xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội

QUỐC ANH - SƠN NHUNG

Tại TP HCM kết quả phát triển nhà ở xã hội còn khiêm tốn so với kế hoạch nên HĐND TP HCM cùng cơ quan chức năng mổ xẻ nguyên nhân để đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đã dẫn đầu Đoàn giám sát của HĐND TP HCM về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2016-2025, làm việc với UBND huyện Bình Chánh và UBND TP Thủ Đức vào ngày 21 và 26-9.

Kết quả chưa như kỳ vọng

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3.222 căn hộ; đang thực hiện công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng 1.344 căn nhà ở xã hội (giai đoạn 2021-2025). Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Chánh có 19 dự án triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai với hàng loạt vướng mắc liên quan tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, pháp lý đất đai, giao thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, khó khăn tài chính…

Trong giai đoạn từ 2016 cho tới nay, trên địa bàn TP Thủ Đức đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội, với 5.960 căn hộ; đang thực hiện đầu tư xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn và 1 dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê với quy mô 1.040 căn.

UBND TP Thủ Đức cũng nêu một số tồn tại, hạn chế khi phát triển nhà ở xã hội như chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở chỉ chú trọng nhà ở thương mại, thủ tục pháp lý triển khai kéo dài. Một số dự án chưa hoàn tất việc bồi thường 100% diện tích giao đất thực hiện quy hoạch mà chủ yếu bồi thường phần đất để kinh doanh, chưa bồi thường diện tích đất nhà ở xã hội, trong khi chưa hình thành chế tài đối với chủ đầu tư dạng này.

Nhận định về tình hình phát triển nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho rằng hiện nay suất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cao, đó là chưa tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nên để hạ giá thành cần được hỗ trợ nhiều mặt. Với tình hình hiện nay, có chủ đầu tư cũng tạm ngưng triển khai xây dựng nhà ở xã hội để chờ sự thay đổi về cơ chế, chính sách vì "càng làm càng lỗ", nhất là các dự án nhà ở xã hội độc lập.

Bên cạnh đó, theo ông Khiết, thực hiện dự án nhà ở xã hội khó hơn dự án nhà ở thương mại do vấn đề xác nhận đối tượng thụ hưởng phải đồng thời bảo đảm 3 điều kiện về cư trú, nhà ở và thu nhập. Trong đó, việc xác nhận đối tượng có nhà ở hay không cũng khó khăn, bất cập. Quy định đối tượng không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên cũng gặp khó. Ông cho rằng 3 điều kiện này không khớp thực tế và cần có sự điều chỉnh.

Gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Nhu cầu về nhà ở xã hội rất cao trong khi tiến độ thực hiện các dự án chưa đạt yêu cầuẢnh: TẤN THẠNH

Tập trung giải quyết vướng mắc

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định trên địa bàn huyện Bình Chánh giai đoạn 2016-2025 dự kiến nghiệm thu đưa vào sử dụng chỉ đạt khoảng 423.736 m2 sàn với 4.566 căn, chiếm tỉ lệ 14,37% chỉ tiêu sàn và 10,76% chỉ tiêu căn hộ so với tổng số chỉ tiêu theo kế hoạch đã duyệt (hơn 2,9 triệu m2 sàn với khoảng 42.442 căn). Trong khi đó, TP Thủ Đức có 14 dự án nhà ở xã hội được duyệt quy hoạch nhưng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng. Như vậy, TP Thủ Đức có tới 28 dự án nhà ở xã hội đang triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, trong đó có 25 dự án liên quan đến pháp lý dự án, thủ tục về đất đai, giao thuê đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư - thay đổi vị trí thực hiện dự án, thẩm định giá bán nhà ở xã hội…

Qua nhiều đợt giám sát, HĐND TP HCM nhận thấy các thông tin quản lý dự án, thông tin đất đai… giữa các cơ quan quản lý, cấp phép đầu tư, cấp giấy chứng nhận và địa phương chưa được kết nối, khai thác để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đây cũng là tồn tại dẫn đến tình trạng nhiều quận, huyện không nắm được chính xác số liệu dự án, dự án nào được cấp giấy chứng nhận, cấp bao nhiêu…

Từ đó, Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức cần theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, thẩm định giá, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, thi công xây dựng để bảo đảm tiến độ được phê duyệt. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tư pháp, Sở Tài chính cùng các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương trong thực hiện hoặc tham mưu đề xuất UBND TP HCM đối với các nội dung còn vướng mắc, hạn chế để hỗ trợ, tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Nguồn: UBND TP HCMĐồ họa: Chi Phan

Ưu đãi tín dụng mua nhà

Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM, ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin trong tháng 9 hoặc tháng 10 sẽ giải quyết vấn đề điều chỉnh quy hoạch cục bộ đồ án quy hoạch phân khu cho dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên (giai đoạn 1) quy mô hơn 1.500 căn hộ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, cho hay hồ sơ điều chỉnh dự án Lê Thành - Tân Kiên (giai đoạn 1) đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc trình lên UBND TP HCM. Trong khi đó, dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Tạo 2 (quận Bình Tân) quy mô 500 căn hiện cũng trình UBND TP để chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch. Còn dự án Lê Thành - Tân Kiên (giai đoạn 2) cũng vướng vì chưa phù hợp quy hoạch, bởi đây là dự án nhận chuyển giao đất nông nghiệp. Tuy vậy, theo ông Nghĩa, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã tháo gỡ hết các vướng mắc về nhà ở xã hội cho doanh nghiệp. Trong khi trước đây quy định đất ở mới được làm nhà ở xã hội thì nay chấp nhận đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Đồng thời phải ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất thấp (quy định hiện nay là 4,8%-5%/năm) và được vay dài hạn (quy định hiện nay là tối đa 25 năm) là chính sách chủ yếu, quan trọng nhất trong các chính sách về nhà ở xã hội. Cho vay ưu đãi nhà ở xã hội từ nay đến năm 2025 để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo