Ngày 30-10-2019, thủ đô Hà Nội được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các "TP sáng tạo" trên thế giới.
Vươn tầm cạnh tranh với các TP trong khu vực
Đây không chỉ là điểm nhấn, dấu ấn tự hào mà còn là cơ hội để thúc đẩy thủ đô phát triển trong thời gian tới. Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đột phá, tích cực hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động. Đặc biệt, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược cho sự phát triển của thủ đô trong những năm tiếp theo.
Hà Nội đang hướng tới là trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước
Thủ tướng cho rằng với vị thế mới của mình, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á. Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước mà phải vươn tầm cạnh tranh với các TP khác trong khu vực và để hiện thực hóa tầm nhìn đó, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" trong phát triển.
Để tiếp tục tỏa sáng giá trị "nhân hòa", Thủ tướng khẳng định Hà Nội cần nuôi dưỡng các giá trị tinh thần, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, được khẳng định qua môi trường khuyến khích các ý tưởng mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo, số lượng phát minh sáng chế, hun đúc tinh thần khởi nghiệp hấp dẫn và thực sự Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng này. Thủ tướng tin tưởng trong tương lai không xa, Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - giáo dục của vùng thủ đô nữa, mà tự tin định vị là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Á.
Nhiều thuận lợi
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Lê Xuân Định đánh giá về mặt KH-CN, Hà Nội có nhiều cái nhất: hạ tầng mạnh nhất, nhiều giáo sư - tiến sĩ… đóng góp tỉ lệ cao nhất trong tỉ lệ tiềm lực KH-CN quốc gia; nguồn lực đầu tư cao nhất; dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra với số lượng công bố quốc tế (năm 2019 Hà Nội có gần 5.000 công bố quốc tế về nghiên cứu KH-CN, chiếm 40% của cả nước); tác động KH-CN với phát triển kinh tế - xã hội cũng ở mức cao nhất cả nước; năng suất lao động cao nhất cả nước. Trong thời gian tới, diện mạo KH-CN, đổi mới sáng tạo của thủ đô sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết Hà Nội xác định mục tiêu xây dựng TP là trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước; tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực, thực sự là "TP sáng tạo" của UNESCO.
Lãnh đạo TP Hà Nội thăm một số đơn vị tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ năm 2016 đến nay đã có 346 nhiệm vụ KH-CN cấp TP được triển khai (trong đó 212 nhiệm vụ khoa học tự nhiên và công nghệ, 84 nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn, 50 dự án sản xuất thử nghiệm) với tổng kinh phí trên 633 tỉ đồng, trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn. Trong đó, các sản phẩm nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa, điện, điện tử viễn thông đã giúp hoàn thiện, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, thay thế hàng nhập khẩu.
Hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này đã bước đầu hình thành một số trung tâm gia công, làm hạt nhân cho các KCN, công nghệ cao, hỗ trợ cho đào tạo, nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao... cũng đạt những kết quả tích cực và đóng góp quan trọng vào sự phát triển. Hà Nội cũng tập trung phát triển hạ tầng KH-CN, nhất là các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm, công viên công nghệ thông tin, trung tâm giao dịch, chuyển giao công nghệ…
Làm việc với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh khẳng định ngành KH-CN sẽ cùng các ngành, chung sức cùng Hà Nội hoạch định các chính sách phát triển dài hạn hơn, thông qua đó thúc đẩy phát triển KH-CN mạnh hơn trong những năm tới và là động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Khi dư địa phát triển còn nhiều, Hà Nội cần tập trung đổi mới các chương trình nghiên cứu khoa học, từ cơ chế, chính sách tài chính đến thủ tục thông thoáng; tập trung vào các chương trình nghiên cứu phục vụ phát triển sản phẩm trọng điểm; lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng chính sách nghiên cứu, khuyến khích phát triển KH-CN và kết nối giữa cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu trên địa bàn.
Bí thư TP Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng Hà Nội có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu, 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với hàng ngàn doanh nghiệp KH-CN tiềm năng. So sánh với các kết quả đạt được, có nhiều điểm đáng ghi nhận nhưng đóng góp của KH-CN vào phát triển kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm lực. Vì vậy, ông Vương Đình Huệ mong muốn Hà Nội trở thành hình mẫu hợp tác giữa địa phương với Bộ KH-CN để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.
8 kiến nghị, đề xuất
Hà Nội đã đưa ra 8 kiến nghị, đề xuất tới Bộ KH-CN, trong đó nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh chính sách tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện để các nhà khoa học tập trung vào việc nghiên cứu... Theo ông Vương Đình Huệ, hai bên sẽ hợp tác tập trung vào tham vấn đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, thí điểm triển khai cơ chế đặc thù, cần sớm hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia KH-CN đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của thủ đô cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH-CN của TP. Ông Vương Đình Huệ đặt hàng trong tháng 10 có thể ra mắt "Mạng lưới sáng kiến Hà Nội".
Bình luận (0)