Triêm Nam là vùng đất lạ. Lạ vì có một thời gian dài, nó nằm giữa sông Thu Bồn - Quảng Nam nhưng không gọi là cồn, cũng chẳng gọi cù lao. Lạ là bởi sự xê dịch của nó. Chừng như vùng đất này lưu lại để minh chứng cho một tồn nghi về lỵ sở của dinh Quảng Nam thời chúa Nguyễn, rằng trước khi được xác định nơi đóng dinh trấn là vùng đất Thanh Chiêm thuộc huyện Điện Bàn ở bờ Bắc, có một giai đoạn nó lại nằm ở Cần Húc, trên đất Duy Xuyên thuộc bờ Nam sông Thu Bồn.
Đất như có chân
Sách "Đại Nam thực lục" chép: "… Sai hoàng tử thứ sáu làm trấn thủ Quảng Nam… Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc, xây kho tàng, chứa lương thực…".
Theo cụ Nguyễn Ngọc Thời (85 tuổi, ngụ làng Triêm Nam), vùng đất này do người ở phía Nam sông Thu Bồn sang khai phá. Có lẽ do sự thay đổi liên tục của dòng chảy khi thì bồi bên này, lở bên kia nên đất như có chân, cứ xê dịch suốt. Quanh làng Phú Triêm lớn có mấy làng nhỏ: Triêm Đông ở phía Bắc, Triêm Nam ở phía Nam; riêng Triêm Tây ở tuốt phía Đông, tận TP Hội An, nay trở thành khu du lịch nổi tiếng.
Mà sao lại Triêm chứ không phải Chiêm - tên gọi một vùng đất cũ thuộc Chiêm Thành xưa? Hay vì gọi Triêm là để Phú Triêm phù hợp với những Triêm Đông, Triêm Tây, Triêm Nam? Ngày trước, vùng đất phía đầu làng trở thành cái mố của 2 chiếc cầu là cầu Mống (kiến trúc hình vòng cung như cái mống) ở phía Bắc và cầu Câu Lâu ở phía Nam. Ngày ấy, cầu rộng hơn 2 m, xe chỉ chạy được một chiều. Sau này, người ta xây cầu Câu Lâu bên trên cầu cũ, kéo dài từ bờ này sang bờ kia nên "rớt" làng Triêm Nam xuống giữa sông (xóa luôn tên cầu Mống cho dù bây giờ vẫn cứ chết tên "bê thui cầu Mống" nổi tiếng khắp chốn). Ở giữa, người ta mở một đoạn thành cầu để làm đường xuống làng.
Cầu mới nối đôi bờ sông Thu Bồn
Lò bê thui 9 Dưỡng ra đời khá sớm, ở đầu làng Triêm Nam. Một thời, lò này cung cấp thịt bê thui, bò tái cho hầu hết các quán trong vùng. Hồi đám giỗ nhà thơ Thu Bồn, sau lễ tưởng niệm ở Thanh Quýt, chúng tôi từng có một đêm tụ hội mấy anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam, Đà Nẵng và Kon Tum tại lò bê thui 9 Dưỡng. Đó là một đêm mưa gió tơi bời, trời tối hù. Giữa đêm nghe rợn tiếng bò rống trước khi bê vào lò để hóa kiếp đã ám ảnh tôi một thời gian dài. Tôi ghi lại một ít không khí đầy ấn tượng ấy trong truyện ngắn "Truyện đốt theo sông". Đoạn này, hễ đến khi báo lũ cấp 2 trên sông Thu Bồn thì cả làng đã ngập sâu trong nước, nhà nào co cụm về nhà nấy.
Theo lời cụ Thời, trước đây, chỗ ấy chỉ là một cái cồn nhỏ gọi là cồn Bói, vì là đất tân bồi nên màu mỡ. Nhiều người ở chợ Gò Mỏ Neo phía bờ Nam cũng ra đây vỡ đất, dựng nhà và trồng rau màu, nghe nói có cả trồng dâu nuôi tằm. Cồn liên tục thay đổi, lở ở đầu thì bồi ở đuôi nên có cảm giác nó cứ trôi, xê qua bờ này hoặc xích lại bờ kia.
