Lãnh đạo Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp vật liệu san lấp tại dự án đường cao tốc Bắc - Nam, cũng như các dự án trọng điểm của ngành giao thông ở khu vực ĐBSCL.
Các tuyến cao tốc qua Phan Thiết thiếu 900.000 m3 đất đắp
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chốt tiến độ cuối cùng đến ngày 30-4-2023 phải hoàn thành toàn bộ các hạng mục và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo ông Lê Quyết Tiến, quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ GTVT, hiện thiếu nguồn đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu. Cụ thể, tuyến Dầu Giây - Phan Thiết; tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo đang thiếu 900.000 m3. "Nếu vấn đề nguồn đất đắp không được giải quyết sớm sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành toàn bộ dự án theo kế hoạch" - ông Tiến nói.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về vấn đề vướng mắc này. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét, chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho phép tiếp tục thu hồi vật liệu san lấp tại các khu vực cải tạo đất nông nghiệp đã phê duyệt đến khi hoàn thành việc san lấp tại dự án. Theo Thanh tra Chính phủ, việc cho phép hạ cốt nền nhằm cải tạo đất nông nghiệp, thu hồi vật liệu san lấp để cung cấp cho dự án của UBND tỉnh Đồng Nai cần được cấp thẩm quyền nghiên cứu, xem xét như một cơ chế đặc thù trong thời gian tới.
Nhà thầu thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình Ảnh: HOÀNG PHÚC
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết đối với 2 tuyến cao tốc này, nhà thầu đã huy động thiết bị, nhân lực để hoàn thành tuyến chính, bảo đảm thông xe trước ngày 30-4. Theo ông Nguyễn Danh Huy, vướng mắc chủ yếu là khâu thủ tục, câu chữ trong văn bản; vì vậy, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), các địa phương ủng hộ việc cho phép vừa khai thác để thi công vừa hoàn thiện các thủ tục để bảo đảm tiến độ hoàn thành trong 45 ngày tới. Ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện các mỏ khoáng sản của tỉnh đã bảo đảm đủ nguồn cung cấp về đá xây dựng cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia và tỉnh. Riêng cát, tỉnh Đồng Nai phải nhập từ một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đối với vật liệu san lấp, đã được UBND tỉnh Đồng Nai đưa vào quy hoạch khai thác khoáng sản.
Liên quan việc thiếu vật liệu để thi công các dự án đường cao tốc tại các tỉnh miền Trung, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết để đáp ứng đủ vật liệu thi công dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (một trong 12 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) cần khoảng 13,9 triệu m3 vật liệu như đất, cát, đá… Tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 28 mỏ đất với trữ lượng trên 12,6 triệu m3. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 7 mỏ cát với trữ lượng trên 2 triệu m3 và 10 mỏ đá trữ lượng khoảng 37 triệu m3 bảo đảm phục vụ thi công dự án. Còn theo ông Phan Xuân Tuấn - Trưởng Phòng Khoáng sản Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, thời gian qua tỉnh đã khẩn trương khảo sát quy mô hiện trạng, để đánh giá, lựa chọn các điểm mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ chất thải rắn nhằm bảo đảm việc thi công dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình được triển khai đúng tiến độ, thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Phòng Khoáng sản Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, cho hay hiện tại về vật liệu là đá và đất để phục vụ quá trình san lấp đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh này thì đáp ứng được nhu cầu, song cát lại thiếu do mỏ cát ở Hà Tĩnh nhỏ. Chia sẻ khó khăn của nhà thầu do giá vật liệu xây dựng tăng, ông Phạm Quỳnh Hải, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, cho biết công bố đơn giá của liên ngành xây dựng - tài chính vẫn có sự chênh lệch với giá thị trường. "Đơn cử, với giá cát hiện nay, nhà thầu thi công đang lỗ nhiều so với giá dự thầu của gói thầu" - ông Hải nói.
Nâng 50% công suất mỏ cát đang khai thác
Tại buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh, thành ĐBSCL, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc ở ĐBSCL cơ bản bảo đảm theo yêu cầu của Chính phủ và kế hoạch được giao. Bộ GTVT cam kết sẽ cùng Bộ TN-MT hỗ trợ các địa phương xử lý những vấn đề liên quan đến dự án trong thời gian nhanh nhất,
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, hiện nguồn cát ĐBSCL khan hiếm, một số địa phương không đáp ứng được nên cần hỗ trợ từ các địa phương lân cận. Lãnh đạo 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng cam kết sau khi cân đối sẽ sẵn sàng chia sẻ nguồn cát với các địa phương khác.
Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc về bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm của ngành GTVT khu vực ĐBSCL.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án từ nay đến năm 2024 gửi Bộ TN-MT và các địa phương trước ngày 24-3. Các nhà thầu chủ động làm việc với các địa phương hoặc doanh nghiệp khai thác mỏ cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền để bảo đảm nguồn cung theo đơn giá vật liệu do các địa phương ban hành, bảo đảm tính ổn định và không làm tăng vốn đầu tư. "Bộ GTVT cũng phải phối hợp Bộ TN-MT, UBND các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp để đánh giá trữ lượng, khả năng cung ứng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật san lấp, đắp nền đường cho các dự án; nghiên cứu sự phù hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật để có phương án sử dụng các mỏ đất tại tỉnh Long An đã cấp phép với khối lượng 30 triệu m3 nhằm cung cấp cho các dự án" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT khẩn trương chủ trì nghiên cứu, phối hợp với Bộ GTVT thử nghiệm nguồn cát biển; nghiên cứu sử dụng nguồn vật liệu thay thế (cát nghiền từ đá, tro xỉ…) để cung ứng cho các dự án đường cao tốc. Trước ngày 22-4, Bộ TN-MT phải có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác, cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Về phía các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án; đơn giản hóa thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, đưa vào khai thác các mỏ phục vụ riêng cho các dự án cao tốc trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ về môi trường theo đúng quy định.
"Những mỏ được cấp phép lại hoặc cấp phép mới chỉ cung cấp cát đắp nền cho các dự án cao tốc và phải dừng khai thác sau khi hoàn thành việc cung cấp cho dự án" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Hỗ trợ vật liệu xây dựng dự án Vành đai 3 - TP HCM
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc khảo sát và làm việc về dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP HCM và dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo tư vấn thiết kế nâng cao trách nhiệm, chất lượng điều tra, khảo sát xây dựng dự án gắn với nhu cầu vật liệu xây dựng, có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động thăm dò khai thác vật liệu trong quá trình thiết kế... Các địa phương tính toán nhu cầu về vật liệu san lấp và khả năng cung ứng nguyên vật liệu cho các dự án.
TP HCM và các địa phương đang nỗ lực để đến tháng 6-2023 khởi công dự án đường Vành đai 3. Cơ quan chức năng dự tính nhu cầu nguồn vật liệu cho dự án là rất lớn. Trong đó, nguồn vật liệu đá xây dựng và đất đắp nền đường cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của dự án. Riêng đối với nguồn cát xây dựng và cát đắp nền đường vẫn còn thiếu so với nhu cầu vật liệu xây dựng của dự án đường Vành đai 3. Do đó, TP HCM đề nghị 5 tỉnh gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp hỗ trợ nguồn cung cấp vật liệu phục vụ xây dựng cho dự án Vành đai 3 - TP HCM. Cụ thể, 5 tỉnh có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại các mỏ cát của địa phương để phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.
V.Duẩn - Q.Bảo
Bình luận (0)