Ngày 22-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ngân sách Nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết".
Phó Thủ tướng Chính phủ Pham Bình Minh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 trước Quốc hội
Chủ động chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vắc-xin và phương châm “4 tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng, công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện; đã kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt; hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông cho người dân và doanh nghiệp.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỉ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Cụ thể, tính đến ngày 27-5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỉ đồng/35.880 tỉ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỉ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỉ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, chiến lược vắc-xin của nước ta gặp nhiều thách thức, tỉ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp. Tính đến ngày 13-7, đã nhận được khoảng 8 triệu liều vắc-xin; đã thực hiện tiêm 4.079.066 liều vắc-xin phòng Covid-19.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc triển khai các chính sách, gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỉ lệ giải ngân thấp
Về giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm "cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh" để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin. Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh.
"Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc-xin, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022"- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.
Trong kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, cử tri cho rằng, gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có tính thời điểm, giải quyết tình huống cấp bách.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, công tác triển khai thực hiện còn lúng túng, xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp với bối cảnh, tình hình, do vậy giải ngân kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp, không đạt được mục tiêu như dự kiến.
Cử tri đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các cấp, cơ quan liên quan cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người dân một cách thực chất, thiết thực hơn.
Bình luận (0)