Mới đây, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, 3 TP trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và một số tỉnh khác phản ánh gặp rất nhiều khó khăn khi phải dừng sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT.
Một dự án BT ở Hà Nội từng bị kết luận có sai phạm
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết địa phương này đã ký với một số nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn trên địa bàn, việc dừng thanh toán khiến cho tiến độ bị chậm, ảnh hưởng sự phát triển của TP. Ngoài ra, theo hợp đồng thì TP đang bị phạt với mức lãi suất lên tới 7,8%/năm khi dừng thanh toán theo hợp đồng đã ký. Ở Bắc Giang, bên cạnh các dự án đang triển khai, có 1 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 1.000 tỉ đồng nhưng cũng chưa thể giao đất.
Để tháo gỡ khó khăn trên, ngay từ đầu tháng 1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 160 về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Nghị quyết này là cơ sở cho các địa phương thực hiện các hợp đồng đã ký kết trước đó. Cụ thể, đối với các hợp đồng được ký trước ngày 1-1-2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký, bảo đảm đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, ngân sách.
Đối với các hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1-1-2018, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại nội dung. Nếu phù hợp với quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định. Nếu có nội dung chưa phù hợp thì phải đàm phán điều chỉnh lại cho phù hợp với các quy định pháp luật.
Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có). Đặc biệt phải bảo đảm công khai, minh bạch, không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Trước những bất cập trong việc thực hiện dự án BT thời gian qua, gây thất thoát tài sản công, Chính phủ chỉ đạo trong trường hợp phát hiện vi phạm về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công… thì phải điều chỉnh hoặc hủy hợp đồng BT, kịp thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm.
Nhấn mạnh về nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho đây là cơ sở để các địa phương triển khai, để một trong những hình thức hợp tác công - tư không đi vào bế tắc chứ không có nghĩa là để công nhận sai trái, thất thoát trong các dự án BT.
Bình luận (0)