xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gồng mình hứng bão số 6

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Lo ngại cơn bão số 6 với cường độ mạnh quét qua Phú Yên, từ chiều 9-11, người dân tỉnh này chằng néo lồng bè, nhà cửa, khăn gói chuẩn bị di dời đến nơi an toàn

Thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chiều 9-11 rộn tiếng í ới gọi nhau. Nơi đây từng phải hứng chịu những đợt sóng lớn cuốn phăng những công trình phụ, thuyền thúng của 21 hộ dân trong cơn bão số 5 chỉ hơn 10 ngày trước. Vì vậy, người dân nơi đây rất sợ bão.

"Sợ lắm rồi"!

Trên bãi cát, một nhóm người đang hì hục khiêng những chiếc thuyền thúng còn lại sau bão số 5 đưa lên xe chở vào sâu trong đất liền để tránh sóng cuốn trôi. Bên cạnh, vợ chồng, con cái anh Bùi Văn Biển dùng tay cào cát vào bao, tất tả gánh về để chằng mái nhà, phòng bão giật.

"Sợ lắm rồi. Bão số 5 không mạnh mà gió còn giật bay mấy tấm tôn, nhà ướt như tắm mưa. Bão này dự báo giật đến cấp 15, không khéo chẳng còn cái áo để mặc" - anh Biển nói mà không kịp ngước mắt lên. Cả một dãy 21 căn nhà, phía mép biển trước đây được xây các công trình phụ, giờ chỉ còn lại nền gạch ngổn ngang mới hiểu nỗi sợ hiện hữu trên từng khuôn mặt của người dân nơi đây.

Gồng mình hứng bão số 6 - Ảnh 1.

Gia đình anh Bùi Văn Biển (xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) vội vã chuẩn bị bao cát để chằng néo mái nhà

Cách đó không xa, 2 gia đình anh em Phạm Xuân Quang và Phạm Văn Tuấn cũng tất bật đắp đê bằng bao cát dưới chân sóng giờ đã ăn sát móng nhà. "Nửa tháng trước thôi, mé biển còn ở tít ngoài kia mà bây giờ nằm sát đây rồi. Phải gắng gia cố chứ cơn bão này sẽ bứng luôn cả ngôi nhà" - anh Quang nói rồi cho hay đến chiều cùng ngày, đồ đạc trong nhà anh đã được chuyển đến gửi ở nhà bà con nằm xa mé biển. Xong việc, vợ chồng, con cái sẽ đóng cửa rời nhà để đến trú nhờ ở Đồn Biên phòng Xuân Hòa. "Đóng cửa đi ở nhờ cũng ngại lắm, nhưng giữ an toàn cho mạng người vẫn quan trọng hơn" - anh Phạm Văn Tuấn lo lắng.

Cả ngày 9-11, ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cứ chạy ngược chạy xuôi ở thôn Hòa An, bởi đây là thôn hứng mặt ra biển, sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi bão đến. "Chúng tôi đã kêu gọi bà con phải chằng néo cẩn thận nhà cửa, ghe thuyền, chuẩn bị đồ đạc để đến chiều 10-11 là phải chuyển hết đến nơi an toàn. Không thể ở lại đây khi bão đến. Rất nguy hiểm" - ông Hiền nhấn mạnh.

Không để ai trên biển

Chiều cùng ngày, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên - cùng đoàn công tác của tỉnh này đã lên tàu vượt sóng ra vịnh Xuân Đài để nắm bắt công tác phòng bão trên các lồng bè nuôi hải sản. Đây là "thủ phủ tôm hùm" với 3.070 hộ gia đình - gần 1.900 bè nổi và gần 101.000 lồng. Nhiều gia đình đang tất bật chằng néo lại bè nuôi, tháo phao để hạ lồng nuôi sát đáy biển, tránh bị sóng đánh vỡ lồng và tôm bị sốc nước ngọt khi nước nguồn tràn về.

"Phải tranh thủ làm cho xong đến trưa 10-11 là phải vào bờ, không dám ở ngoài này" - một người làm thuê trên bè nuôi tôm hùm thuộc vùng biển phường Xuân Thành nói.

Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, vì tôm hùm có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình đổ cả gia tài của mình xuống các lồng, bè tôm nuôi nên không phải ai cũng chấp nhận để lại lồng bè dưới biển để lên bờ trú bão.

"Chúng tôi đã xác định sẽ có khoảng 100-150 người không chịu rời biển để trú tránh trước khi bão đến. Chúng tôi đã lập danh sách. Đến trưa 10-11, nếu những người này chưa chịu lên bờ thì chúng tôi cương quyết cưỡng chế. Không để một ai ngoài biển trước khi bão đến" - ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, quả quyết. Ông cho biết qua rà soát, thị xã Sông Cầu đã xác định có trên 5.100 hộ gia đình với hơn 18.000 nhân khẩu sẽ phải sơ tán trước bão.

Tại vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài, ông Trần Hữu Thế cho biết nỗi lo lớn nhất của tỉnh trước khi bão đến cũng chính là những hộ gia đình nuôi hải sản trên biển. "Làm cách nào để đưa toàn bộ hơn 5.000 người trên các lồng bè nuôi hải sản trên biển về đất liền trước khi bão đến là điều tỉnh Phú Yên rất quan tâm. Chúng tôi đã ra công điện khẩn gửi đến các địa phương. Đến 12 giờ ngày 10-11, bằng mọi giá phải đưa tất cả những người trên các lồng bè ngoài biển về bờ. Không để một ai ở lại biển. Địa phương nào còn để dân ngoài biển thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm" - ông Thế nhấn mạnh.

Từ 7 giờ ngày 9-11, tỉnh Phú Yên đã ra lệnh cấm biển. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cũng yêu cầu cho học sinh nghỉ học ngày 11-11.

Đêm nay, bão áp sát các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão số 6 ở cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 450 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15 km. Đến 16 giờ hôm nay, 10-11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 150 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14. Sóng biển cao từ 6-8 m, biển động dữ dội...

D.Ngọc

Bình Định, Quảng Ngãi: Sẵn sàng phương án sơ tán dân

Sáng 9-11, tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, người dân địa phương hối hả dùng bao cát chằng chống, che chắn nhà cửa. Tại thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, chính quyền địa phương cũng đang gấp rút triển khai các biện pháp để bảo vệ an toàn cho người dân.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 5 khiến 7 tàu hàng bị trôi neo, từ 8 giờ cùng ngày, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã cho tạm dừng các hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng nhằm tập trung toàn bộ lực lượng ứng phó với bão số 6. Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, đến chiều cùng ngày, có 56 tàu hàng tại khu vực cảng Quy Nhơn đã được đơn vị bố trí vào các khu vực neo đậu an toàn.

Chiều 9-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã trực tiếp thị sát, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 tại Bình Định. Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, cho biết tỉnh đã triển khai đồng bộ hàng loạt biện pháp để ứng phó với bão số 6, yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 giờ từ ngày 9-11, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn, ứng phó trong mọi tình huống. Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định duy trì 100% quân số, thành lập 5 đoàn công tác, chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Bình Định tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi và hoạt động của tàu thuyền; tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn... Đồng thời, tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy - hải sản; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch và công trình cơ sở hạ tầng trên biển và các đảo...

"Đối với khu vực miền núi, trung du, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính..." - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác trung ương về tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 6. Báo cáo với Bộ trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết 100% tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển đã liên lạc được với đất liền, các tàu đã vào neo trú tại các cảng. Hiện tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng phương án ứng phó, tập trung bảo đảm an toàn và lên phương án di dời người dân vùng xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng của bão và mưa lũ đến nơi an toàn.

Tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại 2 huyện Lý Sơn và Đức Phổ. Tùy theo tình hình mưa bão, địa phương triển khai phương án di dời hơn 8.100 hộ, hơn 28.600 nhân khẩu nằm trong các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nước ngập sâu và sạt lở đất sau bão. Theo dự kiến, đến 14 giờ hôm nay, tỉnh Quảng Ngãi sẽ hoàn thành việc di dời dân ở vùng nguy hiểm.

Đ.Anh - T.Trực

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo