Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến kinh tế - xã hội, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 2-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ lần 2 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Phải khắc phục những bất cập
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có một số giải pháp như kích cầu đầu tư, miễn giảm một số khoản thuế, phí mà quy định pháp luật cho phép…
Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2021, Bộ KH-ĐT dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Điều này đòi hỏi Việt Nam chủ động đề ra những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, gói hỗ trợ lần 2 là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH-ĐT đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, nhằm triển khai giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, DN và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch ở gói hỗ trợ lần này.
Trước đó, các giải pháp để hỗ trợ người dân, DN trong sản xuất, kinh doanh như gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất, miễn giảm một số loại thuế, phí, lệ phí… đã được triển khai ở đợt 1, năm 2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát sinh một số hạn chế, bất cập. Qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy nhiều DN đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ theo từng ngành, lĩnh vực kinh tế; các thủ tục hành chính còn phiền hà, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Kết quả chỉ có một số ít DN tiếp cận nguồn vay gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng để trả tiền lương cho lao động.
Góp ý về việc xây dựng gói hỗ trợ lần 2, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng kéo dài. Vì thế, các giải pháp hỗ trợ phải đủ lớn, triển khai từ năm 2021 nhưng phải kéo dài đến năm 2022, cân nhắc những năm tiếp theo. Ngoài ra, gói hỗ trợ lần 2 phải có trọng tâm, hỗ trợ những lĩnh vực, ngành nghề, DN có sức ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lưu ý đến yếu tố bao phủ các đối tượng gồm DN, người lao động khi triển khai gói hỗ trợ.
Nhiều cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội đóng cửa do tác động của dịch Covid-19
Nới điều kiện, mở rộng đối tượng thụ hưởng
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, kiến nghị cần sớm triển khai gói hỗ trợ lần 2 với quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, cần nới các điều kiện để DN, các đối tượng có thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, các gói vay vốn. Cụ thể là xem xét nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng bên cạnh các gói tín dụng, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất như đã triển khai thời gian qua. Ngoài ra, triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Trong chính sách hỗ trợ, cần chú ý đến DN nhỏ và vừa, nhằm giúp loại hình DN này có nguồn lực tài chính cần thiết để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập ở gói hỗ trợ lần 1, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành liên quan cần đơn giản hóa các thủ tục cho DN, đối tượng thụ hưởng để họ dễ dàng tiếp cận hơn với chính sách, đặc biệt trong việc chứng minh tài chính của DN. Trong bối cảnh dịch, hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho người dân, DN làm thủ tục qua mạng. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc cần phải tháo gỡ ngay, nếu không sẽ mất đi tính hiệu quả.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nên có chọn lọc, phân loại ngành nghề để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, dựa trên các đánh giá, khảo sát nhanh tác động. Chuyên gia này góp ý nên tận dụng các giải pháp về công nghệ, các nền tảng số để sớm đưa chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Bình luận (0)