Đó là chuyện của sông, của đất. Ơn trời, mấy chục năm nay, có vẻ như Triêm Nam vẫn đứng yên, không "đi" nữa. Điều khá thú vị là nằm giữa dòng sông nhưng cù lao này ít bị xói lở so với các bờ bãi khác dọc sông Thu Bồn. Do những lũy tre ken dày bao quanh làng, các bãi bói ở cuối làng chăng? Hay do sự ưu đãi, trả nợ của thiên nhiên? Không biết, chỉ thấy Triêm Nam đang rất ổn giữa tứ bề sông nước.
Sống chung với lũ
Nhiều người đi trên cầu ngang qua đoạn sông này đã buông cái nhìn ơ thờ xuống Triêm Nam, tưởng rằng nó cũng bé nhỏ, cũng vô danh như bao cồn trên sông khác. Té ra, đó là một vùng đất khá rộng với bề dài cỡ 2 km, bề ngang gần 1 km. Trước đây, đó chỉ là thôn Triêm Nam của xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Xã này vốn là đất đặt lỵ sở của dinh trấn Thanh Chiêm thời các chúa Nguyễn mở rộng đất về phương Nam. Phía Tây Bắc của làng từng tồn tại một bến sông chợ Củi có tên chữ là Sài Thị nức tiếng một thời.
Triêm Nam có một phân hiệu trường tiểu học 2 tầng bề thế, một điểm trường mẫu giáo khá quy mô. Học sinh đến lớp 6 mới lên học trường xã. Chợ Triêm Nam nằm dọc đường lớn, một bên là bờ kênh, bên còn lại là chái nhà của một hộ dân, cũng có quay thịt heo, thịt bò, vài hàng cá, dăm quầy bán rau và nông sản, một ít tạp hóa…, trông khá đơn giản nhưng có vẻ không thiếu thứ gì so với chợ khác. Cái "nửa chái, nửa chợ" trông hơi tạm bợ như đang ở một bước chuyển tiếp để khu này biến thành trung tâm làng.
Nhà cụ Nguyễn Ngọc Thời ở đoạn cuối làng là một nhà cổ hơn trăm năm và còn lưu giữ khá nguyên vẹn. Cụ Thời bảo trong làng còn các nhà cổ của Trùm Tiếp, Phó Sang và nhiều người khác nữa. Cũng dễ hiểu thôi, vì những người buôn gỗ "đường nước" từ trên nguồn theo sông Thu Bồn về xuôi đều phải qua đây.
Ở đầu làng và phía trên một chút, phía bến Đông Khương nằm bên cầu Câu Lâu và trên quốc lộ, có rất nhiều trại gỗ ra đời từ rất lâu. Họ vừa buôn gỗ vừa làm hàng mộc mà nhà rường theo kiểu nhà cổ Quảng Nam là món hàng "xịn" của các trại gỗ, trại mộc xứ này.
Trước năm 1975, một số người chạy ra Đà Nẵng, Hội An sinh sống, còn đa số vẫn bám trụ. Chiến tranh chấm dứt, mọi người quay về xây dựng lại nhà cửa và sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Sau này, việc buôn bán khá phát triển, cũng chủ yếu là những nhà nằm trên trục chính của làng. Vùng đất màu mỡ phía đuôi làng rất phù hợp cho việc trồng rau màu và lúa. Sau Tết, cả vùng xanh mướt những bắp, đậu phộng, ớt, khổ qua… tạo nên không khí yên bình của vùng đất nằm giữa một dòng sông lớn. Sự yên bình của các bãi bồi vốn có từ rất lâu.
