Ngày 15-6, Thường trực HĐND TP HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện Chương trình nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 đối với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tục cản trở nhà đầu tư
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở thành phố tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn, trong đó nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo khi tăng 38,5 triệu m2 sàn, nhà ở thương mại chiếm tỉ trọng lớn thứ hai với 13,98 triệu m2 sàn và nhà ở xã hội (NƠXH) tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.
Theo ông Khiết, giai đoạn 2016-2020 chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 dự án NƠXH với 14.954 căn, đạt hơn 69% so với chỉ tiêu đề ra. Đáng nói chỉ có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách với quy mô 366 căn hộ; 1 dự án vừa sử dụng vốn ngân sách, vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với 718 căn hộ; còn lại là vốn doanh nghiệp. Trong khi đó, thành phố cũng chỉ đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng một dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.449 phòng; một dự án ký túc xá sinh viên với 423 chỗ ở trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2021-2025, đến quý I/2022, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng một dự án NƠXH có quy mô 260 căn với 32.668 m2 sàn xây dựng. Như vậy, theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 4151/2021, trong thời gian còn lại phải phấn đấu phát triển hơn 2,4 triệu m2 sàn xây dựng NƠXH (chỉ tiêu là 2,5 triệu m2 tương ứng khoảng 35.000 căn hộ). Theo ông Khiết, việc này đang gặp rất nhiều khó khăn. "Dự kiến trong năm 2022, thành phố sẽ triển khai 18 dự án, trong đó có 6 dự án NƠXH nhưng cố gắng lắm cũng chỉ triển khai được 3 dự án, các dự án còn lại đều vướng thủ tục, nguồn vốn và nhiều việc cần phải tháo gỡ" - ông Khiết trăn trở.
Ông Khiết cho rằng thủ tục đầu tư dự án NƠXH đang cản trở nhà đầu tư. Quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án NƠXH nhiều hơn và khó hơn so với nhà ở thương mại dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia. Nhà đầu tư không mặn mà trong khi nguồn ngân sách thì không bảo đảm. "Nếu dự án NƠXH thực hiện theo đúng quy định của luật, đúng hạn thì tối thiểu phải trên 1,5 năm đến 2 năm, trường hợp rút ngắn được thì cũng còn trên 300 ngày. Thủ tục hiện nay rất mất thời gian nên chưa có dự án nào triển khai trong 1,5 năm đến 2 năm" - ông Khiết cho hay.
Dự án nhà ở xã hội - chung cư Chương Dương, TP Thủ Đức được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016-2020 Ảnh: QUỐC ANH
Hàng loạt kiến nghị
Đồng tình với báo cáo của Sở Xây dựng, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND TP HCM, nhìn nhận tỉ lệ phát triển NƠXH giai đoạn 2016-2020 còn khiêm tốn khi gặp nhiều khó khăn về thủ tục làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. "NƠXH là câu chuyện thành phố rất quan tâm để ổn định xã hội" - ông Nhựt nói và cho rằng cần có giải pháp tổng thể, căn cơ hơn. Do đó, các đơn vị cần có nghiên cứu để có hướng tháo gỡ các vướng mắc, cần thiết có cơ chế thí điểm để đột phá về n NƠXH, tạo động lực cho các đối tượng yếu thế có nơi ở ổn định.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM, cho biết khi đi giám sát, các đơn vị cũng phản ánh thủ tục đầu tư hiện nay rất chậm và khó khăn. Khi xây dựng dự án NƠXH thì chủ đầu tư được ưu đãi về một số chỉ tiêu quy hoạch nên dẫn đến điều chỉnh quy hoạch cục bộ, kéo dài thời gian triển khai dự án. Từ đó, nhiều dự án NƠXH lẫn nhà lưu trú công nhân hiện nay làm rất chậm. Theo bà Vân, Sở Xây dựng đưa ra rất nhiều nguyên nhân về vốn, thủ tục nhưng cũng cần nhìn thấy trách nhiệm chủ quan của sở để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay đơn vị đã đề xuất UBND TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án NƠXH. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ Xây dựng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét giải quyết.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP HCM ủy quyền, phân công cho UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH và nhà lưu trú công nhân. Bên cạnh đó, giao Sở Xây dựng là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thẩm định giá bán, giá cho thuê và giá cho thuê mua NƠXH được đầu tư xây dựng theo dự án không phải bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định.
Cũng liên quan đến việc gỡ vướng cho các dự án NƠXH, mới đây Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc cho hàng loạt dự án NƠXH. Đó là dự án Khu dân cư phường Long Trường, TP Thủ Đức; Khu nhà ở Nguyên Sơn, huyện Bình Chánh; Khu dân cư Hiệp Phước 1 thuộc khu đô thị cảng Hiệp Phước; Khu nhà ở tại TP Thủ Đức; Khu dân cư Tân Thuận Tây tại quận 7; Khu nhà ở xã hội Công ty Exim tại TP Thủ Đức; chung cư NƠXH lô C1 Khu dân cư Long Thới - Nhơn Đức, Nhà Bè; Khu nhà ở phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư số 6 thuộc khu dân cư Công viên giải trí Hiệp Bình Phước; dự án Khu nhà ở Vạn Phúc 1 tại Khu đô thị Hiệp Bình Phước; dự án Khu nhà ở Công ty Đông Nam tại Khu đô thị Hiệp Bình Phước.
Chỉnh trang đô thị chậm tiến độ
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết đánh giá kết quả thực hiện công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh tranh đô thị còn khiêm tốn, chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Trong giai đoạn 2016-2020, mới chỉ bồi thường và di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4%, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng đa số cũng chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách.
Trong khi đó, việc cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu cũng chủ yếu thực hiện việc vận động, tuyên truyền người dân hiến đất mở rộng hẻm. Đáng nói là thủ tục hiến đất mở hẻm ở TPHCM còn nhiều phiền hà khi người đã hiến đất mà còn mất thời gian làm thủ tục, tốn tiền đo vẽ cập nhật vào giấy tờ.
Bình luận (0)