Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nhìn nhận thương hiệu TP Cảng đã trở nên nổi tiếng, cho thấy mỗi bước đường phát triển của TP, dù trong thời kỳ chiến tranh ác liệt hay khi hòa bình lập lại, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, không thể tách rời cảng biển.
Cảng biển lớn nhất phía Bắc
Trước năm 1945, cảng Hải Phòng có quy mô nhỏ bé với năng lực hàng hóa chỉ hơn 50 tấn/năm. 75 năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khu vực Hải Phòng đã có gần 40 cảng biển và cảng Hải Phòng đã trở thành thương cảng lớn thứ 2 cả nước, lớn nhất phía Bắc. Các cảng biển không chỉ phát triển nhanh và mạnh về số lượng mà còn cả về quy mô, công nghệ, trình độ năng lực bốc xếp hàng hóa cùng với các dịch vụ đi kèm.
Theo UBND TP Hải Phòng, năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng ước đạt 129,2 triệu tấn (tăng 18,51%). Sự tăng trưởng này tác động đến các ngành như công nghiệp, dịch vụ hậu cần sau cảng... cùng phát triển.
Đặc biệt, Nghị quyết (NQ) số 32 ngày 5-8-2003 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển TP Hải Phòng thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước" thổi luồng gió mới trong xây dựng cảng biển. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được khởi công trong quý II/2013 và tháng 5-2018 chính thức đưa vào hoạt động 2 bến khởi động. Từ một cảng biển truyền thống, có năng lực tiếp nhận tàu trọng tải chỉ 40.000 tấn, cảng biển Hải Phòng đủ năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải từ 100.000-150.000 tấn, đưa cảng biển Hải Phòng trở thành cảng biển tầm cỡ trong khu vực và thế giới.
Cảng biển khu vực Hải Phòng có năng lực lên tới gần 130 triệu tấn hàng hóa thông qua năm 2019 Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, khẳng định: "Đây thực sự là dấu mốc trong lịch sử phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời là dấu mốc quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển TP Hải Phòng".
Từ đó đến nay, cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) liên tục đón những con tàu lớn vào làm hàng, đặt những dấu mốc quan trọng trong phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển xuyên đại dương trực tiếp từ cảng HICT, khu vực miền Bắc đến các cảng biển ở châu Mỹ và châu Âu mà không cần thông qua cảng trung chuyển nước ngoài.
Đại diện HITC cho biết việc triển khai tuyến mới này làm thay đổi hoàn toàn bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở miền Bắc, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài... Không những thế, HITC của Hải Phòng còn nằm trong danh sách 20 bến cảng biển đón được tàu lớn của các châu lục.
Kết nối với quốc tế
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết Bộ Chính trị vừa có NQ số 45 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2045, Hải Phòng sẽ phát triển với 3 trụ cột chiến lược là cảng biển, công nghiệp và du lịch thương mại. Trong đó, cảng biển được đưa lên hàng đầu.
Hải Phòng định hướng trở thành TP công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững; là TP hàng hải toàn cầu, đô thị cửa ngõ của vùng Bắc Bộ, trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước. Từ định hướng đó, TP Hải Phòng sẽ phát triển hệ thống cảng biển và hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng; hình thành lối sống văn hóa đô thị cảng văn minh, hiện đại, thu hút nhân tài tới Hải Phòng nghiên cứu khoa học và đào tạo các ngành nghề gắn với hàng hải, kinh tế biển, hải dương học...
TP Hải Phòng sẽ quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.
Cụ thể, TP Hải Phòng sẽ mở rộng quy hoạch khu bến Lạch Huyện về phía Tây, tăng diện tích từ 600 ha với chiều dài cảng 10 km theo quy hoạch kỳ trước lên thành 2.000 ha với chiều dài cảng 55 km, công suất dự báo khoảng 100 triệu teu (tương đương 1.320 triệu tấn), bảo đảm công suất 600 triệu tấn/năm theo NQ số 45 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Đồng thời, kế thừa vị trí và đề nghị chuyển đổi chức năng cảng Nam Đồ Sơn thành cảng dân dụng (có thể chuyển đổi sang cảng quân sự khi cần) và mở rộng ra phía Đông hỗ trợ cảng Lạch Huyện; bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp; cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc (huyện Tiên Lãng); kế thừa khu bến Đình Vũ, bổ sung các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu, tiếp nhận tàu trọng tải tới 20.000 tấn...
Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho rằng tương lai của cảng biển Hải Phòng rất rộng mở kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của TP Hải Phòng. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khẳng định rõ ràng, chắc chắn nhất vị thế cảng biển Hải Phòng, vị thế của TP Hải Phòng, là bệ đỡ để Hải Phòng phát triển đột phá, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà NQ số 45 của Bộ Chính trị đề ra.
Bình luận (0)