Mùa lũ, làng chìm trong nước. Dấu chớn nước còn lưu lại ở nhà cổ Chánh Đáng nằm bên trên cửa sổ, nghĩa là ngang ngực. Cụ Thời bảo lụt năm Giáp Thìn (1964) cũng cỡ đó nhưng hồi ấy nhà cửa còn tạm bợ nên tình hình rất khủng khiếp. Giờ thì dân quen rồi. Cụ Thời cũng đã làm thêm căn nhà 2 tầng, nền cao hơn nhà cũ cỡ 1,5 m nhưng lụt năm 2017 vẫn lút cỡ 30 cm. Nghĩa là phải sống chung với lũ thôi!
Phát triển theo cách riêng
Sau một thời gian tụ họp ấm cúng dưới từng mái nhà, những người trẻ bắt đầu tung đi khắp nơi làm ăn. Nhiều nhà chỉ còn lại người già.
Vợ chồng anh Nguyễn Bá Thanh ở xóm Bình Trung cũng buộc phải rời cơ ngơi dưới Hội An để về đây chăm sóc mẹ, bởi cụ chẳng chịu rời căn nhà cũ ở cuối xóm này. Cụ vừa qua đời cách đây mấy tháng. Con cái của vợ chồng anh đều ở hết dưới Hội An, chẳng ai chịu ở nơi này. Anh bảo mãn tang mẹ xong chắc rồi cũng đóng cửa thôi. Căn nhà từng một thời xôn xao tiếng người bây giờ sắp nhận một cái kết thật buồn.
Nhưng nhiều đôi vợ chồng trẻ cũng đã "ra riêng", xây dựng cơ ngơi mới. Như nhà cô chủ Hương mới mở quán nước phía đầu cầu Phú Triêm. Hương người Túy Loan, trước cùng chồng làm ở xí nghiệp lâm nghiệp ngoài Hòa Cầm. Cưới xong thì Hương về quê chồng mở quán. Hương bảo buôn bán cũng được, nhất là khi cầu Phú Triêm bắc qua sông xây dựng xong hồi năm ngoái.
Sài Giang từng một thời xôn xao ghe thuyền ngày nào giờ chỉ là một nhánh sông nhỏ nhưng lại gây ách tắc không ít, nhất là trong mùa mưa lụt. Có cầu mới, bé Thanh Hằng - đứa con lớn của Hương - đi học cũng thuận lợi hơn, khỏi phải vòng lên quốc lộ vừa xa vừa lắm xe, nguy hiểm. Có cầu mới, chỉ cần qua sông đi vài cây số đã tới Hội An, thuận lợi rất nhiều.
Nhìn kỹ trên Google map, cảm giác như Triêm Nam ngày càng nép sát vào bờ Bắc như cách làng Triêm Tây đang nép dần vào bờ Nam sông Thu Bồn. Triêm Tây đang phát triển thành một khu du lịch lấy đặc trưng đất cồn trên sông làm điểm nhấn. Triêm Nam chắc chắn rồi sẽ nhanh chóng phát triển theo cách riêng của mình.
Cần thêm thời gian
Chỉ vài trăm dân lúc đầu, Triêm Nam ngày càng phát triển, sau đó tách thành 2 thôn Triêm Nam 1 và Triêm Nam 2 với lộ giới là kênh thủy nông chạy dọc làng từ Tây xuống Đông, xuôi theo dòng Thu Bồn.
Thôn Triêm Nam 1 nằm ở phía Bắc đã được quy hoạch theo kiểu nông thôn mới tiêu biểu, nhà có số và được sắp xếp quay mặt ra đường bê tông như ô bàn cờ. Phía Triêm Nam 2 mới được quy hoạch theo đường bê tông chạy dọc làng. Các nhà trong xóm vẫn vậy, có lẽ cần thêm thời gian.
Triêm Nam lọt thỏm giữa bốn bề sông nước, mùa lũ chỉ còn cách bơi ghe tới đoạn thành cầu giữa sông mà leo lên. Cầu Câu Lâu xây cách đây vài năm thì chạy tít trên cao, người "quá cảnh" sông Thu Bồn chỉ thấy cái cồn lạc lõng giữa sông nước.
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)