Ngày 25-8, đoàn công tác Bộ Y tế do quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Nhiều vấn đề nóng tại bệnh viện này và ngành y tế nói chung đã được lãnh đạo bệnh viện phản ánh.
Lo quá tải ảnh hưởng chất lượng điều trị
TS-BS Nguyễn Tri Thức cho hay Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện "hạng đặc biệt", tuyến cuối của cả khu vực miền Nam nên áp lực rất lớn. Bệnh viện đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nhóm 2 theo Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Mỗi ngày, bệnh viện cấp cứu trung bình 300 bệnh nhân, tiếp nhận khoảng 4.500 - 5.000 bệnh nhân ngoại trú, khoảng 2.300 bệnh nhân điều trị nội trú. Gần 20.000 ca mổ đã được các bác sĩ thực hiện trong nửa năm qua, trong đó có hơn 8.000 ca mổ cấp cứu... Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, bệnh viện có 77 nhân viên y tế nghỉ việc, đa số chuyển ra làm việc ở khu vực y tế tư nhân.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, do là bệnh viện tuyến cuối nên Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận khó khăn từ các tỉnh dồn về. Ông lo ngại việc quá tải sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. "Tôi đã làm việc 30 năm ở đây và hiểu ai cũng muốn tiếp tục làm việc vì lòng tự hào với bệnh viện. Nhưng áp lực nặng quá! Không chỉ tiền lương mà áp lực tâm lý khiến nhiều người ra đi" - ông Hùng trăn trở.
Đại diện Công đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy cũng bày tỏ băn khoăn khi các bác sĩ muốn gắn bó với nghề nhưng y tế công và y tế tư cạnh tranh khốc liệt, dẫn đến bệnh viện "mất người".
Trước khó khăn nêu trên, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị bổ sung nhân viên chuyên sâu về lĩnh vực đấu thầu, mua sắm; đồng thời khẩn trương ban hành nghị quyết về liên doanh, liên kết, xã hội hóa y tế. "Thời gian qua, những vướng mắc trong quy định chi trả BHYT cho bệnh nhân thực hiện các chẩn đoán trên máy mượn, máy đặt tại bệnh viện đã ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân và hiệu quả điều trị của bác sĩ. Việc sử dụng máy đặt - mượn từ các đơn vị trúng thầu hóa chất, vật tư rất có ích cho bệnh viện trên cả nước, rất có lợi cho người bệnh nên rất cần Bộ Y tế chấp nhận hình thức này. Ngoài ra, nên tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; bổ sung công nghệ thông tin..." - TS-BS Nguyễn Tri Thức kiến nghị.
Giải thích thêm về kiến nghị "tính đúng, tính đủ giá dịch vụ", bác sĩ Thức khẳng định đây không phải là lạm dụng người bệnh. Theo ông, bệnh viện tính giá vừa đủ để tồn tại và tích lũy vừa phải để phát triển, không phải tích lũy theo kiểu lạm thu. Với quan điểm này, ông đề nghị rà soát lại viện phí, hướng tới xây dựng giá trần để bệnh viện không phải muốn tính giá bao nhiêu thì tính.
Đề cập tình trạng vật tư y tế giá rẻ, kém chất lượng, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng việc này tưởng là tiết kiệm nhưng không phải. "Phải thiết bị y tế tốt thì hiệu quả điều trị bệnh nhân mới tốt, giảm tai biến, giảm nhiễm trùng, giảm nằm viện, có thể xuất viện sớm, sớm hồi phục khả năng lao động để tạo ra của cải xã hội. Điều này đôi khi có lợi hơn" - bác sĩ Nguyễn Tri Thức phân tích.
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nêu nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế
Tiếp tục gỡ vướng về đấu thầu
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), đã giải đáp 4 kiến nghị của Bệnh viện Chợ Rẫy. Với những nội dung còn chưa rõ, ông Long cho biết bệnh viện có thể gửi văn bản chi tiết về bộ.
Một trong những nội dung nóng liên quan đến toàn bộ hệ thống bệnh viện hiện nay là quy định về đấu thầu. Các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy, kiến nghị không nên lấy giá thầu thấp nhất mà phải là giá hợp lý nhất. Ngoài ra, còn một số đề xuất khác liên quan đến xác định tình huống khẩn cấp để chỉ định thầu cho phép bệnh viện hạng 1 trở lên lựa chọn thương hiệu trong mua sắm trang thiết bị... Thừa nhận những vướng mắc trong đấu thầu là khó khăn của các cơ sở y tế, ông Long cho hay Bộ Y tế sẽ ghi nhận và có hướng dẫn rõ hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay sau cuộc họp với Thủ tướng hôm 21-8, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã được giao giải quyết những kiến nghị của Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngành y tế đang khẩn trương rà soát, hướng dẫn bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền trực tiếp của ngành, tạo hành lang thông thoáng nhằm giải tỏa khó khăn cho các bệnh viện.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định bộ sẽ trình Chính phủ tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm thuốc và trang thiết bị; thanh toán chi phí dịch vụ chẩn đoán trên máy mượn, máy đặt; giải quyết nợ tồn đọng liên quan BHXH... cho bệnh viện.
Đặc biệt, trong vấn đề đấu thầu trang thiết bị y tế, quyền bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp với các bên như kiểm toán, thanh tra... để xem xét việc cụ thể hóa quy trình đấu thầu nhằm giúp các bệnh viện yên tâm thực hiện. "Vừa rồi, chúng tôi có phản ánh với Thủ tướng về việc nếu có tổ chức đấu thầu thì cũng rất vướng. Mình làm một kiểu mà thanh tra, kiểm toán hiểu ngược lại thì rất khó. Trong phiên họp xây dựng pháp luật ngày 24-8, Thủ tướng đã lắng nghe đóng góp của nhiều ban, ngành liên quan đến đấu thầu. 90% đề xuất, kiến nghị được tiếp thu và đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Từ đó, Bộ Y tế cũng sẽ yên tâm triển khai" - bà Đào Hồng Lan thông tin.
Bộ Y tế đặt hàng Bệnh viện Chợ Rẫy
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện sự hài lòng của người bệnh; xây dựng những thương hiệu bệnh viện công với điều kiện làm việc và thu nhập không thua kém khối bệnh viện tư để giữ chân y, bác sĩ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các vụ, cục liên quan trong bộ nhanh chóng xúc tiến làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm toán... để hoàn thiện chính sách, quy trình chi tiết, đầy đủ để các bệnh viện an tâm, tự tin triển khai.
Bình luận (0)