xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hai loài đệ nhất ở Cù Lao Chàm

HÀ BÌNH

Đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) được thiên nhiên ban tặng trăm ngàn của ngon vật lạ, trong đó yến sào cùng với cua đá nghiễm nhiên xếp vào hàng "đệ nhất"

Có vô số câu chuyện xoay quanh hai loài vật từ lâu đã chiếm giữ vị trí độc tôn trên đảo này dần dần lật mở khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nghề yến lừng danh

Yến Cù Lao Chàm được khai thác tự bao giờ? Ai là người đã phát hiện sự tồn tại của loài chim này trên đảo? Hai câu hỏi kích thích sự tò mò, thôi thúc chúng tôi tìm lời giải đáp suốt nhiều ngày tá túc ở nơi duy nhất của tỉnh Quảng Nam có loài chim yến hàng (tên khoa học là Aerodramus fuciphagus).

Bãi Ông, Bãi Làng, Cấm là 3 thôn được xem là trung tâm của xã đảo Tân Hiệp, thậm chí cuốc bộ mươi phút đã có thể đi hết từ thôn này sang thôn khác. Thế nhưng, muốn rõ ngọn ngành về chim yến thì phải tìm đến Bãi Hương, gặp một người tên Dân, biệt danh Dân "yến". "Men theo hướng chỉ tay, gặp ông già ngồi tựa lưng vào tảng đá, đích thị là ông Dân" - người địa phương chỉ dẫn.

Hai loài đệ nhất ở Cù Lao Chàm - Ảnh 1.

Gom tổ yến vào mùa thu hoạch

Ông Dân có nước da đen nhẻm, râu tóc bạc phơ. "Ngày nào tôi cũng ra đây ngồi hóng đàn chim yến ở hang Dò Dò" - ông hoài niệm về những năm tháng gắn bó với loài yến trên đảo.

Tương truyền, khoảng thế kỷ XVII, ông Hồ Duy Hòa (ngư dân xã Cẩm Thanh, TP Hội An) gặp nạn trên biển Cù Lao Chàm và thuyền bị sóng đánh tan tác, trôi dạt vào một hang đá. Tại đây, lão ngư vô tình thấy cảnh bầy chim yến chao liệng, xây tổ. Giữa cơn đói khát, người này dùng đá bật đánh lửa, luộc tổ yến ăn lót dạ, cầm cự suốt bảy ngày bảy đêm trước khi được thuyền bạn ra lai dắt vào đất liền. Sau này, chuyện "bén duyên" với yến được ông Hòa thuật lại cho bà con trong và ngoài đảo. Từ đó, người dân xứ đảo Cù Lao Chàm biết đến yến và có thời gian dài lấy loại thức ăn được "chiết xuất" từ nước bọt của loài chim này để giải cơn đói thay cơm.

Trong ký ức của người đàn ông năm nay đã bước sang tuổi bảy mươi vẫn hằn in những ngày thơ ấu theo cha vào hang canh yến làm tổ và khai thác yến. Ông Dân bồi hồi: "Năm lên 7 tuổi, tôi đã được ba dắt vào hang Cả, hang Dò Dò và hang Trăng. Cả chục năm ròng như thế, tôi thuộc làu chu kỳ sinh sản, phát triển của yến. Cứ đầu tháng 12 âm lịch, yến rủ nhau bay về hang. Theo cặp, cứ một con trống và một con mái sẽ cùng nhau dệt nên một tổ. Đêm ngủ lại hang, tiếng yến kêu vang rền. Chừng 5 phút lại yên ắng, đó là khoảng thời gian yến tiết ra nước bọt xây tổ. Nhiều con khạc ra máu và chết thì tổ yến ấy gọi là yến huyết. Trung bình cứ 1 triệu tổ yến thì có độ 100 yến huyết".

Cách đây 60 năm, yến trên đảo nhiều vô kể. Các doanh nghiệp đấu thầu khai thác thường xuyên ra vào đảo, cứ đều đặn 2 tháng sẽ thu hoạch yến một lần. Ông Đặng Xuân Anh, Đội trưởng Đội khai thác yến Cù Lao Chàm, cho biết: "Mỗi năm, đơn vị thu hoạch khoảng 1.000 kg yến và doanh thu từ yến mang lại từ 60-70 tỉ đồng".

