xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

GS Trần Hồng Quân: Người nặng lòng với giáo dục

Yến Anh

GS Trần Hồng Quân là người đã đưa những chính sách lớn, tạo nên chuyển biến đột phá với giáo dục Việt Nam

Dành cả đời cho giáo dục, sự ra đi của GS Trần Hồng Quân để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng nhiều người.

Gần gũi trí thức

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học (ĐH), cao đẳng Việt Nam - là người sát cánh với GS Trần Hồng Quân giai đoạn ông là Bộ trưởng Bộ ĐH Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề và sau này là Bộ GD-ĐT.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, suốt cả cuộc đời, GS Trần Hồng Quân luôn nặng lòng với giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH. Ông mong muốn hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam là một khối thống nhất, để tạo nên sức mạnh tổng hợp và cùng nhau phát triển và là người khởi xướng để mở ra hệ thống các trường ĐH ngoài công lập.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, giáo dục ngoài công lập chưa dễ dàng được chấp nhận. Thế nhưng, vượt qua rất nhiều khó khăn, GS Trần Hồng Quân đã đặt nền móng thành công cho hệ thống trường ĐH ngoài công lập tại Việt Nam. Trường ĐH Thăng Long là trường ĐH ngoài công lập đầu tiên được thành lập, sau đó là hàng loạt trường ĐH ngoài công lập khác.

TS Văn Đình Ưng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí ĐH và Trung học chuyên nghiệp, kể nhà toán học, GS Hoàng Xuân Sính làm đơn xin mở trường ĐH tư thục, bằng cách điện thoại xin gặp Bộ trưởng chứ không "chạy đi chạy lại". Hồi ấy, nhờ việc làm đơn xin mở một mô hình thí điểm về một ĐH không xin kinh phí nhà nước, GS Hoàng Xuân Sính đã gặp GS Trần Hồng Quân và nhận được hỗ trợ rất nhiều. Năm 1994, sau 6 năm thí điểm thành công mô hình ĐH dân lập với cái tên Trung tâm ĐH Dân lập Thăng Long, Chính phủ có chủ trương cho phép thành lập các trường dân lập, trong đó có Trường ĐH Dân lập Thăng Long.

Thủ tục đơn xin thành lập đã gửi lên Chính phủ nhưng vướng khâu nào đó, chờ mãi chưa thấy có kết quả. GS Hoàng Xuân Sính lại gọi điện cho GS Trần Hồng Quân để nêu các khó khăn, vướng mắc. Ngay ngày hôm sau họp Chính phủ, GS Trần Hồng Quân đã gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh báo cáo xin ý kiến. Vài ngày sau, GS Hoàng Xuân Sính nhận được "giấy khai sinh" cho Trường ĐH Dân lập Thăng Long.

Đối với GS toán học nổi tiếng này, GS Trần Hồng Quân là một Bộ trưởng gần gũi anh em trí thức, từ tốn khiêm nhường, thấy việc gì tốt cho giáo dục thì khuyến khích cho làm.

GS Trần Hồng Quân: Người nặng lòng với giáo dục - Ảnh 2.

GS Trần Hồng Quân chụp ảnh cùng các phóng viên tại Hội nghị đổi mới giáo dục, tổ chức ở Hà Nội vào tháng 11-2020Ảnh: Thu Lương

Mạnh dạn đổi mới

GS Trần Xuân Nhĩ nhớ khi vừa hình thành Bộ GD-ĐT, điều đầu tiên tân Bộ trưởng Trần Hồng Quân làm là dành thời gian đi xem xét, quan sát tất cả cơ sở vật chất của bộ; trao đổi với các lãnh đạo của hai đơn vị vừa sáp nhập để tạo điều kiện cho đơn vị hòa nhập nhanh chóng.

GS Trần Hồng Quân đều từng làm lãnh đạo ở cả hai đơn vị này nên am hiểu sâu sắc về cả giáo dục ĐH và phổ thông. Khi thiết lập đơn vị mới, ông mạnh dạn phân công cho các thứ trưởng và thực hiện hàng loạt chương trình mục tiêu.

Nổi bật là chủ trương xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú để chăm sóc cho đồng bào miền núi. Chương trình đã đạt mục tiêu thành lập hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú với 50 trường thuộc trung ương, 250 trường ở huyện và 300 trường bán trú ở xã. Tiếp đến là các chính sách về đào tạo giáo viên, xây dựng hệ thống các trường sư phạm. Mỗi tỉnh có một trường cao đẳng để đào tạo giáo viên bậc mầm non đến THCS, các trường trung ương đào tạo giáo viên bậc THPT và trường chuyên nghiệp khác.

Hệ thống quản lý cũng được phân cấp, giáo viên mầm non, phổ thông do địa phương phụ trách. Ngoài ra, ông còn chú trọng tới xây dựng cơ sở vật chất ở các nhà trường, xây dựng hệ thống trường chống bão lụt, trường chuẩn, chương trình hợp tác quốc tế...

GS Trần Hồng Quân đưa ra 4 tiền đề đổi mới giúp hệ thống giáo dục ĐH tiếp cận cơ chế thị trường, xã hội hóa. Đó là ngoài đào tạo theo chỉ tiêu nhà nước giao, các trường được tuyển sinh để phục vụ nhu cầu xã hội; thu học phí theo quy định của nhà nước...

Bộ trưởng Trần Hồng Quân cũng là người khuyến khích các trường ĐH chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ, học phần; chủ trương từng bước mở rộng phân cấp quản lý, tiến tới các trường tự quản.

GS Nguyễn Xuân Thu, người có công lớn đưa ĐH RMIT về Việt Nam, đánh giá sự nghiệp của GS Trần Hồng Quân là sự nghiệp trong giáo dục Việt Nam, sự nghiệp mở đầu cho một làn sóng giáo dục quốc tế vào Việt Nam.

Lễ tang với nghi thức cấp cao

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Bộ GD-ĐT, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP HCM và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin ông Trần Hồng Quân - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, VIII; nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng; nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại biểu Quốc hội khóa VIII, X - sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đã từ trần lúc 13 giờ ngày 25-8-2023 tại Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), hưởng thọ 87 tuổi.

Gần 60 năm hoạt động cách mạng, ông Trần Hồng Quân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì; Huân chương Lao động hạng ba; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của ông Trần Hồng Quân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tổ chức lễ tang ông với nghi thức lễ tang cấp cao.

Lễ viếng tổ chức vào lúc 11 giờ ngày 27-8-2023 tại Nhà Tang lễ Quốc gia phía Nam - số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM. Lễ truy điệu tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 29-8-2023. Lễ an táng cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố (TP Thủ Đức).

Ông Trần Hồng Quân sinh ngày 15-2-1937; quê xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng; thường trú tại số nhà 90/1 đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP HCM. Ông tham gia cách mạng năm 1950, vào Đảng năm 1960.

B.T.V

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo