Gần đây, đã xảy ra tình trạng bệnh nhân phải "chạy vòng quanh", bệnh viện (BV) phải hạn chế mổ, thậm chí đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất, vật tư, máy móc do những vướng mắc từ quy định mua sắm, đấu thầu... Tuy nhiên, những khó khăn này đã được tháo gỡ ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP.
Người bệnh được hưởng lợi
Chưa đầy 2 tuần sau khi tiếp nhận phản ánh của một số BV lớn về tình trạng sắp cạn hóa chất, vật tư y tế, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn trong việc mua sắm hóa chất, thiết bị, vật tư y tế.
Ngày 3-3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 thay thế Nghị định 98/2021/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc nhập khẩu trang thiết bị y tế. Ngày 4-3, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 30 tháo gỡ cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả BHYT cho máy mượn, máy đặt, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, vật tư y tế...
Theo lãnh đạo nhiều BV, những quy định thay thế này đã cơ bản giải quyết được những vướng mắc mà BV công đang gặp phải trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho biết Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã cơ bản giải quyết được những vấn đề mà BV đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Với các quy định mới này, hàng triệu người bệnh sẽ được hưởng lợi.
Theo ông Giang, ngay trong tuần tới, BV sẽ nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn để tháo gỡ những vấn đề đang gặp phải nhằm tiếp tục khám chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, BV cũng xem xét để việc phẫu thuật cho các bệnh nhân thuộc diện mổ phiên sẽ sớm trở lại bình thường.
Là BV tuyến cuối, lãnh đạo BV Bạch Mai (Hà Nội) từng cho biết rất đau lòng khi hàng ngàn bệnh nhân phải "chạy vòng quanh". BV phải gửi bệnh nhân đi nơi khác chụp chiếu vì không có hóa chất, máy móc phục vụ điều trị.
Với việc Chính phủ ban hành 2 văn bản nêu trên trong thời gian ngắn, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, bày tỏ sự vui mừng khi những khó khăn "không thể tự giải quyết" nay đã được xử lý, tháo gỡ. Khi có những văn bản rõ ràng thì các BV sẽ hoạt động trơn tru.
Ông Cơ cho biết khi soạn thảo các quy định thay thế lần này, Chính phủ và Bộ Y tế đã lấy ý kiến các BV. "Chúng tôi đã tham gia góp ý, nêu rõ những vướng mắc trực tiếp ảnh hưởng đến BV. Vì thế, các quy định được ban hành rất sát với những khó khăn mà BV đang gặp phải, giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách" - ông Cơ nhìn nhận.
Sửa bất cập từ kê khai giá
Theo lãnh đạo các BV, Nghị định 07 đã khơi thông các vướng mắc, giải quyết nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian qua trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Nghị định này đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông quan nhập trang thiết bị y tế; giao trách nhiệm cho các hãng, công ty phải bảo đảm về chất lượng hàng hóa, sản phẩm để cung ứng cho cơ sở khám chữa bệnh.
Cụ thể, Nghị định 07 nêu rõ thực hiện niêm yết giá đối với tất cả trang thiết bị y tế tại các địa điểm theo quy định hoặc trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Quy định hiện hành yêu cầu phải kê khai giá trang thiết bị y tế đối với hơn 200.000 chủng loại; mỗi chủng loại lại có nhiều cấu hình, tính năng kỹ thuật khác nhau, gây quá tải cho ngành y tế, không bảo đảm cập nhật kịp thời.
Khu vực chờ chụp X-quang cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai
Đáng chú ý, việc Nghị định 07 bỏ yêu cầu "phải có thông tin tham chiếu giá kê khai tại thời điểm mua sắm" đã được lãnh đạo các BV đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo ông Đào Xuân Cơ, vừa qua, BV Bạch Mai có khoảng 2.000 mặt hàng thông báo cần đấu thầu mua sắm phục vụ chẩn đoán, khám chữa bệnh. Thế nhưng, khoảng 2/3 trong số đó không có công ty tham gia đấu thầu cung ứng hoặc có giá tham chiếu cao. Khi yêu cầu nêu trên bãi bỏ, "nút thắt" về giá được tháo gỡ.
