Ngày 11-12, tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX với chủ đề "Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết ước đến cuối năm 2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác, 26.112 HTX và 100 liên hiệp HTX, thu hút hàng chục triệu thành viên tham gia.
Khó tiếp cận vốn
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực kinh tế HTX những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; tạo việc làm; tăng thu nhập; xóa đói giảm nghèo cho các thành viên; góp phần xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng chỉ ra một số hạn chế bất cập của khu vực kinh tế này, như tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng HTX tuy tăng nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan các gian hàng trưng bày tại diễn đàn Ảnh: TTXVN
Từ thực tế của HTX, bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Lý (tỉnh Vĩnh Phúc), cho biết dù HTX này tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nhưng các chính sách hỗ trợ HTX hiện nay vẫn còn hạn hẹp. Đáng chú ý, trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, HTX chỉ được vay vốn hơn 10 triệu đồng, dựa trên số lượng người được đóng BHXH, trong khi các doanh nghiệp được vay vốn nhiều hơn.
"Sắp tới phải có chính sách riêng cho HTX trong ngành nông nghiệp. Cứ chung chung thế này thì toàn bộ HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng sẽ thiệt thòi mãi, có chính sách nhưng không được hưởng" - bà Hương kiến nghị.
Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX Chè Tân Hương (tỉnh Thái Nguyên), cũng cho biết các khó khăn lớn của HTX này là chưa có đất để xây dựng trụ sở và nhà xưởng ổn định; chưa tiêu thụ được hết sản phẩm cho thành viên và không có tài sản để thế chấp vay vốn từ ngân hàng. Chính vì vậy, bà Hiệp đề nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để HTX được vay các nguồn vốn với lãi suất thấp và bằng tín chấp.
Ưu tiên vốn cho HTX
Trong tham luận gửi đến diễn đàn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nhìn nhận quá trình triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX vẫn còn một số khó khăn.
Theo đó, nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn; thiếu công khai, minh bạch, thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật HTX 2012, chưa chuyển đổi hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức... nên thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao. Việc sản xuất hàng hóa chưa gắn với thị trường tiêu thụ, dẫn tới chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi khi tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng.
NHNN cũng chỉ ra rằng một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, hoạt động của hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân cũng bộc lộ các bất cập như hoạt động chưa đúng tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi nhuận, chưa hỗ trợ các hành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao đời sống, dẫn đến yếu kém.
Về các giải pháp hỗ trợ HTX thời gian tới, NHNN kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách, trong đó có Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ cho các HTX tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
"Ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX" - đại diện NHNN cho hay.
Chủ trì diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam. Phát triển kinh tế tập thể phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
"Kinh tế tập thể, HTX cũng cần tiếp thu kinh nghiệm, ứng dụng linh hoạt, hiệu quả mô hình thành công trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh" - Phó Thủ tướng yêu cầu và cho biết mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.
Tiếp tục hoàn thiện về pháp lý
Sau khi lắng nghe kiến nghị của đại diện các HTX, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện về pháp lý, cơ chế chính sách liên quan kinh tế tập thể, HTX; tháo gỡ rào cản, quy định nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận vốn, nguồn lực cho các HTX. Tạo điều kiện cho HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
"Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP; mô hình HTX quy mô cấp tỉnh, cấp vùng miền, cấp quốc gia theo ngành hàng" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận (0)