Trong ngày 8-9, lực lượng chức năng huyện Ia H’drai, tỉnh Kon Tum tiếp tục xác minh nguồn gốc số lượng gỗ vật chứng phát hiện tại đường vành đai biên giới thuộc xã Ia Đal, huyện Ia H’drai, giáp với Campuchia. Đây là khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Suối Cát quản lý.
Gỗ vứt ngổn ngang bên đường
Ia H’drai là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum. Để phát triển kinh tế, từ nhiều năm qua, địa phương này đã chuyển đổi hàng ngàn hecta rừng sang trồng cao su.
Hàng chục hộp gỗ nghi nhập lậu từ Campuchia nhưng lực lượng biên phòng không biết Ảnh: Chí Phong
Theo ông Trương Văn Tuấn, Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, đây cũng là nơi có các lối mở được doanh nghiệp (DN) xin cấp phép nhập khẩu gỗ từ Campuchia về. Việc cấp phép này đã dừng lại từ tháng 6-2017. Ông Tuấn khẳng định toàn bộ gỗ cho phép nhập khẩu từ ngày 30-6 trở về trước đã được DN đưa hết về kho, không còn tồn đọng gỗ tại các khu vực đường biên.
Dù vậy, những ngày đầu tháng 9, đi dọc tuyến đường vành đai biên giới, chúng tôi chứng kiến hàng chục bãi gỗ lớn với rất nhiều hộp gỗ vứt ngổn ngang ngay bên đường, trong những lùm cây, lô cao su. Đa phần gỗ có đường kính từ 40-60 cm, dài từ 3-5 m, thuộc các nhóm gỗ quý.
Đặc biệt, khu vực giữa mốc biên giới 13 và 14 là nơi tập trung nhiều bãi gỗ nhất, trong đó có bãi chứa hàng chục hộp gỗ được cất giấu trong các lùm cây. Trên mỗi hộp gỗ, đều được đánh dấu số thứ tự và những ký hiệu rất lạ như "HL", "XT", TH. Theo người dẫn đường, đây là gỗ gõ quý hiếm thuộc nhóm IIa. Việc đánh dấu riêng là ký hiệu đặc biệt giữa người mua và người bán để không lầm lẫn với những người khác.
Cũng theo người này, đây đều là gỗ được đưa từ phía Campuchia về tập kết tại đây, chờ đến thời điểm thích hợp, các đầu nậu sẽ đưa xe tải vận chuyển khỏi địa bàn theo đường tuần tra biên giới, rồi ra Quốc lộ 14C để về xuôi.
Không biết vì xa đường tuần tra?
Để về được xuôi có nhiều đường nhưng nhất thiết phải đi qua các đồn biên phòng Suối Cát, Hồ Le và Sa Thầy (đều thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum).
Ngày 3-9, từ nguồn tin báo của người dân về các bãi tập kết gỗ tại khu vực đường vành đai biên giới, lực lượng chức năng xã Ia Đal đã xác minh và báo cáo vụ việc cho Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’Drai và UBND huyện Ia H’Drai cùng các cơ quan khác để tiến hành xử lý.
Kiểm tra tại hiện trường, chỉ riêng khu vực giữa cột mốc 13 và 14 (thuộc địa giới hành chính xã Ia Đal, huyện Ia H’drai, do Đồn Biên phòng Suối Cát quản lý), lực lượng kiểm lâm phát hiện nhiều bãi gỗ lớn, nhỏ vô chủ nên tiến hành "gom" lại thành 3 bãi lớn, với khối hơn 30 m3. Theo một cán bộ trực tiếp có mặt tại hiện trường, trong số này có khoảng hơn 10 m3 gỗ gõ, thuộc nhóm IIa, quý hiếm. Vị trí các bãi gỗ này được tập kết tại các đường vành đai không quá 15 m.
Ông Lê Hoài Tâm, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết gần khu vực tìm thấy gỗ thuộc địa phận Việt Nam quản lý không có rừng để khai thác nên có khả năng gỗ được kéo từ Campuchia về. Còn theo một lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, gỗ vi phạm nằm trong vùng quản lý đường biên nên thuộc trách nhiệm lực lượng biên phòng.
Chúng tôi tìm gặp ông Phạm Ngọc Phú, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kon Tum. Sau khi xem hình ảnh do chúng tôi cung cấp, ông Phú tỏ ra bất ngờ, nói sẽ yêu cầu các đơn vị xác minh, làm rõ.
Ông Huynh Nhơn, Đồn phó Đồn Biên phòng Suối Cát, thừa nhận vị trí gỗ vật chứng thuộc quản lý của đơn vị này. Dù vậy, ông Nhơn cho rằng có thể đây là số gỗ do các DN nhập khẩu gỗ về qua lối mở chưa chuyển đi hết, chứ không phải gỗ buôn lậu (?). Ông Nhơn còn nói hằng ngày đơn vị đều cắt cử lực lượng tuần tra, canh gác tại các khu vực đường biên. Việc không phát hiện ra các bãi gỗ vi phạm là do gỗ nằm trong rừng, cách xa đường tuần (!?)…
Đập phá cổng đường để vận chuyển gỗ
Khu vực huyện biên giới Ia H’Drai được Bộ Quốc phòng đầu tư con đường bê-tông kiên cố. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn đã bị bong tróc, hư hỏng mà người dân cho rằng nguyên nhân chính là do các xe chở gỗ quá tải. Trên tuyến đường này, đã có hàng chục cổng đường làm bằng trụ bê-tông nhằm hạn chế chiều cao đã bị đập bỏ. Nếu không đập bỏ thì xe tải chở gỗ không thể qua được.
Bình luận (0)