Ai cũng nhất trí rằng Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến DN và NLĐ khi kịp thời đưa ra 2 gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng và 16.000 tỉ đồng để tiếp sức DN và NLĐ vượt qua khó khăn bởi những tác động của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có sự thúc bách về thời gian và cả sự cẩn trọng của quản lý ngành, nên có những điều khoản khó thực hiện, tính khả thi thấp. Chẳng hạn, điều kiện số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc chiếm từ 50% tổng số lao động trước khi DN tạm dừng sản xuất - kinh doanh trở lên hoặc DN bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất). Thực tế, nếu mất đi số lao động trên thì coi như DN đã giải tán, phá sản, việc hỗ trợ sẽ không còn ý nghĩa. Hoặc điều kiện DN cả tháng không có doanh thu mới được vay ưu đãi để trả 1,8 triệu đồng/tháng cho NLĐ. Nếu không có doanh thu thì DN thường chọn phương án cho NLĐ nghỉ việc thay vì vay tiền ngân hàng để trả cho NLĐ.
Trước đó, vào ngày 2-7, Báo Người Lao Động cũng có bài viết "Vì sao Công ty Wooyang Vina II bị từ chối hỗ trợ?", phản ánh việc UBND quận 12, TP HCM vào ngày 10-6 đã ra quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 837 công nhân Công ty TNHH Wooyang Vina II (đóng trên địa bàn quận) phải nghỉ việc không hưởng lương, với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Sau đó, UBND quận mới biết có Công văn số 6082/BTC-TCT ngày 22-5-2020 của Bộ Tài chính, trong đó có một số tiêu chí mới liên quan đến vấn đề thẩm định khó khăn tài chính của DN. Do vậy, UBND quận 12 đã có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đề nghị hướng dẫn giải quyết vướng mắc phát sinh. Ngày 18-6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM có công văn phản hồi, nêu rõ NLĐ tại Công ty TNHH Wooyang Vina II không đủ điều kiện được hỗ trợ (1,8 triệu đồng/người theo Nghị quyết 42 của Chính phủ). Sau đó, UBND quận 12 đã thu hồi quyết định hỗ trợ, khép lại niềm hy vọng vừa nhen lên chưa lâu của DN và những NLĐ phải nghỉ việc không lương trong suốt 1 tháng.
Rõ ràng, chủ trương, quan điểm rất mở nhưng khâu vận hành không suôn sẻ, thậm chí chậm chạp, có sự trì trệ, nắm níu lẫn nhau. Do đó, cần điều chỉnh những quy định không khả thi để đưa 2 gói hỗ trợ này vận hành tốt hơn. Chẳng hạn, nên hạ quy định xuống mức có 10%-20% NLĐ mất việc thì DN được hỗ trợ. Theo các chuyên gia, cũng nên ưu đãi thêm về thuế, phí, lệ phí, như giảm thuế thu nhập DN đối với DN có phát sinh doanh thu. Riêng thuế GTGT, các DN mong muốn được giãn đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa. Đồng thời khoanh vùng DN, tập trung hỗ trợ thúc đẩy thị trường đầu ra cho sản phẩm để DN có thể sống chung với dịch.
Cả nước đang kiên cường đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. Thực hiện mục tiêu kép này đòi hỏi những giải pháp mạnh, trong đó có sự kịp thời điều chỉnh các quy định chưa phù hợp, để đưa cả guồng máy vào cuộc với quyết tâm lớn hơn, hiệu quả cao hơn.
Bình luận (0)