Với mục đích hình thành thói quen và góp phần xây dựng công dân số, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu, tỉnh Kiên Giang đã triển khai mô hình chợ 4.0 tại TP Rạch Giá và 2 huyện Giồng Riềng, Vĩnh Thuận.
Chợ 4.0 là xu thế nhưng cần vận động, tuyên truyền để đông đảo tiểu thương và người dân tham gia thanh toán không tiền mặt. Ảnh: CA LINH
Vừa nhanh vừa thuận tiện
Tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá và các chợ trên địa bàn thành phố, từ mô hình chợ 4.0, người dân và tiểu thương có thể mua - bán hàng bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua ứng dụng Viettel Money, VNPT Money vừa nhanh vừa thuận tiện. Hai bên mua - bán không cần phải thanh toán bằng tiền mặt, tránh rủi ro về tiền rách, tiền giả.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó trưởng Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Rạch Giá, cho biết: "Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình chợ 4.0 tại trung tâm được đa số tiểu thương, khách hàng đồng tình ủng hộ bởi tiện ích mang lại qua việc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua - bán".
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số quầy hàng trong khu nhà lồng ở Trung tâm Thương mại Rạch Giá, phần lớn tiểu thương đã mở tài khoản Viettel Money, VNPT Money để thực hiện các giao dịch như nạp, chuyển tiền. Nhiều quầy hàng chấp nhận thanh toán qua mã QR của nhiều ngân hàng thương mại để khách hàng lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, tiểu thương tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá, nhận xét: "Với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tôi không mất thời gian đổi tiền lẻ để trả tiền thừa cho khách hàng. Tôi cũng quản lý số tiền bán hàng trong ngày tốt hơn".
Ở Cần Thơ, mô hình "Chợ công nghệ - Chợ 4.0" được Sở Công Thương triển khai đầu tiên tại chợ An Thới, quận Bình Thủy từ tháng 9-2022. Đến nay, Cần Thơ đã "phủ sóng" mô hình này tại 9 quận, huyện trên địa bàn với 18 chợ 4.0, bước đầu tạo nhiều thuận lợi cho tiểu thương và khách hàng khi trao đổi, mua - bán.
Ngoài mô hình chợ 4.0 do Sở Công Thương và VNPT Cần Thơ phối hợp thực hiện, chợ An Thới còn được Viettel Cần Thơ triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt. Tiểu thương và khách hàng ở đây có thể sử dụng dịch vụ ví Money do VNPT Cần Thơ hoặc Viettel Cần Thơ cung cấp để thanh toán các giao dịch hàng hóa thay vì dùng tiền mặt. Khi đăng ký dịch vụ, người đi chợ và tiểu thương sẽ được cấp mã QR.
Khi thanh toán, khách hàng chỉ cần dùng điện thoại quét vào mã QR của tiểu thương hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng của nhà cung cấp.
Bà Lê Thị Dung, tiểu thương buôn bán giày dép ở chợ An Thới, rất thích thú với mô hình này bởi sự tiện lợi trong thanh toán. "Nhiều người mua hàng 20.000 - 30.000 đồng mà đưa tờ tiền mệnh giá lớn, đâu phải lúc nào chúng tôi cũng có tiền thối lại.
Với ví Money thì cả bên mua lẫn bên bán đều thanh toán dễ dàng và chính xác. Nhiều bà nội trợ đi chợ quên mang ví, chỉ cần chiếc điện thoại và quét mã là thực hiện được giao dịch để mua hàng" - bà Dung dẫn chứng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, địa phương này có 12 mô hình chợ 4.0 được thực hiện tại các huyện và TP Cà Mau. Trong đó, hơn 1.500 điểm chấp nhận quét mã QR thanh toán, trên 100.000 tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money để thanh toán không dùng tiền mặt. Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại, qua đó góp phần xây dựng kinh tế số - xã hội số và hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Trong khi đó, hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến trên địa bàn An Giang cũng ngày càng phổ biến. Việc này đã và đang đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết trong năm 2022, 1.015 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đã được phát triển tại 12 chợ trên địa bàn. Đây là kết quả sau 11 lớp tập huấn với 600 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia học cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart để quảng bá và tiêu thụ.
