Ngày 20-2, tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN, gọi tắt là Ủy ban). Tại buổi làm việc, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc và kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, tháo gỡ.
Cần người giỏi
Sau gần 2 năm thành lập, Ủy ban đã hoàn thành 156/185 nhiệm vụ (còn lại 27 nhiệm vụ trong hạn, 2 nhiệm vụ quá hạn). Trong đó có việc thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Ủy ban từng bước hoàn thiện bộ máy, tuyển dụng nhân sự, đáp ứng yêu cầu là "siêu ủy ban" với phần việc khá nặng nề từ các DN nhà nước lớn như ngành dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, than khoáng sản, hàng không...
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban, cho biết nhận nhiệm vụ từ con số 0, đến 6 tháng đầu năm 2019 mới sắp xếp, tuyển dụng được 50 cán bộ, trong khi khối lượng công việc rất nhiều. Đến nay, Ủy ban đã tuyển được gần 100 cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp khó trong vấn đề thu hút người giỏi.
Ông Nguyễn Hoàng Anh tại buổi làm việc Ảnh: MINH PHONG
Trong gần 2 năm qua, Ủy ban cũng tích cực xử lý các công việc dở dang tiếp nhận từ các bộ (259 nhiệm vụ), trong đó có nhiều việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cần nhiều thời gian giải quyết.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban, những vướng mắc về thể chế, quy định khiến quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu với các dự án đầu tư tại DN còn nhiều cách hiểu không thống nhất trong nội bộ Ủy ban, giữa các bộ, ngành và các DN. Công tác cổ phần hóa gặp khó ở khâu rà soát, sắp xếp phương án sử dụng đất.
"Số lượng nhà đất phải rà soát của các DN nhà nước rất lớn. Riêng Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) có trên 1.000 cơ sở, Petrolimex trên 2.000 cơ sở. Trong khi đó, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc sắp xếp lại nhà đất của các đơn vị này lại không được quy định rõ nên đang còn vướng" - bà Nguyễn Thị Phú Hà nói.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết sẽ nghiên cứu thành lập hội đồng cấp cao, bao gồm lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty để ngồi lại với nhau hằng tháng, hằng quý nhằm đánh giá những việc làm được, rà soát những khó khăn vướng mắc để kịp thời giải quyết.
DN khổ vì Covid-19
Tại buổi làm việc, các tập đoàn, tổng công ty đã nêu các khó khăn đang đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, hàng không đang đối mặt với sự sụt giảm lớn lượng hành khách. Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết nhiều đường bay giảm từ 50%-70% lượng khách. DN này đã đưa ra 3 kịch bản để ứng phó. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài đến tháng 6 thì tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ rất khó khăn. Do đó, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, các bộ xem xét có cơ chế miễn thuế nhập khẩu, thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay và lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách để DN cân đối nguồn lực.
Ngành than - khoáng sản cũng chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19. Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, cho biết Trung Quốc là thị trường quan trọng của ngành, do dịch bệnh nên ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, TKV đang đầu tư các dự án nhiệt điện Na Dương 2, Cẩm Phả 3 và Quỳnh lập 1 nhưng đến nay việc kêu gọi đầu tư, thu hút vốn rất khó khăn. Ông Chuẩn lý giải các dự án nhiệt điện không có sự bảo lãnh của Chính phủ, không có chính sách về chuyển đổi ngoại tệ nên các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà. Đối với việc vay tiền ngân hàng thực hiện dự án, ông Chuẩn cho biết TKV đã liên hệ với 9 ngân hàng nhưng đều nhận được những cái lắc đầu.
Thiếu tiền bảo trì, nguy cơ tàu hỏa phải ngừng chạy
Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đã nêu vướng mắc mà theo ông đây là vấn đề "sống còn" của ngành đường sắt. Cụ thể, đến ngày 20-2, đơn vị này vẫn chưa được giao dự toán chi ngân sách để thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo định kỳ hằng năm, trước ngày 31-12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn, bảo đảm hoạt động đường sắt. Sau đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty trong khối hạ tầng dọc chiều dài tuyến đường sắt. Do không được Bộ GTVT giao dự toán ngân sách nên VNR không có tiền chi trả cho các đơn vị quản lý hạ tầng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do VNR đã chuyển về Ủy ban nên Bộ GTVT không tiếp tục giao vốn cho đơn vị ngoài ngành. "Chúng tôi đã báo cáo vướng mắc lên Bộ GTVT để bộ báo cáo Thủ tướng tháo gỡ nguồn vốn cho hạ tầng đường sắt nhưng đến nay chưa được giải quyết" - ông Vũ Anh Minh trình bày và cho biết những vướng mắc này nếu không được giải quyết thì buộc phải dừng chạy tàu vào đầu tháng 3 tới.
Bình luận (0)