Dọc những con đường đi ra khu vực vùng ven Hà Nội la liệt dự án đô thị "treo". Những khu nhà liền kề, biệt thự xây dở dang, mốc rêu xanh, cỏ cao lút đầu. Các vùng đất nông nghiệp trù phú thuộc Hà Tây hay huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc cũ) nay cũng bị xé nhỏ bởi hàng trăm đại dự án bất động sản nhưng ít có dự án nào hoàn thành đúng tiến độ.
La liệt dự án "treo"
Xã miền núi Tiến Xuân của huyện Thạch Thất là 1 trong 4 xã được tách ra từ tỉnh Hòa Bình sau khi quyết định sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, với gần 70% dân số là người Mường. Ông Đinh Công Long, chủ tịch UBND xã, cho biết trên địa bàn hiện có hơn 25 dự án "treo". Dự án nhiều đến nỗi chính quyền địa phương còn không nắm được là của đơn vị nào làm chủ đầu tư. Theo ông Long, trước khi nhập vào Hà Nội, tỉnh Hòa Bình cũng đã phê duyệt rất nhiều dự án nhưng khi nhập vào rồi cũng chỉ để vậy, không đầu tư. "Nhiều lần chính quyền địa phương kiến nghị lên nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là đang rà soát chứ không có biện pháp nào được đưa ra" - ông Long than thở.
Nhiều dự án bị bỏ hoang tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội Ảnh: Huy Thanh
Ông Trần Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Mê Linh - đánh giá về cơ bản, từ khi được về lại thủ đô, nhân dân rất phấn khởi và địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế. Dù vậy, do quá trình đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp ở địa phương chỉ còn 20%, 80% còn lại chủ yếu làm đô thị mới. Việc một số dự án khu đô thị chậm triển khai là do thị trường bất động sản đóng băng, chênh lệch giá đền bù giữa Vĩnh Phúc và Hà Nội dẫn đến số ít hộ dân không đồng tình giao.
Theo ông Trung, trên địa bàn xã đang có 12 khu đô thị gồm: Hà Phong, Cienco5, Hoàng Vân, AIC, An Thịnh, TDK, Phúc Việt, Vạn Thắng, Làng Hoa, Minh Giang 1 và 2, Minh Đức. "Nhiều dự án kéo dài trên dưới 10 năm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chỉ đến khi đi vào hoạt động, các dự án này mới hứa hẹn đóng góp tích cực cho bộ mặt của xã. Cũng do chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn và chuyển đổi ngành nghề quá nhanh dẫn đến người dân khi vào các KCN vì tay nghề, trình độ thấp nên làm việc trong nhà máy có nhiều khó khăn và phải đi làm công nhân xa nhà" - ông Trung nêu thực trạng.
Kìm hãm phát triển
Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nhìn nhận sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính thủ đô, không gian đô thị phát triển tạo nên diện mạo mới. Nhiều khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành; nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt sông... được đầu tư. Thế nhưng, với hàng loạt dự án, các khu đô thị vùng ven hay nội đô đều đang trên giấy tờ hoặc "treo" chờ vốn đã gây lãng phí nhiều, kìm hãm sự phát triển đối với nền kinh tế chung của Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn về giao thông và môi trường theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đã bị đội vốn lên đến hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ điển hình.
Dự án này có tổng chiều dài gần 13 km với 12 nhà ga. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2013 với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên, dự án đã lùi thời hạn đến tháng 4-2010 mới được động thổ và đến tháng 10-2011 chính thức triển khai. Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là 868,04 triệu USD, tương đương 18.000 tỉ đồng; đội vốn hơn 300 triệu USD, tức khoảng 23.000 tỉ đồng, tính theo tỉ giá thời điểm hiện nay.
Theo kế hoạch, cuối tháng 7-2017, dự án hoàn thành lắp đặt thiết bị, đến tháng 10-2017 vận hành thử nghiệm và quý II/2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã phải lùi kế hoạch vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vì tiến độ dự án không đáp ứng được yêu cầu. Sau đó, tổng thầu Trung Quốc đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải lùi dự án chậm thêm 11 tháng so với kế hoạch, tức là đầu tháng 9-2018 sẽ chạy thử toàn bộ các đoàn tàu trên toàn tuyến. Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thời gian hoàn thành dự án và được Thủ tướng chấp thuận.
Những dự án lớn ì ạch triển khai như vậy không chỉ gây lãng phí, thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch, chiến lược phát triển của thủ đô.
Người nghèo càng thêm khó
Ông Trần Văn Trung cho rằng do tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm cho tình hình an ninh trật tự xã hội phức tạp hơn. Việc chuyển đổi sản xuất từ nông nghiệp sang đô thị hóa còn dẫn đến hiện tượng ly nông, thất nghiệp gia tăng. Một bộ phận thanh niên vì không có việc làm nên sa ngã, mất dần nền nếp gia đình, mai một phần nào văn hóa truyền thống.
Đó là chưa nói các chính sách an sinh xã hội cũng còn nhiều bất cập. Bà Đinh Thị Hảo (64 tuổi; ngụ thôn Chùa 1, xã Tiến Xuân) phản ánh từ khi nhập vào TP Hà Nội, gia đình bà cũng bị cắt diện hộ nghèo, mất các khoản trợ cấp, hỗ trợ BHYT, quà lễ, Tết theo quy định. Thu nhập trung bình tính theo đầu người trong gia đình bà hiện chỉ được khoảng 1 triệu đồng/tháng nên cuộc sống rất khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, huyện Mê Linh - cũng chỉ ra những mặt hạn chế: "Từ khi về thủ đô, người dân mua xe máy, ôtô là thuế, phí cao hơn hẳn lúc chưa sáp nhập. Chuẩn nghèo nâng lên, xét tuyển đại học những năm này không còn được điểm ưu tiên tuy nền kinh tế địa bàn thì hòa chung theo sự phát triển của cả nước. Ở địa phương người dân đa phần đều tự xoay xở buôn bán, không được hỗ trợ gì nhiều".
Kỳ tới:Giải quyết công cuộc sáp nhập lịch sử
Bình luận (0)