Đến nay, An Giang có 235.371 tài khoản được Bưu điện Việt Nam hỗ trợ mở gian hàng số trên sàn Postmart. Trong đó, các hộ sản xuất nông nghiệp có 804 tài khoản với 2.104 sản phẩm (56 sản phẩm OCOP) và 12.400 giao dịch.
Người dân cần thời gian để thích nghi với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: VÂN DU
Cần thời gian làm quen
Nhiều người nhận xét dù có những mặt tích cực song chợ 4.0 ở ĐBSCL cũng còn một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới. Ông Bùi Văn Hải - người dân ngụ phường 5, TP Cà Mau - cho rằng sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, mô hình chợ 4.0 tại địa phương đã cho thấy nhiều tiện lợi. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển hơn thì cần có thời gian cho người dân làm quen và thích nghi.
Ông Hải phân tích: "Hiện nay, một bộ phận người dân ở khu vực nông thôn và người lớn tuổi còn khá xa lạ với việc thanh toán bằng hình thức quét mã QR hoặc chuyển khoản. Bởi lẽ, họ đã quen với việc dùng tiền mặt trong thời gian dài hoặc không sử dụng điện thoại thông minh. Người dân mua nhu yếu phẩm tại chợ có khi chỉ vài chục ngàn đồng mà chuyển khoản cũng bất tiện. Việc triển khai chợ 4.0 chưa đồng bộ nên tiểu thương muốn mua hàng hóa phải rút tiền mặt ra dùng".
Trước những khó khăn trên, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đề xuất tiếp tục tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của "Tổ công nghệ số cộng đồng" để hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt.
Vốn quan tâm và ủng hộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc (An Giang) đã tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch qua thẻ ngân hàng khi mua sắm tại đây. Trong nhiều chuyến mang hàng Việt về nông thôn, Tứ Sơn Châu Đốc cũng đưa hình thức thanh toán hiện đại này đến với người tiêu dùng.
Chị Cao Thị Hoa Tuyền - ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - cho biết rất vừa lòng với hình thức thanh toán mới mẻ này. "Mua hàng xong chỉ cần chuyển khoản thì tiện lợi đôi bên, khỏi phải trả tiền lẻ. Tuy nhiên, cách thanh toán này còn ít nơi sử dụng và còn mới với nhiều khách hàng. Tôi còn trẻ nên tiếp cận dễ, còn người lớn tuổi thì hơi bất tiện" - chị Tuyền so sánh.
Theo ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc, thanh toán không dùng tiền mặt là việc rất hay. Điều này thúc đẩy việc mua bán tiện lợi hơn và phù hợp với xu hướng phát triển.
"Tuy nhiên, việc chúng tôi còn băn khoăn là phí dịch vụ của ngân hàng với mỗi giao dịch còn cao. Người tiêu dùng lớn tuổi thì e ngại và lúng túng khi dùng app chuyển tiền. Nếu muốn phát triển cách thức thanh toán không dùng tiền mặt, chúng ta phải có giải pháp về phí dịch vụ của ngân hàng, sự đồng bộ của các cửa hàng và sự hiểu biết cao của khách hàng..." - ông Sơn đề xuất.
Tăng cường tuyên truyền
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho thấy đến nay, sở đã phối hợp với các đơn vị ra mắt 7 chợ 4.0 ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Mô hình chợ 4.0 góp phần cùng tỉnh hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ vào đời sống; mang đến môi trường số hóa tài chính hiện đại, an toàn, tiện lợi và phù hợp với mọi người, xóa bỏ những giới hạn và mang đến tiện ích trong giao dịch thanh toán.
Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp phải một số khó khăn. Phần lớn tâm lý các hộ tiểu thương và người dân lúc đầu còn e ngại việc sử dụng ví điện tử để thanh toán, do sợ thao tác không rành sẽ mất tiền; trình độ sử dụng công nghệ còn hạn chế, người lớn tuổi tiếp cận chậm nên chưa dám sử dụng... Vì vậy, việc vận động cài đặt ví điện tử gặp không ít trở ngại.
Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường vận động, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ kinh doanh, tiểu thương... để mọi người đồng tình hưởng ứng việc thanh toán không dùng tiền mặt.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)