Biến thể phụ BA.5 của Omicron làm gia tăng số ca mắc ở nhiều quốc gia hiện đã xâm nhập Việt Nam. Các chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh việc tiêm vắc-xin mũi nhắc lại và tăng cường giám sát trọng điểm.
Đánh giá đúng nguy cơ để ứng phó
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết việc biến thể phụ BA.5 của Omicron xâm nhập nước ta đã được cảnh báo trước đó và là điều tất yếu do sự mở cửa giao lưu về kinh tế.
Đánh giá về khả năng gây bệnh nặng, ông Lân cho biết hiện chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện nhiều ca bệnh tăng nặng tại khu vực châu Phi. Biến thể phụ BA.4, BA.5 đã ghi nhận ở nhiều nước và làm gia tăng số ca mắc trong những tuần gần đây nên các nước vẫn cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin, giám sát trọng điểm. "BA.5 có khả năng sẽ lấn lướt các biến chủng cũ. Vì vậy, việc tiêm các mũi nhắc lại là hết sức cần thiết để ngăn cản những biến thể mới thay đổi liên tục" - ông Lân nhấn mạnh.
Tương tự, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - cũng cho biết biến thể BA.5 vẫn là của chủng Omicron với sự lây lan nhanh, mạnh hơn các chủng BA.1, BA.2 đang chiếm ưu thế. Để phòng chống các biến thể mới xâm nhập, người dân cần đi tiêm các mũi nhắc lại.
Trong bối cảnh dịch hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra 2 kịch bản phòng chống dịch. Kịch bản thứ nhất, là sự xuất hiện biến thể mới có thể không có ảnh hưởng hoặc lây lan nhanh nhưng vắc-xin vẫn còn hiệu lực bảo vệ. Kịch bản thứ 2, là biến thể mới lây lan nhanh và kháng với vắc-xin, gây bệnh nặng, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng cần đánh giá đúng nguy cơ để có biện pháp ứng phó phù hợp. Tránh hiện tượng đánh giá nguy cơ thấp, ảnh hưởng kết quả chống dịch hoặc ngược lại, đánh giá nguy cơ quá cao gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đời sống. Dù có nới lỏng các hoạt động nhưng vẫn phải quan tâm đến vấn đề dự phòng vì dịch vẫn diễn biến phức tạp khôn lường.
Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lần 2 (mũi 4) tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: Hải Yến
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, so sánh 2 đợt bùng phát dịch vừa qua tại miền Nam và miền Bắc, chưa tiêm và đã tiêm, có thể thấy năm ngoái số mắc rất cao, tử vong lớn, ca nặng nhập viện nhiều nhưng thời gian qua tất cả đều giảm mạnh. "Do đó, việc tiêm vắc-xin cần đặc biệt lưu ý với đối tượng có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, trẻ em…" - ông Phu nói.
Phản ứng sau tiêm chủng ở Việt Nam rất thấp
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 các mũi cơ bản (2 mũi) cho gần 100% người dân trên 18 tuổi. Ngoài ra, cũng có hơn 66% người đủ điều kiện đã được tiêm mũi nhắc lại (mũi 3). Hiện các địa phương đang triển khai chiến dịch tiêm mũi 3 và mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định. "Tiêm các mũi nhắc lại vắc-xin Covid-19 giúp làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, giảm nguy cơ mắc Covid-19, giảm số ca tiến triển nặng" - PGS Hồng nói.
Cũng theo PGS-TS Hồng, thời gian qua, số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam không cao, số ca tử vong gần như bằng 0, do đó nhiều người dân đã có tâm lý chủ quan với dịch. Một số người đã mắc Covid-19 và đã được tiêm mũi cơ bản nên cho rằng mình đã đủ miễn dịch, từ đó lơ là việc tiêm chủng. Một số người lo ngại về các phản ứng phụ sau tiêm hoặc nghe các thông tin không đúng về tính an toàn của mũi nhắc lại nên đã từ chối tiêm chủng. "Phản ứng nặng sau tiêm chủng mũi 3 rất thấp, được ghi nhận với tỉ lệ khoảng 3 trường hợp trong 10 triệu mũi tiêm, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của nhà sản xuất" - bà Hồng thông tin.
Trẻ em cần được tiêm đủ liều
Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, tại Việt Nam, số mắc và tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn. Các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng nhưng hậu quả của Covid-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em. Các cơ sở y tế đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt... sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí tử vong. Ngoài ra, trẻ có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ... có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ. Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Theo PGS-TS Trần Minh Điển, trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn bị hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng. Do đó, tiêm vắc-xin Covid-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, để trẻ đến trường và tham gia các hoạt động xã hội an toàn.
Bình luận (0)