Theo chương trình dự kiến, ngày 4-1, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất để xem xét, quyết định về 4 vấn đề cấp bách. Trong đó có dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
* Phóng viên: Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 5-12-2021, các chuyên gia đã đề xuất gói hỗ trợ 844.000 tỉ đồng phục hồi phát triển kinh tế. Ông có đánh giá thế nào về đề xuất này?
Ông Nguyễn Đức Kiên
- Ông Nguyễn Đức Kiên: Tại diễn đàn trên, nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia đưa ra đề xuất gói hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi kinh tế 844.000 tỉ đồng, bao gồm chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, hỗ trợ các địa phương và các chính sách khác. Tuy nhiên, về cách tính con số hỗ trợ, quy mô của gói cũng cần phải bàn thêm.
Còn về phía Chính phủ, đề xuất về chính sách tài khóa, tiền tệ trong gói hỗ trợ này sẽ khác hơn. Hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ khác với đề xuất của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.
* Cụ thể cái khác về chính sách tài khóa, tiền tệ đó là gì, thưa ông?
- Gói Chính phủ trình Quốc hội lần này có tính chất tạo cú hích cho nền kinh tế, nằm trong gói đầu tư công, phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Chúng tôi lưu ý là hấp thụ nhưng phải có hiệu quả của nền kinh tế.
Con số chính thức của gói này Quốc hội còn phải thảo luận nhưng theo phương án trình của Chính phủ, không lớn như đề xuất của các chuyên gia trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Điều này cũng cho thấy cách tính khác của Chính phủ. Đó là Chính phủ không "cộng dồn" vào gói mà tính toán những khoản hỗ trợ trực tiếp vào sản xuất, hỗ trợ tháo nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế.
Đến nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bên liên quan cũng vừa cho ý kiến. Về cơ bản, các bên đã thống nhất với Tờ trình của Chính phủ. Chính phủ cũng đã tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Khi tính toán, xây dựng quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, chúng ta cân đối việc huy động vốn của nền kinh tế, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp (DN). Đến nay, ngoài việc vay của các tổ chức tín dụng, còn có kênh phát hành trái phiếu DN, kênh huy động vốn thông qua cổ phần của DN. Trong năm 2021, trái phiếu DN, đặc biệt là DN trong lĩnh vực bất động sản tăng trưởng mạnh. Đây là cơ sở để DN ở lĩnh vực khác có thể tham chiếu và huy động vốn.
Gói hỗ trợ mới do Chính phủ đề xuất kỳ vọng tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thôngẢnh: Văn Duẩn
* Nhiều ý kiến cho rằng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế phải đúng trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Theo ông, cần thiết kế theo hướng nào để bảo đảm mục tiêu đó?
- Quan điểm của Chính phủ khi thiết kế gói này là đánh thông điểm nghẽn, tạo ra tính lan tỏa, cú hích cho nền kinh tế.
Một trong những điển hình là các gói thầu của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng mức đầu tư 100.000 tỉ đồng, chúng ta hướng đến việc tháo các điểm nghẽn về hạ tầng, logistics. Nếu triển khai các gói thầu này, chúng ta sẽ tạo ra được công ăn việc làm, GDP; sau 2-3 năm sẽ giải tỏa được ùn tắc về logistics, giảm được thời gian lưu thông trên đường, giảm chi phí logistics.
* Ông lưu ý gì khi triển khai chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian tới để đạt hiệu quả cao nhất?
- Chính phủ đang xây dựng theo hướng chính sách tài khóa đi trước. Khi chính sách tài khóa đi trước thì chính sách tiền tệ mới bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Cần có sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp tài khóa và tiền tệ. Đặc biệt khi chúng ta giữ được lạm phát ở trong ngưỡng chúng ta tính toán, thì có lợi "kép".
Chúng ta cũng cần cẩn trọng, không nên hạ chuẩn tín dụng bởi sẽ tiềm ẩn khủng hoảng cho vay dưới chuẩn và cần rút kinh nghiệm từ gói kích cầu năm 2008-2009 để có cách làm phù hợp.
Nhiều ý kiến lo ngại về khả năng hấp thụ của nền kinh tế, ông có nhìn nhận ra sao về vấn đề này? Bên cạnh đó là việc giảm các thủ tục hành chính để có thể thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ?
- Các ý kiến lo ngại về khả năng hấp thụ của nền kinh tế là không sai. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách của chúng ta trong từng bối cảnh. Đơn cử như chúng ta đưa tiền vào dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sẽ hấp thụ tốt, có tính lan tỏa. Chính sách tài khóa hạn chế việc tác dụng trực tiếp, nên DN cần nắm bắt tinh thần đó để có quyết sách phù hợp.
Đối với cải cách thủ tục hành chính, thì về gói hỗ trợ này, bản chất vẫn là tiền từ ngân sách, nên chi tiêu ngân sách phải đúng quy định pháp luật. Chi tiêu ngân sách không thể giống như các thành phần kinh tế khác. Do đó, Chính phủ mới chỉ chọn những lĩnh vực tạo ra động lực, có tính lan tỏa như vào kết cấu hạ tầng, gồm hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, điện, viễn thông.
Còn với thủ tục khác của DN thì DN cũng cần chủ động cải thiện, chuẩn bị từ sớm. Chúng ta nói cải cách thủ tục hành chính, không có nghĩa là bỏ qua các quy trình. Cải cách thủ tục cần có sự đồng hành cả hai bên, nhà nước và DN.
Bình luận (0)