Sáng 17-5, bà Diệp Tú Anh (ngụ quận 11, TP HCM) được con cháu đưa đến UBND quận 11 từ sớm để nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Nhìn bà với phong thái đĩnh đạc, thần sắc tinh anh, gương mặt rạng rỡ, nhiều người không ngờ bà đã từng vào sinh ra tử, bị kẻ thù tra tấn, vừa làm mẹ và vừa làm cha nhưng vẫn giữ vững lòng kiên trung, tinh thần yêu nước cùng ý chí quật cường.
Muốn thành người có ích
"Đảng đã cho tôi một tương lai tươi sáng/Một sức sống dẻo dai và lòng dũng cảm/Một tâm hồn tha thiết yêu nước yêu dân/Một tình yêu lý tưởng không bao giờ cạn/Đảng đã cho tôi giàu nghị lực phấn đấu/Biết sống vì dân và chết cũng vì dân…". Đây là một đoạn trong bài thơ được bà Diệp Tú Anh, nữ biệt động thành một thời với bí danh Hồng Tư, sáng tác vào dịp được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Bà cho biết: "Đến bây giờ, tôi vẫn sung sướng tự hào là người con của Đảng".
Trả lời câu hỏi vì sao đang là tiểu thư con nhà giàu nổi tiếng ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) mà lại chọn con đường đi theo cách mạng, chấp nhận cuộc sống đầy gian truân mất mát? Bà Diệp Tú Anh nói nhẹ bâng: "Vì tôi tin và đi theo lý tưởng Hồ Chí Minh".
Sinh năm 1931, là thế hệ thứ 3 trong gia đình một doanh nhân người Hoa ở Hội An, từ nhỏ, Diệp Tú Anh thường được nghe kể chuyện về Bác Hồ, về con đường giải phóng dân tộc và nuôi khát khao trở thành một người có ích. Khi Pháp đánh vào Hội An, cô bé Diệp Tú Anh đã biết mở cửa cho đoàn Vệ Quốc quân hơn 10 người vào nhà trốn và gọi đò đưa các anh vượt sông Thu Bồn, thoát thân an toàn. 16 tuổi, Diệp Tú Anh trốn gia đình tìm vào chiến khu Tam Kỳ để rồi từng bước dấn sâu vào hoạt động đấu tranh suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
"Trong suy nghĩ của tôi những ngày đầu, hoạt động cách mạng đơn giản là làm cho người Việt hay người Hoa căm thù giặc Pháp và bè lũ tay sai. Thật ra, lúc đó trên đất nước này ai cũng thù giặc Pháp. Nghĩ vậy nên tôi tích cực tham gia phong trào sinh viên học sinh; tuyên truyền, xây dựng cơ sở và thu phục được sự tin yêu của nhiều người. Tôi tự thấy mình bắt đầu là người có ích cho đồng bào, xã hội" - bà Diệp Tú Anh kể và cho biết ngày 4-10-1950, bà chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng. "Dưới lá cờ Đảng thiêng liêng, nước mắt tôi tuôn trào. Tôi vô cùng xúc động, tự nhủ cách mạng đã đặt trọn lòng tin ở Diệp Tú Anh rồi!" - bà hồi tưởng.
Những năm tháng ở Hội An, đảng viên trẻ Diệp Tú Anh được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở trong lòng địch và chở thuốc Bắc từ sông Thu Bồn vào Kim Bồng, vào vùng tự do ở Tam Kỳ… Dưới vỏ bọc tiểu thư con nhà tiểu tư sản Hoa kiều và vẻ ngoài ưa nhìn, Diệp Tú Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mấy lần bị mật thám Pháp theo dõi, nghi ngờ, "mời" lên đồn làm việc nhưng bà đều không để lộ gì. Có lần tàu chở thuốc bị bắt, bên trong các bao thuốc có chứa tài liệu mật của cách mạng, bà đã nghĩ ra cách đích thân vào đồn địch lấy lại tài liệu rồi trở ra an toàn trước con mắt theo dõi của bao nhiêu hàng lính gác.
Bà Diệp Tú Anh cùng con cháu trong ngày vui Ảnh: Hoàng Triều
Năm 21 tuổi, Diệp Tú Anh nhận nhiệm vụ vào Sài Gòn. Bà bắt liên lạc với tổ chức, tham gia các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Sài Gòn và bị bắt vào năm 1955, khi đang tham gia phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân trong hãng Viễn Đông Pin Con Ó. Từ năm 1955 đến cuối năm 1960, bà bị đưa qua hàng loạt nhà tù từ bót Catina, đề lao Gia Định đến Tân Hiệp, Phú Lợi… và bị tra tấn thừa sống thiếu chết nhưng vẫn kiên gan nói "không biết" trước mọi câu hỏi thẩm tra của địch. Không khai thác được gì, cuối cùng địch phải ghi kết luận là "tình nghi hoạt động cho cộng sản".
