Tính đến nay, Cà Mau đã giải ngân được hơn 39,5% tổng vốn đầu tư công năm 2022. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Cà Mau cao hơn khoảng 4% so với bình quân chung cả nước và 1% so với khu vực ĐBSCL.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau trực tiếp kiểm tra công trình trọng điểm trên địa bàn
Nhận diện khó khăn
Dù là "điểm sáng" giải ngân vốn đầu tư công nhưng công tác này ở Cà Mau nhìn chung vẫn còn chậm. Một số nguyên nhân đã được chỉ ra như: vướng mặt bằng; công trình trọng điểm được khởi công vào thời điểm giá xăng dầu, vật tư tăng cao, thậm chí khan hiếm; khâu chuẩn bị hồ sơ, thủ tục còn chậm; nguồn vốn trung ương giải ngân chậm…
Theo Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau, nhiều dự án trọng điểm do đơn vị làm chủ đầu tư đang vướng mặt bằng, cần được tháo gỡ như: cầu bắc qua sông Ông Đốc, cầu Gành Hào, tuyến trục Đông Tây… Ngoài ra, đa phần nguyên vật liệu phục vụ thi công phải mua và vận chuyển từ nơi khác về Cà Mau. Thời gian qua, việc một số địa phương siết chặt quản lý, hoạt động khai thác cát làm nguồn cung khan hiếm dẫn đến bị động cũng khiến không ít dự án chậm tiến độ so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Dự án gói thầu số 33 - Công ty CP Sản xuất công nghiệp xây lắp 3, đơn vị thi công phần chính cầu bắc qua sông Ông Đốc, cho biết thời gian qua, giá vật liệu xây dựng tăng đã gây nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công. Bên cạnh đó, công nhân tại địa phương khan hiếm, lực lượng có tay nghề rất ít. Các nhà thầu mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.
Tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau, việc giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến cước vận chuyển nguyên vật liệu cũng tăng theo, ảnh hưởng tới chi phí công trình; nguồn cung cát xây dựng hạn chế, chưa đáp ứng được kế hoạch tiến độ đề ra…
Bên cạnh đó, một số nhà thầu xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau còn chủ quan khi chưa tập trung tối đa nguồn lực, nhất là về tài chính, để triển khai thi công. Việc huy động thiết bị và nhân sự cũng chưa phù hợp, còn thiếu, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Công nhân tất bật thi công để những công trình trọng điểm trên địa bàn Cà Mau hoàn thành đúng tiến độ
Không chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định thành lập 2 tổ công tác.
Theo đó, tổ công tác thứ nhất do ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, làm tổ trưởng; thành viên là đại diện các sở, ngành; có nhiệm vụ theo dõi, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công. Tổ công tác thứ 2 do ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, làm tổ trưởng, sẽ theo dõi, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau còn thường xuyên trực tiếp đến các công trình để kiểm tra tiến độ thi công, động viên công nhân, lắng nghe nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cũng như khó khăn của doanh nghiệp. Qua đó, tỉnh sẽ kịp thời đưa ra những quyết sách thấu tình đạt lý để sớm hoàn thành và đưa các công trình vào khai thác phát triển kinh tế - xã hội, chống lãng phí.
Trong chuyến kiểm tra trực tiếp những công trình trọng điểm trên địa bàn 2 huyện Cái Nước và Trần Văn Thời mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu công trình, dự án nào vướng giải phóng mặt bằng thì lãnh đạo địa phương phải đến tận gia đình nắm tình hình, kiểm tra thực tế rồi đưa ra giải pháp và chỉ đạo khắc phục ngay. "Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan, chủ đầu tư kiểm tra tiến độ hằng tuần nhằm kịp thời phát hiện vướng mắc, khó khăn để xử lý và báo cáo với tỉnh ủy" - ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cũng cam kết đồng hành với doanh nghiệp. Ông yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khắc phục những hạn chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà thầu thi công hoàn thành đúng tiến độ các công trình trọng điểm.
"Không chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm mà phải coi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là của chính mình; lắng nghe và giải quyết theo thẩm quyền; kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp trên các trường hợp vượt thẩm quyền để có ý kiến chỉ đạo, giải quyết ngay" - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ.
Trao đổi với phóng viên, nhiều hộ dân có công trình trọng điểm đi qua phần đất gia đình đều cho hay sẵn sàng bàn giao đất để nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ dự án. Với một số hộ không đồng thuận, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, giải thích để họ hiểu và chấp hành.
Ông Nguyễn Văn Nam - người dân ngụ TP Cà Mau - kỳ vọng những công trình trọng điểm khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp tỉnh nhà chuyển mình. "Tôi ghi nhận sự nỗ lực của các ngành chức năng tỉnh Cà Mau. Lãnh đạo tỉnh luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến người dân nên khi có những chủ trương, chính sách hợp lòng dân thì chúng tôi đều chấp thuận và ủng hộ" - ông khẳng định.
Cần Thơ, Vĩnh Long: Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, giám sát chặt chẽ, hiệu quả quá trình tổ chức thi công; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhất là với dự án hết thời gian thực hiện sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ, vốn ngân sách trung ương và các dự án trọng điểm trên địa bàn 3 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng.
Tại Vĩnh Long, trong những nhiệm vụ trọng tâm của tháng 11-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là dự án, công trình trọng điểm của tỉnh và dự án sử dụng vốn ODA.
C.Tuấn
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH



Bình luận (0)