Chúng tôi lấy nhau 6 năm và đã kịp có 2 đứa con. Chúng đều còn quá bé, lại sát nhau nên nuôi và dạy khá nhọc nhằn.
Sở thích chung của cả 2 chị em chúng là bày bừa. Mỗi ngày, vợ tôi đều cặm cụi đi theo từng bước chân con để nhặt ống hút sữa, giấy vụn, đồ chơi và phân loại.
Vợ tôi thường đem tống hết ống hút, vỏ kẹo, giấy vụn vào thùng rác dưới bếp. Còn những mảnh ghép của đồ chơi, cô ấy nhặt và cho hết vào thùng carton hoặc một chiếc bịch ni-lông. Đôi khi cáu, cô ấy vừa dọn vừa lèm bèm lũ nhỏ và quơ cả ống hút, vỏ hộp sữa, giấy vụn... chung với đồ chơi của con.
Tất cả những lần ấy, vợ tôi đều tự làm một mình. Không nhờ tôi, không dạy con làm phụ nhưng vừa làm cô ấy vừa cằn nhằn. Vợ tôi sợ con còn nhỏ quá, làm mấy việc đó sẽ mất vệ sinh và phải hít bụi, ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng.
Cho tới một ngày, một tai nạn nhỏ xảy ra khiến tôi ân hận mãi.
Trong lúc bực lũ nhỏ, vợ tôi đã quơ tất cả những gì mà cô ấy cho là rác vào cái thùng carton đựng sữa của lũ nhỏ và đem vứt ra ngoài thùng rác ngay đầu hẻm. Khi đi làm về, tôi mới biết trong đám rác cô ấy dọn có cái bọc đựng kim tiêm của tôi sau khi châm cứu cho bệnh nhân tại nhà (tôi là bác sĩ y học cổ truyền).
Vào lúc vợ mang chiếc thùng carton đem vứt, chỉ 5 phút sau, một người đàn bà mua bán ve chai đã nhặt được chiếc thùng ấy và đem đi. Chị ta không biết trong đáy thùng, ngoài giấy vụn, hộp sữa, vẫn có chục cây kim nằm trong đó. Lo lắng, băn khoăn, tôi cứ hồi hộp mãi.
Hai chị em sau khi chơi sẽ tự giác dọn rác trong phòng khách
Cho tới một ngày, khi vợ vẫn cặm cụi dọn dẹp và vẫn càu nhàu như muôn năm cũ thì con gái lớn của chúng tôi nói: "Cô dặn con phải phân loại rác ra, sao mẹ lại lấy đồ chơi của con cất chung với sữa?".
Nếu như mọi khi, vợ tôi sẽ la lên ngay nhưng hôm nay, câu nói bất ngờ của con bé 5 tuổi khiến cô ấy ngớ người ra, đứng suy nghĩ băn khoăn đến vài phút. Hình như có điều gì đó vỡ lẽ ra trong lòng cô ấy.
"Mẹ xin lỗi, lần sau bé Sâu giúp mẹ phân rác nha!". Con bé nghe mẹ nói vậy, vui hẳn lên.
Từ hôm đó, các con và cả mẹ của chúng đều coi việc dọn dẹp phòng khách sau khi chơi là một niềm vui chứ không phải là cực hình. Vợ tôi cũng không tự gọi mình là lao công tự nguyện cho các con nữa.
Trẻ em giống như tờ giấy trắng. Bạn sẽ vẽ gì lên tâm trí và nhận thức của các con? Nếu con sống trong một ngôi nhà như cái kho, bên cạnh một ông bố hay bà mẹ luôn vắt áo khoác lên thành ghế, ăn cơm xong không rửa chén ngay mà tới hôm sau mới rửa, 3 ngày đổ rác một lần..., thử hỏi con trẻ sẽ ra sao, có dần dần thích nghi với lối sống đó không?
Nhưng nếu một ông bố luôn gọn gàng ngăn nắp, một bà mẹ luôn giữ căn bếp sạch sẽ và áo quần cho con đi học thơm tho sạch đẹp, chắc chắn những đứa bé ấy sẽ không bị rác rến đọng lại trong tâm hồn của chúng.
Trẻ rất thích được đi chơi, được hòa nhịp với thiên nhiên, thích được cha mẹ đưa đi dã ngoại. Ngoại cảnh là cách để trẻ nhìn ra được mình phải sống như thế nào cho sạch, cho đẹp và bảo vệ môi trường ra sao. Những cuộc dã ngoại trong tâm hồn cần có người dẫn dắt hiệu quả và không ai khác chính là cha mẹ của trẻ!
Bình luận (0)