"Ở trại giam Thủ Đức, tôi cùng các nữ tù phản đối chào cờ lẫn học tập chính trị. Có lần nửa đêm, cai ngục lôi tôi ra giữa sân bắn chỉ thiên đe dọa giết, thử xem còn ai dám chống nữa không. Hiệu lệnh bắn vang lên, cùng với đó là 2 tiếng súng xé toang màn đêm. Như một phản xạ tự nhiên, tôi hô to khẩu hiệu "Hồ Chí Minh muôn năm" bằng tiếng Hoa. Nghe nhiều tiếng cười hô hố, tôi đưa tay lên rờ đầu, ngực thấy vẫn còn nguyên thì biết là tụi nó hăm dọa chứ chưa giết mình" - bà Diệp Tú Anh kể và cho biết bị tra tấn đau lắm, ở tù khổ lắm nhưng đã thề trung thành với Đảng, với Tổ quốc thì phải vững vàng chiến đấu bảo vệ lý tưởng, bảo vệ đồng chí.
Không nghĩ gì cho bản thân
Năm 1960, trong đợt thả tù tập thể, bà Diệp Tú Anh được tự do và vào vùng giải phóng hoạt động ở Củ Chi. Năm 1967, bà trở lại nội thành chuẩn bị tham gia mặt trận ở Biên Hòa. Suốt thời gian này đến ngày thống nhất đất nước, bà Diệp Tú Anh đảm nhiệm xây dựng các cơ sở hoạt động cách mạng trong lòng địch và trở thành một trong những cán bộ nòng cốt tiền giải phóng của Ban Cán sự quận 11. Ngày 30-4-1975 lịch sử, bà ở cánh Hoa vận đánh chiếm phường Cầu Tre và tiếp quản quận 11.
"Trong trại giam thời đó, tôi gặp anh Trần Huân Phương (bí danh Ba Hùng), chồng tôi sau này. Tôi lấy chồng năm 33 tuổi, ở với nhau 3 năm nhưng chỉ được gần nhau vài tháng vì cả hai đều bận công tác. Anh làm ở Báo Giải Phóng, thường xuyên có mặt tại các chiến trường. Lúc chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, tôi đang mang thai con thứ 2, phải gửi đứa lớn mới 10 tháng tuổi sang Campuchia cho anh tôi chăm sóc. Không ngờ đó là lần chia tay vĩnh viễn. Anh mất trong một trận đánh nhưng mãi đến năm 1969 gia đình mới hay tin" - bà Diệp Tú Anh rươm rướm kể.
Khi chiến tranh càng lúc càng ác liệt, bà gửi luôn con nhỏ mới sinh được vài tháng về Hội An, một mình bám trụ Sài Gòn, làm đủ nghề để sống và tiếp tục hoạt động; làm được bao nhiêu góp cho tổ chức bấy nhiêu, không nghĩ gì cho bản thân. Thương con, cha mẹ bà ở quê lần lượt phải vào Sài Gòn để làm bình phong cho con. Năm 1973, bà đón 2 con về đoàn tụ.
"Lúc đầu, thằng lớn không chịu nhận mẹ mà chỉ giương mắt nhìn, nói toàn tiếng Campuchia và rất hung, phải mất một thời gian mới dịu lại. Thằng nhỏ thì rặt tiếng Quảng. Không nói chuyện với nhau được nhưng 2 đứa rất thương nhau, chơi với nhau rất hợp" - bà Diệp Tú Anh chia sẻ.
Hòa bình, bà tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường Cầu Tre, Hội Phụ nữ quận 11, xây dựng thành công 21 HTX thương nghiệp của quận 11 lúc bấy giờ. Năm 1981, bà xin nghỉ hưu ở tuổi 50 vì sức khỏe kém do di chứng những ngày bị đánh đập trong tù (bà là thương binh loại 3). Từ ngày nghỉ hưu, bà Diệp Tú Anh dồn tâm sức cho việc mưu sinh và nuôi dạy 2 con trai đang tuổi ăn tuổi lớn.
Thấy mình sướng hơn nhiều người
Trải qua nhiều thăng trầm mất mát lẫn thiệt thòi, có lúc rơi vào đơn độc nhưng người chiến sĩ cộng sản Diệp Tú Anh không buồn. Bà lý giải: "Tôi thấy mình sung sướng hơn nhiều người. Giờ 2 con tôi đã thành đạt, giỏi giang. Con trai lớn Trần Diệp Tuấn hiện là PGS-TS, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM; con trai thứ là Diệp Dũng, hiện là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op. Tiếng Hoa có một câu là mình phải ở trong khốn khổ, trưởng thành trong khốn khổ thì sinh mạng đó mới thật sự đẹp đẽ và đáng quý. Tôi chỉ buồn vì hiện giờ điều kiện xã hội đã tốt hơn nhưng nhiều người được Đảng đào tạo tốt lại không chịu sống tốt".
Bình luận (0)