"Nếu như không có Nghị định 07 thì chắc chắn câu chuyện thiếu vật tư, trang thiết bị y tế sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động khám chữa bệnh. Trang thiết bị y tế là những hạng mục mà người bệnh và bác sĩ đều rất cần. Nhiều máy móc, thiết bị của BV đang phải "đắp chiếu", hỏng hóc, chúng tôi sẽ nhanh chóng sửa chữa để đưa vào phục vụ khám chữa bệnh" - ông Cơ nói.
Tương tự, Nghị quyết 30 sửa đổi Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 đã kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt, máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất, vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh; cho phép tháo gỡ trong đấu thầu vật tư, khi đồng ý các gói thầu báo giá dưới 3 nhà thầu. Nghị quyết mới ban hành chấp nhận những hạng mục không đủ 3 báo giá vẫn được đấu thầu sẽ giúp BV tháo gỡ được nhiều vướng mắc.
Kịp thời đáp ứng nguồn cung
Theo lãnh đạo BV Việt Đức, quy định mới này đã gỡ điểm nghẽn cho BV khi mua sắm trang thiết bị y tế. Một điểm vướng nhất là chi trả bảo hiểm thiết bị y tế diện đặt, mượn đã có giải pháp.
Nghị quyết 30 cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp (thiết bị diện đặt, mượn). Cùng với đó, cho phép cơ sở y tế được sử dụng trang thiết bị đã được cá nhân, tổ chức hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám chữa bệnh.
PGS-TS Đào Xuân Cơ cho rằng tất cả biện pháp trong Nghị quyết 30 chỉ mang tính cấp bách, giải quyết tình thế nhưng đã giao cho các bộ, ngành xây dựng những văn bản pháp quy một cách căn cơ. Đây chính là những biện pháp về lâu dài trong công tác quản lý mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị, hóa chất; giải quyết cấp bách đồng thời cũng xây dựng các văn bản mang tính chất căn cơ, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Nghị định 07 giúp kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng trang thiết bị nhập về tại các cửa khẩu.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế, đánh giá Nghị định 07 đã giải quyết vấn đề rất thiết yếu cho các BV. Những gói thầu đã trúng thầu thì có thể nhập khẩu được ngay và đáp ứng nhu cầu cho các BV đang bị thiếu.
Ông Lợi nhấn mạnh: "Ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp có thể nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế cung cấp cho hệ thống y tế".
Quy định rõ về đấu thầu, mua sắm
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, thời gian qua, ngoài 2 văn bản đã được gấp rút sửa đổi là Nghị định 98/2021/NĐ-CP và Nghị quyết 144/NQ-CP thì Thông tư 15 của Bộ Y tế - quy định về việc đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập - cũng đang được bộ lấy ý kiến các cơ sở y tế, đồng thời đẩy nhanh tiến độ để sớm ban hành.
Theo lãnh đạo một số BV, đây là những giải pháp mang tính cấp bách. Để giải quyết lâu dài, Chính phủ đã giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng những quy định rõ ràng về việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế; xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Còn mang tính bao quát
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP HCM), nhìn nhận sự ra đời của Nghị định 07 và Nghị quyết 30 cho thấy cơ quan chức năng đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các BV, quan tâm kịp thời, đáp ứng khá đầy đủ những nội dung mà cơ sở mong muốn. Tuy nhiên, những điểm thay đổi này còn mang tính bao quát, BV còn gặp nhiều khó khăn ở các khía cạnh khác. Do đó, cần tiếp tục rà soát xem còn vướng mắc gì, vướng mắc ở đâu không, từ đó tổng hợp kiến nghị để gửi lên Sở Y tế TP HCM.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng (TP HCM), trước mắt, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ rất nhiều cho các BV. Giấy phép nhập trang thiết bị y tế đã tự động gia hạn, BV có trang thiết bị phục vụ bệnh nhân chứ như trước đây thì vẫn phải chờ. Về mặt đấu thầu, nguyên tắc phải có 3 báo giá đối với một mặt hàng, bây giờ không cần phải tham khảo 3 báo giá nữa. Tùy vào đặc thù của từng loại sản phẩm mà có bao nhiêu báo giá, có loại chỉ có thể có một báo giá, bây giờ cũng được chấp nhận.
Ng.Thuận
Bình luận (0)