Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan căn cứ các nội dung kiến nghị của HĐND thành phố, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án (DA) sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2023.
Hàng trăm dự án vi phạm
Theo đánh giá giám sát, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 15 của HĐND TP Hà Nội, Thường trực HĐND thành phố cho biết mặc dù UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý DA chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai nhưng kết quả đạt rất thấp.
Tổng hợp danh mục các DA vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay gồm: nhóm 63 DA chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó, 18 DA cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt DA theo quy định; 31 DA chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các luật; 8 DA chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ...
Dự án Bến xe Yên Sở (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vẫn “bất động” sau nhiều năm được phê duyệt
Nhóm 287 DA đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm luật đến thời điểm tháng 5-2021. Trong đó có 60 DA chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 DA chậm giải phóng mặt bằng; 20 DA chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 DA có các vi phạm khác; 39 DA dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc DA chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 DA kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật...
Trên cơ sở kiểm tra trực tiếp thực địa và kết quả làm việc tại các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Mê Linh, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã rà soát hồ sơ 4 DA để chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và kiến nghị UBND thành phố giải quyết, xử lý theo quy định. Bà Hồ Vân Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, cho biết đáng lưu ý có 22 DA có quyết định thu hồi đất nhưng đến tháng 3-2021 vẫn còn 18 DA chưa được thu hồi đất trên thực tế. Đặc biệt, 90 DA chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 37 DA chậm nộp tiền sử dụng đất gần 2.000 tỉ đồng.
Kiên quyết xử lý trách nhiệm
Đại diện HĐND TP Hà Nội cho biết nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số DA chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; một số DA gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra còn có không ít nguyên nhân chủ quan, đó là việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nghị quyết về kết quả giám sát và các kiến nghị giám sát của HĐND thành phố, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố chưa được chính quyền các cấp, các sở - ngành triển khai thực sự quyết liệt, thường xuyên. Cùng với đó, Sở TN-MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa kiên quyết, kịp thời, làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư.
Việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện DA theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm. Nhiều chủ đầu tư DA không chấp hành pháp luật đất đai, chế độ báo cáo giám sát đầu tư, vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ì triển khai DA chậm tiến độ...
Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết đã giao Sở TN-MT tiếp tục làm cơ quan đầu mối phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và xử lý các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất tại các DA có vốn ngoài ngân sách, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố và chỉ đạo của UBND thành phố; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND thành phố những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền.
Ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Hà Nội, cho hay sở đang tiếp tục kiểm tra, giám sát tiến độ các DA để kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các DA chây ì, vi phạm. Thông qua kiểm tra, giám sát, sở sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA. Đối với các DA chậm triển khai, chủ đầu tư vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, đã công khai định kỳ trên trang thông tin điện tử của sở.
Lựa chọn chủ đầu tư không kỹ
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết căn cứ quy định tại điều 64 Luật Đất đai 2013, nếu DA được bàn giao nhưng quá 1 năm không đưa vào sử dụng hoặc chậm quá 2 năm so với tiến độ được phê duyệt thì phải được thu hồi. Nhưng trên thực tế, số DA bị thu hồi rất ít.
"Tôi cho rằng tình trạng đất DA bị bỏ hoang có trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban, ngành do việc lựa chọn chủ đầu tư không kỹ càng, sai đối tượng. Nếu xảy ra vi phạm, cần xem xét trách nhiệm của những cơ quan tham mưu, ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Việc thẩm định DA trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư là vấn đề cấp thiết, cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng mới bảo đảm hạn chế những DA treo như phản ánh" - luật sư Tiền nói.
Bình luận (0)