Sách "Trường Sơn - Tây Nguyên - Tiếp cận văn hóa học" có 443 trang (tr.), nội dung chính gồm 5 chương.
Trích dẫn mập mờ
Trước hết, TS Lý Tùng Hiếu có một sự nhầm lẫn không đáng khi ông dẫn năm xuất bản cuốn sách của TS Nguyễn Tuấn Triết là 2006, trong khi đúng ra là 2007.
Không phải tất cả nhưng đúng là một phần khá lớn nội dung sách của TS Triết đã được chuyển sang sách của TS Hiếu (chẳng hạn, từ tr.74 đến tr.92, TS Hiếu có hơn 10 lần dẫn cuốn sách của TS Triết mà loạt bài này đang đề cập).
Với sách của TS Triết, TS Hiếu đã thực hiện "đúng quy trình": sử dụng và dẫn nguồn. Đáng tiếc, TS Hiếu đã không dẫn nguồn chi tiết (điều này không chỉ áp dụng đối với hầu hết các đoạn sách của TS Triết, mà còn khá phổ biến trong toàn chuyên khảo).
Ngoài ra, TS Hiếu còn thể hiện sự bất nhất trong trích dẫn. Có khi, ngay trên một trang, dù dẫn trực tiếp hay gián tiếp ông đều chú đầy đủ, ví dụ tại tr.102 đối với trường hợp Nguyễn Tài Cẩn (dẫn ý) và Nguyễn Văn Lợi (dẫn nguyên văn). Tuy thế, các tác giả Lê Bá Thảo (tr.59, 61), Lý Hoàng Nam (tr.136, 371) và nhiều người khác lại không nhận được ưu ái ấy...
Cuốn sách "Trường Sơn - Tây Nguyên - Tiếp cận văn hóa học" của TS Lý Tùng Hiếu
Ông thường không dẫn trang cụ thể mà chỉ ghi tên tác giả và năm xuất bản/công bố tài liệu. Trong hàng chục lần trích dẫn từ "Tây Nguyên, những chặng đường lịch sử - văn hóa", ông chỉ ghi "[Nguyễn Tuấn Triết, 2006]". Cũng như vậy, luận văn của 3 thạc sĩ mà ông gọi là "các nhà khoa học trẻ có công trình nghiên cứu về Trường Sơn - Tây Nguyên do tôi (TS Hiếu - N.Q.T) hướng dẫn" "đạt kết quả cao" (tr.15), là những người cộng tác làm sách cũng được sử dụng nhiều lần nhưng không khi nào được dẫn trang cụ thể.
Sự bất nhất này vừa thể hiện cách làm việc ít khoa học, thiếu tôn trọng tác giả có tài liệu được sử dụng lại vừa gây khó cho người muốn truy tìm tài liệu gốc.
Thay vì "tài liệu tham khảo", TS Hiếu có "thư mục" ở cuối sách, gồm 171 đơn vị tài liệu. Tuy nhiên, cách tác giả trích dẫn ít cụ thể trong nhiều trường hợp như đã nêu khiến mục này bị giảm giá trị.
Sử dụng sách của TS Triết, có thể nói, TS Hiếu đã tiếp cận tài liệu một cách cả tin hoặc đúng hơn là thiếu tinh thần phản biện khoa học. Ở khía cạnh khác, TS Hiếu đã giúp những điều lẽ ra bị phê phán được nhân lên theo chiều hướng xóa nhòa nguồn tài liệu gốc, có thể gây hiểu lầm cho độc giả.
Sao chép không dẫn nguồn
Ngoài các vấn đề trên, chúng tôi cũng nhận ra TS Hiếu đã chép khá nhiều đoạn từ cuốn sách của TS Triết (hoặc của tác giả khác) mà không dẫn nguồn; xin nêu vài ví dụ:
TS Hiếu viết: "Ở Nam Tây Nguyên, đặc biệt là cao nguyên Lâm Viên, hằng năm có thể nhận thấy 4 mùa: mùa khô nóng từ đầu tháng 12 đến cuối tháng 3; mùa gió từ tháng 4 đến tháng 7, có gió thổi vào cuối buổi sáng; mùa mưa từ cuối tháng 7 đến hết tháng 10; mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 12, thường có gió lớn. Lượng mưa trung bình năm từ 2.000 mm đến 2.500 mm", (tr.62). Tại tr.17, 18 sách của mình, TS Triết cũng đã diễn đạt như trên.
TS Hiếu viết: "Góp phần làm cho cảnh quan thiên nhiên sinh động và hùng vĩ là những hồ nước tự nhiên nhân tạo. Ở Bắc Tây Nguyên có Biển Hồ, Ya Ly, Ayun Hạ,... Biển Hồ (tên cũ là hồ Ia Nueng) thuộc địa bàn Pleiku (Gia Lai), là hồ nước tự nhiên lớn nhất Bắc Tây Nguyên, được hình thành bởi 3 túi nước trũng từ các dãy núi xung quanh; mặt hồ có diện tích khoảng 240 ha, trữ lượng 23.000.000 m3…", (tr.64, 65). Tại tr.15, sách của mình, TS Triết cũng đã viết tương tự…
TS Hiếu viết: "Khu vực Trường Sơn Nam được gọi bằng nhiều tên: "Kẻ Mọi", "Xứ Mọi", "Rú Mọi", "cao nguyên miền Thượng", "cao nguyên Trung Phần", "cao nguyên Nam Trung Bộ", "Central Highlands" (cao nguyên Trung tâm)", (tr.57). Trước đó, tại tr.11-12, sách của mình, TS Triết cũng đã trình bày như vậy...
Vài ba trong số khá nhiều tri thức kiểu như chúng tôi vừa dẫn hẳn không phải là phát minh của TS Triết nhưng ông đã sử dụng mà không dẫn nguồn. Đáng buồn hơn, người đi sau ông đã không tránh mà giẫm lại lối mòn tai hại đó.
Sai chồng sai
Trong sách của mình, cả TS Triết (tr.108, 109) và TS Hiếu (tr.79, 81) đều thoải mái sử dụng các sách xưa như "Quảng Nam ký sự", "Đại Nam liệt truyện", "Phủ biên tạp lục"… mà không cần cho độc giả biết chúng là của những ai, in ở đâu, bao giờ.
Tiếp thu không cân nhắc, nhiều chỗ, TS Hiếu đã mắc nguyên cái lỗi của TS Triết trước đó:
Tại tr.19 sách của mình, TS Triết viết (không dẫn nguồn): "Sông Ba (Dak Krông Ia Pa)". Trong sách của mình, ở tr.64, TS Hiếu giải thích thêm (không dẫn nguồn): "Sông Ba (tiếng Jrai: Dak Krông Ia Pa)". Hai ông đều sai: trong ngôn ngữ Jrai không có kết cấu Dak Krông Ia Pa.
Tương tự, huyện Đak Đoa của tỉnh Gia Lai được 2 tác giả cùng viết sai thành "Dak Đoa" (TS Triết, tr.23 ; TS Hiếu, tr.67).
Liên quan đến người vợ của Nguyễn Nhạc trên đất Tây Sơn Thượng đạo xưa, cả 2 tiến sĩ đều định danh "con gái một tù trưởng Ba-na" là "Yã Đỗ" (TS Triết, tr.110; TS Hiếu, tr.82). Cả 2 vị tiến sĩ đều sai; trong tiếng Bahnar, yă là bà; theo giai thoại, tên bà là Đố. "Yã Đỗ" vô nghĩa trong ngôn ngữ tộc người này.
Sự sao chép tùy tiện còn dẫn đến những sai sót khôi hài khác:
Cố họa sĩ Xu Man (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2012) quê ở Gia Lai được 2 tác giả đổi tên thành Siu Man (TS Triết, tr.192; TS Hiếu, tr.378) và "chuyển khẩu" lên tỉnh láng giềng Kon Tum (TS Hiếu, tr.378).
Cả 2 tác giả đều nhắc đến một nhân vật thực dân hồi đầu thế kỷ XX: "viên thanh tra D’Odend’had" (TS Triết, tr.118; TS Hiếu, tr.87). Thực tế, đây là Odend’hal (Prosper Odend’hal), người đã bị Vua Lửa Siu/Ơi Át/Ất giết năm 1904, tại Gia Lai.
Cũng như vậy, các tác giả đều viết sai về một sự việc, khi cho rằng: từ 1927, công sứ Đắk Lắk Sabatier đã cho sưu tầm, hệ thống hóa và xuất bản sách "Luật tục Ê-đê"; năm 1940, Sabatier bổ sung nội dung sách, D. Antomarchi dịch và xuất bản tại Hà Nội (TS Triết, tr 140; TS. Hiếu, tr.90). Thực tế, từ tháng 4-1926, Sabatier đã bị buộc phải rời khỏi Đắk Lắk và cấm quay trở lại nơi này; tháng 1-1936, ông ta chết tại Pháp nên khả năng sưu tầm, biên soạn hay bổ sung nội dung sách sau năm 1926 tại Việt Nam là bất khả thi...
Bình luận (0)