọn những đồng chí đủ tiêu chuẩn bầu vào BCH Trung ương Đảng khóa XIII.
Ngoài đủ đức, đủ tài, chúng tôi đòi hỏi các Ủy viên Trung ương Đảng phải có kỹ năng, trải nghiệm công tác và đặc biệt là dám nói, dám làm, dám nghĩ, dám quyết định những quyết sách của Đảng, nhà nước, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đại biểu BÙI HUYỀN MAI, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội:
Hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường
Mỗi đại biểu dự Đại hội đều mang trên mình trách nhiệm rất nặng nề, vì sẽ thay mặt cho gần 5,2 triệu đảng viên và nhân dân lựa chọn những người xứng đáng nhất vào BCH Trung ương Đảng khóa XIII.
Tôi kỳ vọng và mong muốn các Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất và bản lĩnh, để đưa đất nước phát triển, hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Đại biểu TRẦN QUỐC TUẤN, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh:
Phải tâm huyết, trách nhiệm với Đảng, với nhân dân
Tôi hy vọng các đồng chí trúng cử vào BCH Trung ương khóa XIII phải tâm huyết, trách nhiệm với Đảng, với nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Đồng thời, phải tích cực nghiên cứu các chỉ tiêu, mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, vận dụng, nâng cao hiệu quả công tác; từ đó góp phần đưa đất nước phát triển vững mạnh, phồn vinh và nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Đại biểu ĐỒNG DŨNG MẠNH - Bí thư Huyện ủy Thanh Miện, tỉnh Hải Dương:
Lấy hạnh phúc của nhân dân làm tiêu chí đánh giá
Tôi mong rằng các Ủy viên Trung ương Đảng khóa mới phải thật sự gần dân, sát dân, lo cho dân và lấy hạnh phúc của nhân dân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi chúng ta tập trung phát triển đất nước, ngoài tiêu chuẩn đại diện cho dân, gần dân, sát dân, lo cho dân thì việc dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm là tiêu chuẩn rất cần thiết.
Phạm Văn Thế ghi
Bình luận (0)