UBND TP Hà Nội vừa giao các quận, huyện khởi động ngay việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế tại các "vùng xanh", "vùng vàng" và tiến tới trên toàn địa bàn từ ngày 15-9.
Người dân tại một số khu vực huyện Gia Lâm (Hà Nội) chuẩn bị để hoạt động kinh doanh trở lại
Bắt đầu mở dịch vụ ăn uống
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết mục tiêu của thành phố là trước 15-9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch Covid-19 để Hà Nội vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế. Để làm được việc này, tại các khu vực nguy cơ cao sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, dứt khoát việc giãn cách xã hội. Còn tại các khu vực có nguy cơ thấp sẽ duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở những nơi có đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn"; từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa bàn kết thúc giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt và quan tâm các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các hoạt động quan trọng khác trên địa bàn, nhất là tại các xã, phường, thị trấn.
Những ngày qua, tại một số địa phương "vùng xanh" đã bắt đầu cho phép một số dịch vụ kinh doanh được tái hoạt động. Huyện Gia Lâm, huyện Ba Vì là các địa phương đầu tiên cho các nhà hàng, quán ăn thuộc "vùng xanh" mở cửa bán hàng trở lại. Tuy số lượng chưa nhiều song theo đánh giá chung, việc cho phép các nhà hàng, quán ăn mở cửa bán hàng mang về đã bước đầu tạo tín hiệu tích cực, mở ra hy vọng cho người dân sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống.
Không chỉ đến khi được công nhận là "vùng xanh" theo phân vùng của thành phố, mà trước đó, nhiều địa phương đã nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng chống dịch an toàn. Tại huyện Hoài Đức, theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp muốn trở lại sản xuất, phải xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ", hoặc "1 cung đường 2 điểm đến", trình UBND huyện phê duyệt. Đối với các cơ sở sản xuất ngoài cụm công nghiệp, sẽ do UBND xã, thị trấn phê duyệt phương án sản xuất an toàn. Trên cơ sở đó, toàn huyện đã có 825 doanh nghiệp được phê duyệt phương án, trở lại sản xuất trong tháng 8 và 9-2021, trong đó UBND huyện phê duyệt 189 phương án; UBND các xã, thị trấn đã phê duyệt 636 phương án. Từ ngày 11-8, LĐLĐ huyện Hoài Đức đã triển khai trao và gắn biển mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" cho 275 doanh nghiệp được UBND huyện phê duyệt phương án sản xuất an toàn.
Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thành phố đang nỗ lực xét nghiệm và đạt tỉ lệ đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng cao đến ngày 15-9. Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất - kinh doanh... Tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.
Các nhà hàng, quán ăn thuộc “vùng xanh” được mở cửa bán hàng trở lại
Sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh
Là quận trung tâm của Hà Nội, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết ngay sau khi UBND TP chỉ đạo, quận đã tiến hành triển khai xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội bám sát tiến độ khống chế dịch bệnh trên địa bàn. "Trước tiên phải làm tốt, khống chế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, song song với đó là phải đẩy mạnh tỉ lệ tiêm chủng cho người dân, người lao động đang cư trú trên địa bàn. Khi thực hiện tốt 2 nhiệm vụ trên thì mới nới lỏng dần các dịch vụ kinh doanh như cho bán hàng mang về... Việc khôi phục kinh tế - xã hội sẽ có những lộ trình ngắn hạn và dài hạn cụ thể phù hợp theo tình hình dịch trên địa bàn" - ông Long nói.
Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, cho biết huyện cũng đã có những kế hoạch chi tiết về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Huyện đã ban hành các kế hoạch chi tiết cho các cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh và về sản xuất nông nghiệp để các cơ sở thực hiện. Tùy thuộc vào tình hình dịch tại các khu vực, chính quyền sẽ nới lỏng từng bước các hoạt động kinh doanh, từ đó dần khôi phục kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo đại diện một công ty may mặc ở thị xã Sơn Tây, do dịch bệnh nên công ty gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Trên cơ sở phương án phòng dịch của công ty, từ cuối tháng 8-2021, thị xã Sơn Tây đã cho phép 500 công nhân công ty quay trở lại làm việc. Hiện nay, công ty đã xây dựng kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất lên quy mô 1.000 lao động (chiếm 50% số công nhân) và đã gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thị xã Sơn Tây, hiện đang chờ ý kiến của thị xã. Đây là tín hiệu vui vì nhờ đó, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện những đơn hàng và hợp đồng vì thời điểm này là cao điểm của ngành dệt may. Công ty sẽ dần mở rộng quy mô hoạt động để từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất - kinh doanh tiến tới tăng trưởng.
Đa phần các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng
Đại diện Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết thời gian qua, đa phần các doanh nghiệp đều gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng nên phải giảm quy mô và công suất. Tuy nhiên, may mắn là không có khu công nghiệp nào ở Hà Nội bị phong tỏa như các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nên nhìn chung các doanh nghiệp đều thực hiện "3 tại chỗ" (ăn, ở, làm việc tại chỗ) để duy trì các hoạt động sản xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp đều đang chờ tình hình dịch bệnh ở Hà Nội được kiểm soát thì mới triển khai những kế hoạch phục hồi, phát triển quy mô cũng như công suất kinh doanh.
Bình luận (0)