Bạc triệu chưa chắc mua được… cua đá!

Đó là thực tế đã và đang diễn ra ở đảo Cù Lao Chàm gần 4 năm qua. Câu chuyện bắt đầu từ việc thực hiện đề án "Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá" do Hội Nông dân xã Tân Hiệp phối hợp với UBND TP Hội An triển khai.

Cua đá không bị khai thác một cách ồ ạt, kéo dài từ ngày này qua tháng nọ và bày bán phục vụ du lịch xuyên suốt 4 mùa, đó là hai trong số những kết quả thu được từ đề án do TS Chu Mạnh Trinh (cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) gánh vác vai trò chủ nhiệm.

Hai loài đệ nhất ở Cù Lao Chàm - Ảnh 2.

Cua đá được kiểm định, dán nhãn sinh thái trước khi bán ra thị trường Ảnh: HÀ MY

14 năm gắn bó với đảo Cù Lao Chàm, trong đó 10 năm TS Trinh đổ mồ hôi sôi nước mắt nghiên cứu về loài cua đá tím có tên khoa học Gecarcoidea lalandii. Hơn ai hết, ông biết rõ cộng đồng cư dân xã đảo cần làm gì để bảo tồn loài vật "đệ nhất" về giá trị kinh tế và hàm lượng dinh dưỡng này trước nguy cơ bị khai thác tận diệt. "Giai đoạn 2010-2013, địa phương tiếp nhận sự hỗ trợ từ nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phục vụ cho việc triển khai đề án. Từ đó, một loạt quy định bắt buộc đã được đưa ra như: điều chỉnh thời gian khai thác, chỉ bắt cua đá trưởng thành, chiều ngang mai cua không được nhỏ hơn 7 cm… Tất nhiên, việc này không phải để ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng bởi ở một số đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ… vẫn có cua đá tím, song chúng tôi nhận thấy đây là một trong số những loài đem lại lợi ích kinh tế cao cho bà con ở đảo nên ra sức bảo tồn" - TS Trinh chia sẻ.

Cua đá chỉ được phép khai thác từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7. Khoảng thời gian còn lại là chu kỳ cua đá sinh sản và tuyệt đối bị cấm săn bắt, mua bán. Vậy nên, du khách hay thậm chí người dân trên đảo, nếu có nhiều tiền đến mấy thì cũng không mua được cua đá để ăn vào thời điểm chúng bị nghiêm cấm khai thác. "Qua nhiều năm theo dõi, thời điểm đầu tháng 4, cua đá sẽ xuống giàn, tức là chúng thường kiếm ăn dưới chân núi. Con cua có chiều ngang lớn nhất đến bây giờ chúng tôi ghi lại được là 11 cm, trong khi một số người dân ở đảo cho rằng họ đã từng bắt được cua đá có mai ngang dài 14 cm" - TS Trinh nói.

Khi tham quan khu chợ hải sản Tân Hiệp, chúng tôi có cơ hội tận mục sở thị loài cua đá "bạc triệu" ở đảo Cù Lao Chàm. Điều lạ là mỗi con cua đá sẽ được dán trên lưng nhãn mác trước khi bán cho du khách. Hỏi ra mới hay đó là một trong những yêu cầu bắt buộc được thực hiện từ ngày Tổ Khai thác và Bảo vệ cua đá ra đời. Từ năm 2013, cua đá chính thức được dán nhãn sinh thái. Những con cua đủ tiêu chuẩn theo quy định thì mới cho phép bán ra thị trường, còn không sẽ được trả về núi. Vừa qua, chính quyền địa phương lập thêm một đề án. Theo đó, các thành viên trong tổ khai thác sẽ không được phép săn bắt cua đá ở Hòn Dài đến thời điểm tháng 9-2019 nhằm tạo điều kiện sinh sôi, phát triển cho cua đá.

Từ ngày đi vào khai thác theo quy chuẩn, dù sản lượng khai thác cua đá giảm rõ rệt nhưng giá lại tăng lên đáng kể. Ngày trước giá bán từ 200.000-300.000 đồng/kg, bây giờ đã lên đến 1 triệu đồng/kg. Vào mùa, khai thác được tầm 1.000-1.200 con/tháng. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo