Theo đại diện Công ty Thoát nước đô thị TP HCM, qua phân tích cao độ địa hình, hệ thống thoát nước và kênh rạch hiện hữu thì lưu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh từ cầu vượt Thủ Thiêm về cầu Sài Gòn chỉ rộng khoảng 25,5 ha. Cụ thể, phía bên phải từ cầu vượt Thủ Thiêm về thì ngoài khu Tân Cảng và khu dân cư Saigon Pearl có hệ thống thoát nước riêng ra sông Sài Gòn. Kẹp giữa 2 khu dân cư cao cấp này là một khu dân cư thấp tầng thoát nước ra kênh rạch nhỏ xen cài bên trong và tự thấm xuống đất. Ở phía đối diện, khu dân cư ở tuyến D1 nối dài thì đổ ra đường Điện Biên Phủ, phía sâu bên trong đường Võ Duy Ninh thì đổ ra rạch Văn Thánh. Lưu vực này tuy nhỏ nhưng hệ thống thoát nước không đồng bộ, nhiều điểm giao cắt nên nước thoát không kịp. Đơn vị này cũng đã chạy mô phỏng trên máy tính dựa vào dữ liệu trận mưa thực ngày 26-9-2016 cho thấy khu vực The Manor ngập đầu tiên, sau đó đến khu vực bên hông cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và khu Tân Cảng.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường ngập nhanh khi mưa kéo dài
Trước tính toán và đánh giá khá cụ thể của Công ty Thoát nước đô thị TP, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), cho rằng nếu muốn chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh thì nhất thiết phải chống ngập cho 2 rốn ngập nêu trên; còn bỏ qua thì rõ ràng đường Nguyễn Hữu Cảnh khó mà thôi ngập. Nói vậy là để thấy việc điều chỉnh phạm vi chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh là điều mà Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP và Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cần làm ngay.
Kỹ sư Lê Văn Lư, một trong những người lập thiết kế kỹ thuật đường Nguyễn Hữu Cảnh, cho rằng lưu vực của đường Nguyễn Hữu Cảnh rộng khoảng 32 ha nên không cần dùng đến máy bơm có công suất từ 27.000-96.000 m3/giờ bởi "lấy nước đâu mà bơm". Do đó, giải pháp chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh căn cơ nhất là phải nâng đường và cải tạo lại hệ thống thoát nước.
Theo kỹ sư Lư, cần nâng mặt đường lên cao trình 2,2 m tại mép đường theo cốt nền chung ở khu vực này. Đối với hệ thống thoát nước, tuyến đường này cần 2 tuyến cống hộp: bên trái từ đường Võ Duy Ninh đến hết cao ốc The Manor; bên phải từ khu dân cư Tân Cảng đến cống ra sông hiện hữu có kích thước 1,6 m x 1,6 m nhỏ dần về phía cầu vượt. Đồng thời, làm tuyến cống gom kích thước 2,5 m x 2,5 m dài khoảng 300 m hoặc tăng cường thêm một luồng cống 1,6 m x 1,6 m nữa bên cạnh cống hiện hữu. "Ngành chức năng xây dựng thêm tuyến cống băng đường để dẫn nước từ bên trái qua bên phải và làm một cửa xả cuối cống có cửa van tự động ngăn triều cường. Như vậy, nước hoàn toàn có thể tự thoát ra sông Sài Gòn mà không cần đến máy bơm" - kỹ sư Lư nêu ý tưởng.
Luật sư Lê Trọng Thêm (Công ty Luật LTT & Lawyers) cho rằng dù hiệu quả chống ngập đang còn là vấn đề gây tranh cãi nhưng thực tế, Tập đoàn Quang Trung đã bỏ chi phí để triển khai là hoàn toàn có thật. Do vậy, trong trường hợp này, các bên cần đánh giá lại hiệu quả chất lượng chống ngập, thỏa thuận lại mức giá dịch vụ, phương thức thanh toán để cùng có lợi. Ngoài ra, những điều khoản nào không hợp lý thì cần bỏ và thay vào đó là các điều khoản rõ ràng và chi tiết hơn.
Bình luận (0)