Bên cạnh các khu công nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19, việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản tại vùng dịch thuộc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đang gặp khó khăn. Lo ngại tình trạng ách tắc như từng xảy ra với nông sản Hải Dương từ đợt bùng phát dịch thứ 3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương vừa ký văn bản gửi Thủ tướng, các bộ, ngành và tỉnh, TP đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Cần vận dụng linh hoạt
Hiện việc lưu thông, vận chuyển nông sản của Bắc Giang qua các tỉnh, thành phố, cửa khẩu đang nghẽn. Theo ông Lê Ánh Dương, hiện phương tiện vận tải chở nông sản, hàng thiết yếu và nguyên vật liệu từ Bắc Giang đi các địa phương đều bị các chốt kiểm dịch chặn, không cho lưu thông. Ngược lại, tài xế từ các địa phương vận chuyển hàng hóa tới Bắc Giang khi quay trở lại phải cách ly tập trung 21 ngày.
Bắc Giang bắt đầu thu hoạch vải chín sớm từ ngày 20-5, vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10-6 đến 20-7. Sản lượng vụ vải thiều năm nay ước tính 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020. Bắc Giang cũng đang có hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm vào kỳ tiêu thụ. Đây không phải lần đầu một địa phương, khu vực bị phong tỏa, giãn cách, song hiện việc hỗ trợ, lưu thông hàng hóa từ vùng dịch vẫn chưa được nhịp nhàng, thông suốt. Để bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị các địa phương cho phép phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu của Bắc Giang thông thương thuận lợi qua cửa khẩu, các tỉnh, TP.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho biết từ đợt dịch tại tỉnh Hải Dương, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đã có Công văn số 898/BYT-MT ngày 7-2-2021 hướng dẫn thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản vùng có dịch.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP Hà Nội cho rằng các địa phương cần vận dụng linh hoạt hướng dẫn này để hỗ trợ tiêu thụ tối đa hàng hóa, nông sản cho vùng dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. Trong trường hợp cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ, đồng thời giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này.
Trên thực tế, vùng dịch Bắc Giang cũng cam kết các doanh nghiệp, đơn vị vận tải, chủ xe, tài xế... khi vận chuyển nông sản, hàng hóa, nguyên vật liệu từ tỉnh này đến các tỉnh, TP khác và ngược lại, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch Covid-19.
Bắc Giang chuẩn bị bước vào thu hoạch vải thiều chính vụ
Các địa phương cam kết hỗ trợ
Để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ nông sản trước diễn biến mới của dịch Covid-19, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết đã yêu cầu sở công thương các địa phương phối hợp cùng với ngành nông nghiệp kết nối các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp phân phối lớn đưa hàng vào siêu thị trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có hệ thống bán lẻ lớn như: Central Group, AEON, Vincommerce, Lotte... Cùng với đó, ngành công thương địa phương phải hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch, chủ động biện pháp vận chuyển.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, vấn đề liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh lân cận với TP Hà Nội trong việc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản đã được triển khai từ trước, không chỉ riêng mỗi đợt bùng phát dịch mới triển khai. Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết cơ quan này đã hỗ trợ kết nối, đưa nông sản của Bắc Giang, Bắc Ninh vào các hệ thống phân phối trên địa bàn. "Đối với mặt hàng vải thiều đang chuẩn bị vào kỳ thu hoạch chính vụ ở Bắc Giang, các hệ thống phân phối đã hỗ trợ đưa mặt hàng này đến các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam. Theo báo cáo của các hệ thống phân phối, vải thiều đưa vào đó bán rất tốt, đã đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa cho địa phương đang có dịch" - bà Lan nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng hỗ trợ những điểm bán hàng cố định để các tỉnh vùng dịch có thể đưa hàng hóa, nông sản đã đến kỳ thu hoạch về tiêu thụ kịp thời. "Sở Công Thương đã phối hợp, làm việc với các lực lượng như công an, lực lượng tại các chốt kiểm dịch để tạo điều kiện cho hàng hóa từ vùng dịch được lưu thông thông suốt khi vào Hà Nội" - bà Lan nói.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng cho biết địa phương này sẽ hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang, Bắc Ninh trong việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Trong đó, các điểm kiểm dịch trên địa bàn sẽ tạo điều kiện để hàng hóa được lưu thông, trên cơ sở bảo đảm điều kiện về phòng chống dịch cho hàng hóa và tài xế điều khiển phương tiện vận chuyển hàng.
Để tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa vùng dịch, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, nhấn mạnh phía sản xuất là nông dân, đơn vị thu mua và đơn vị vận chuyển hàng hóa cần phối hợp nhịp nhàng, chuẩn bị sẵn các thủ tục như phiếu xét nghiệm cho tài xế, khử khuẩn hàng hóa, phương tiện để khi đi qua các chốt kiểm dịch được lưu thông nhanh. "Các địa phương cũng tạo điều kiện hết sức nếu như phương tiện, hàng hóa tuân thủ tốt các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Do đó, nông dân, đơn vị thu mua phải chủ động, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch" - ông Tương nói.
Tạo thuận lợi cho xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Bên cạnh thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản của Việt Nam, trong đó có vải thiều, nhãn, thanh long. Do đó, để lưu thông hàng hóa đưa lên các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường này, Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị các địa phương cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Bình luận (0)