Chính phủ đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng là 1 trong những dự án BT của Hà Nội, hiện đã bị dừng
Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ quy mô hoặc tiêu chí cụ thể khi thực hiện việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (Điều 37); giao HĐND TP Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa, quy định cụ thể mức huy động của nhà nước và tư nhân trong dự án PPP (Điều 39); cân nhắc việc cho phép thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất (thường gọi là đổi đất lấy hạ tầng); quy định cụ thể lĩnh vực được thực hiện hợp đồng BT (Điều 40); việc sử dụng Quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ nên lựa chọn một số ngành nghề để có trọng tâm, trọng điểm; làm rõ cơ chế kiểm soát quá trình thử nghiệm (Điều 41).
Đề nghị xác định rõ phạm vi thực hiện việc nhượng quyền kinh doanh, quản lý có bao gồm các công trình, hạ tầng văn hóa do trung ương quản lý; mở rộng phạm vi áp dụng nhượng quyền kinh doanh, quản lý cả trong lĩnh vực y tế, giáo dục và lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công khác; khi phân quyền về đầu tư thì phải giao đồng bộ thẩm quyền cho TP ở các khâu liên quan về đầu tư (đánh giá tác động môi trường, phê duyệt thiết kế (Điều 43); cân nhắc việc quy định ưu đãi về thuế (Điều 45).
Về các vấn đề trên, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết về hợp đồng BT, trước khi Luật PPP được ban hành, trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và thanh toán bằng tiền (có 11 dự án đã hoàn thành và 6 dự án đang triển khai thực hiện). Mặc dù việc triển khai các dự án BT còn nhiều khó khăn vướng mắc nhưng đã huy động được nguồn lực xã hội, góp phần phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, góp phần chống ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường trên địa bàn TP, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Khi Luật PPP có hiệu lực, TP Hà Nội đã phải thông báo dừng triển khai 82 dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Các dự án này chủ yếu là các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải, xử lý và tiêu thoát nước thải, cải tạo sông, rạch… Nếu các dự án này sớm được thực hiện theo hợp đồng BT thì sẽ có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô; đồng thời, huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có yêu cầu triển khai sớm nhưng chưa thu xếp được nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý các quy định về hợp đồng BT, xác định rõ những lĩnh vực, điều kiện triển khai theo hình thức BT, đặc biệt là quy định về thanh toán BT bằng quỹ đất và tài sản công một cách phù hợp, khắc phục được những hạn chế, sơ hở, thiếu sót của pháp luật về hợp đồng BT trước đây; đồng thời, tạo ra cơ chế minh bạch, thuận lợi, bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT.
Về ưu đãi thuế, hiện nay, các quy định của pháp luật đều đã có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, trong đó chính sách thuế được sử dụng như là một công cụ ưu đãi. Các chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại hiện đang được áp dụng và xem như là một công cụ để thu hút đầu tư.
Việc cho phép TP áp dụng chính sách ưu đãi cao hơn quy định hiện hành nhằm thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư vào các lĩnh vực mà TP ưu tiên đầu tư, phát triển khi ngân sách TP chưa thể đủ để bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho tất cả các dự án trong tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế có thể không còn là công cụ tối ưu để thu hút đầu tư; do vậy, đối với vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu để quy định phù hợp; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo đối với các vấn đề đã được nêu trên.
Ngoài nội dung nêu trên, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định rõ quy mô hoặc tiêu chí khi thực hiện việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, thể thao và văn hóa… để hoàn thiện dự thảo luật.
Bình luận (0)