Chiều 10-10, Học viện Cán bộ TP HCM phối hợp với Sở Nội vụ thành phố tổ chức hội thảo khoa học "Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của thành phố trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới".
Còn nhiều bất cập
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của thành phố chưa đem lại kết quả như mong đợi. TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết giai đoạn 2004-2018, trung tâm thu hút được 4 chuyên gia, các chuyên gia này đã phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển trung tâm. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, khi thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực của thành phố có nhu cầu giai đoạn 2019-2022 thì trung tâm không thu hút và ký được hợp đồng hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, ngay cả với những chuyên gia đã hợp tác với trung tâm giai đoạn trước. Theo TS Quân, nguyên nhân là do quy định tổ chức thẩm định đề xuất nhu cầu thu hút, trình tự thực hiện qua nhiều bước, mất thời gian, dẫn đến hiệu quả việc thu hút bị hạn chế. Cách thức thu hút, tuyển chọn bằng hình thức đăng ký, nộp hồ sơ tham gia, trình bày kế hoạch đề án… để hội đồng đánh giá là không khả thi, nhất là đối với các chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài hoặc Việt kiều có nhiều năm kinh nghiệm, uy tín, đã được công nhận.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng TP HCM có thể thu hút chuyên gia, nhà khoa học theo hình thức làm việc bán thời gian, từ xa, theo đơn đặt hàng
Đồng tình, TS Hoàng Thế Bân - chuyên gia Khu Công nghệ cao TP HCM, người được thành phố mời về làm việc vào năm 2016 - nói có sự bất cập trong chế độ lương giữa 2 chương trình. Trong đó, chương trình thu hút thử nghiệm (2014-2018) tối đa lên đến 150 triệu đồng, cao hơn nhiều so với chương trình thu hút chính thức (2019-2022) dẫn đến khó làm. Ngoài ra, quy trình, thủ tục xét duyệt, tuyển chọn trong chương trình chính thức còn nặng về hành chính, qua nhiều giai đoạn, tốn nhiều thời gian, có thể không phù hợp với nhiều chuyên gia quốc tế và Việt kiều đa số đều lớn tuổi, không thích bị gò bó trong một quy trình tuyển dụng khá phức tạp như hiện nay.
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - cho biết từ những năm đầu thế kỷ XXI, TP HCM đã có chính sách thu hút chuyên gia Việt kiều về làm việc ở một số trung tâm và đã có những kết quả nhất định. Những năm tiếp theo, thành phố xây dựng chính sách ưu đãi bài bản hơn nhưng từ chế độ, chính sách khá cao lúc đầu là từ 150 triệu đồng, giờ lại giảm thì không phù hợp lắm. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng các vấn đề đặt hàng của TP HCM hình như không có hệ thống, tầm nhìn cũng không dài hạn. Ngoài ra, nguồn lực con người, cơ sở vật chất chưa chuẩn bị kịp. Đây là những bất cập lớn.
Nâng cao nhận thức
Trước những bất cập trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM kiến nghị thành phố nên nghiên cứu để thiết kế, duy trì ổn định hoạt động của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, nhằm thu hút nguồn lực xã hội tham gia giải quyết vấn đề khu vực công, bao gồm cả xây dựng chính sách, các giải pháp, mô hình. Bên cạnh đó, thành phố nên thí điểm thực hiện cơ chế tài chính trong thực hiện đổi mới sáng tạo khác với quy định hiện hành để tạo hành lang pháp lý trong triển khai các chương trình khoa học - công nghệ.
PGS-TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố, nói mấu chốt là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, qua đó thấy sự đóng góp to lớn của chuyên gia, nhà khoa học và nhất là để khỏi "phân bì" sao chuyên gia, nhà khoa học được trả lương, hưởng chế độ cao như thế. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường làm việc phù hợp, nhất là khu vực công, để họ yên tâm làm việc.
Gợi ý thêm, bà Phạm Phương Thảo cho rằng TP HCM có thể thu hút chuyên gia, nhà khoa học theo hình thức làm việc bán thời gian, từ xa, theo đơn đặt hàng; xác định vấn đề cần tư vấn, kham khảo hoặc từ một số người có kinh nghiệm cụ thể để lắng nghe, cầu thị. "Có thể hướng đến tư vấn "5 không": không biên chế; không lương; không chức vụ; không cấp trên, cấp dưới; không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý" - bà Phạm Phương Thảo gợi mở. Ngoài ra, tùy tình hình thực tế, TP HCM có thể thu hút theo hướng làm việc biên chế cơ hữu tại các trường đại học, viện nghiên cứu nếu có chính sách phù hợp. Đồng thời thu hút theo cơ chế mở để tiếp thu những ý tưởng sáng tạo. Trong thu hút có sự trọng thị, có chế độ, chính sách phù hợp hơn, chứ không thể ngày càng sụt như hiện nay.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố - cho biết ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp tất cả ý kiến tại hội thảo gửi lên Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND TP HCM.
Chặn "chảy máu chất xám"
Theo TS Võ Kim Cương, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP HCM, Đảng và Nhà nước đã có chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhưng hiện nay đang có hiện tượng "chảy máu chất xám". Theo ông, đây là nguy cơ lớn của đất nước. Do đó, cần nghiên cứu chống "chảy máu chất xám" trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
"Để chống "chảy máu chất xám", trước hết đổi mới giáo dục - đào tạo. Sau đó, phải có cơ sở vật chất để thực hiện chính sách đãi ngộ nhân tài; đổi mới quan điểm về nhân tài và sử dụng nhân tài trong nền kinh tế thị trường, từ có cơ chế đặc biệt về sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở các vị trí công tác đặc biệt. Ngoài ra, phải có giải pháp và kế hoạch cụ thể khắc phục các điểm yếu hiện nay trong quá trình đào tạo, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; kìm hãm ngay tình trạng "chảy máu chất xám", đặc biệt là chế độ tiền lương" - TS Võ Kim Cương góp ý.
Bình luận (0)