Dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I di tích kinh thành Huế được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2019 đến 2022 với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng 2.005 tỉ đồng, bố trí tái định cư (TĐC) 5.080 hộ.
Hàng trăm đơn xin cấp lô hộ phụ
Mới đây HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định bổ sung giải phóng mặt bằng 395 hộ ở di tích Hồ Học Hải và Khâm Thiên Giám với kinh phí 287 tỉ đồng.
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế, cho biết đến nay di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I đã hoàn thành xây dựng 8 khu TĐC bố trí cho người dân từ năm 2019. Hiện khu TĐC 9 và 10 do Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư đang được hoàn thành để thực hiện bố trí tiếp cho người dân di dời. Hiện có 1.980 hộ đã nhận đất TĐC, TP Huế cấp 1.956 giấy phép xây dựng. Trong số những hộ nhận đất thì hiện đã có 796 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống. Hiện nay, đã có 889/2.058 hộ đã bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, có tình huống phát sinh trong quy hoạch là lô hộ phụ tăng tương đối nhiều so với dự kiến. Theo tính toán trước đây thì cân đối bố trí TĐC giữa lô chính với lô phụ có khác nhau, lô chính diện tích từ 100-200 m2, lô phụ 60-80 m² nên hiện đang thừa số lô có diện tích lớn bố trí cho hộ chính nhưng lại thiếu lô bố trí cho hộ phụ. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức điều chỉnh quy hoạch, phân các lô lớn thành lô nhỏ để bố trí cho người dân, khỏi phát sinh khu TĐC mới sẽ mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, tiết kiệm đầu tư.
Gia đình bà Bé ở đường Xuân 68 với cha mẹ ruột từ lâu nay nhưng không được cấp lô phụ tái định cư
"Điều trớ trêu là mặc dù thành phố đã thực hiện đúng quy định pháp luật, áp dụng khung chính sách, giá đền bù đúng theo phê duyệt vậy nhưng đến nay vẫn nhận được khoảng 700 đơn của người dân kiến nghị được cấp đất TĐC cho hộ phụ" - ông Nhật nói.
Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị Bé (trú 48 đường Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP Huế). Ngày 31-8-2020, UBND TP Huế ban hành quyết định về việc thu hồi toàn bộ thửa đất 320,7 m2 tại 48 đường Xuân 68. Trên thửa đất này có 3 hộ gia đình sinh sống tại 3 căn nhà riêng biệt và mỗi hộ có hộ khẩu riêng. Khi tiến hành thu hồi đất, mặc dù là hộ phụ nhưng gia đình bà Bé không được bố trí đất TĐC. Lý do là giữa bà với chồng là ông Trần Phước (chủ hộ) đã ly hôn và tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất ông này không sinh sống thường xuyên trong gia đình. Cho rằng quyết định này quá phi lý, bà Bé đã làm đơn cầu cứu gửi khắp nơi.
Giải quyết vướng mắc
Ông Võ Lê Nhật khẳng định mặc dù có rất nhiều người dân không nằm trong khung chính sách, không đúng quy định được bố trí lô TĐC gửi đơn nhưng thành phố vẫn tôn trọng nhận đơn để kiểm tra, chỉ đạo phân loại hồ sơ, tổ chức lấy lại ý kiến cộng đồng dân cư, xác nhận có ăn ở thường xuyên hay không để trả lời "thấu tình đạt lý". "Chúng tôi sẽ lấy lại ý kiến cộng đồng, niêm yết công khai từng trường hợp, ai xứng đáng, đúng điều kiện, đủ quy định sẽ xem xét giải quyết. Chúng ta có quy định, khung chính sách rất thông thoáng nên rất mong bà con chia sẻ" - ông Nhật khẳng định.
Gia đình bà Bé ở đường Xuân 68 với cha mẹ ruột từ lâu nay nhưng không được cấp lô phụ tái định cư
Theo ông Nhật, quá trình thực hiện Dự án giải phóng, di dời dân cư khu vực I kinh thành Huế cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó tỉnh quyết định điều chỉnh chuyển một số hạng mục từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 1 nên khối lượng công việc tăng rất nhiều. Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý chủ trương điều chuyển, biệt phái lực lượng từ các phòng ban, huyện, thị xã về tăng cường cho TP Huế để làm việc.
Mặt khác, theo ông Nhật, Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1-7-2021, theo đó các điều kiện tách hộ, đăng ký mới hộ khẩu ở khu vực di tích là không được thực hiện nên không được bố trí TĐC. Điều này đã nảy sinh ra nhiều vấn đề trong đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án. Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cùng một dự án thì nên chung một chính sách và áp dụng Luật Cư trú trước đó để công bằng thuận lợi giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, khẳng định rằng Dự án giải phóng, di dời dân cư khu vực I kinh thành Huế là dự án trọng điểm của tỉnh nên rất được quan tâm, chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc.
Có tiền nhưng thủ tục quá chậm
UBND TP Huế cho biết khu vực thượng thành hiện có 12 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó 5 hộ phải ban hành quyết định cưỡng chế vì không đồng ý phương án bồi thường hỗ trợ, còn lại đang chờ xây dựng nhà. UBND TP Huế đã phê duyệt dự án dọn dẹp mặt bằng khu vực giải tỏa với kinh phí 54 tỉ đồng, đang trình hồ sơ lựa chọn nhà thầu. Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, nói rằng tiền đã có rồi nhưng thủ tục đấu thầu làm từ năm 2021 đến nay vẫn chưa xong. Ông đề xuất các sở ngành, địa phương cùng ngồi lại để tháo gỡ, phải làm nhanh gọn.
Bình luận (0)