Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ đề xuất sửa đổi lại Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008. Qua 10 năm thực hiện, luật này bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Khắc phục bất cập quản lý
Luật GTĐB năm 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009) chia ra 5 loại hình vận tải, gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và xe du lịch.
Việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ được cho là cần thiết trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận chuyển, hạ tầng giao thôngẢnh: HOÀNG TRIỀU
Trong hồ sơ trình Chính phủ đề xuất sửa luật, Bộ GTVT cho rằng việc phân định rõ các loại hình kinh doanh vận tải bằng ôtô cũng như các điều kiện cần thiết để kinh doanh vận tải trong luật không còn phù hợp với thực tiễn. Thậm chí, các quy định về quy mô, người điều hành vận tải, phương án kinh doanh, bộ phận quản lý, các điều kiện về an toàn giao thông... tạo ra những rào cản đối với doanh nghiệp.
"Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, một số phương thức điều hành, kinh doanh vận tải mới đã xuất hiện, gây nhiều tranh cãi trong việc xác định loại hình, chủ thể kinh doanh như: Grab Taxi, Easy Taxi, Live Taxi" - Bộ GTVT đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng có nhiều vấn đề nóng trong hoạt động vận tải hiện nay, trong đó định nghĩa vận tải khách theo hợp đồng, taxi, xe buýt, không còn phù hợp trong Luật GTĐB 2008. Các định nghĩa này có sự giao thoa, mâu thuẫn giữa các loại hình như xe hợp đồng với xe tuyến cố định, xe hợp đồng với taxi. Ông Quyền nhấn mạnh: "Các mâu thuẫn trong kinh doanh vận tải có nguyên nhân do khoa học công nghệ phát triển, công nghệ kết nối giữa người có nhu cầu và người cung cấp vận tải rất thuận tiện, trong khi việc quy định cứng các loại hình kinh doanh vận tải sẽ làm cho quản lý khó khăn hơn khi thực tiễn phát sinh loại hình mới". Trên cơ sở đó, ông Quyền nói rằng cái gốc của vấn đề là phải sửa Luật GTĐB bằng việc phân cấp trong quản lý để tránh bị lợi dụng và tạo môi trường kinh doanh công bằng.
Còn theo GS-TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường ĐH GTVT Hà Nội, chính việc chia nhỏ loại hình vận tải khách khiến công tác quản lý thêm khó khăn. Luật đưa ra các quy định điều kiện kinh doanh cho từng loại hình, nên đã nảy sinh nhiều bất cập không quản lý nổi, làm nảy sinh tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình. "Nhiều nước không phân biệt rạch ròi các loại hình vận tải như Việt Nam mà chỉ có taxi và xe buýt" - ông Sùa dẫn chứng thêm.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Để quản lý ngành nghề kinh doanh vận tải một cách linh hoạt, nâng cao chất lượng, loại hình dịch vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, trong đề xuất sửa đổi Luật GTĐB 2008, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ 2 phương án.
Theo đó, phương án 1: Giữ nguyên các quy định về loại hình kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ (quy mô, số lượng phương tiện, người điều hành hoạt động vận tải, thiết bị giám sát hành trình...) như luật hiện hành. Phương án 2: Quy định kinh doanh vận tải đường bộ là loại hình có điều kiện, giao thẩm quyền Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ.
Bộ GTVT cho rằng phương án 1 thiếu cơ chế quản lý hoạt động vận tải linh hoạt, không khuyến khích được ứng dụng công nghệ. Nhiều loại hình kinh doanh vận tải chồng chéo, khó phân định hình thức và điều kiện kinh doanh. Người dân sẽ chịu nhiều rủi ro về an toàn tính mạng khi sử dụng các loại hình vận tải mới chưa được nhà nước thừa nhận.
Còn phương án 2 bảo đảm cho hoạt động vận tải linh hoạt hơn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh đối với các loại hình kinh doanh vận tải mới. Chính phủ có thể ban hành các chính sách mới để kiểm soát các hình thức kinh doanh vận tải mới phù hợp với thực tiễn phát sinh mà không cần phải chờ sửa luật như hiện nay.
Theo Bộ GTVT, phương án 2 sẽ cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, cũng như tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng giữa các loại hình vận tải, doanh nghiệp vận tải. Không những vậy, người dân được thụ hưởng những dịch vụ vận tải chất lượng, phù hợp với nhu cầu của cá nhân.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phương án 2. Về thẩm quyền ban hành chính sách, Bộ GTVT đề xuất Quốc hội ban hành quy định kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính phủ quy định chi tiết loại hình, các điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn quản lý.
Điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết tại thời điểm xây dựng Luật GTĐB 2008, Việt Nam chưa có đường cao tốc. Đến năm 2018, mạng lưới đường bộ Việt Nam đã có sự chuyển mình rõ rệt, với 154 tuyến quốc lộ dài 24.598 km, hệ thống đường địa phương dài 643.183 km và đặc biệt là 15 tuyến cao tốc dài 909 km. Năm 2008, cả nước có 22,8 triệu xe, trong đó 1,1 triệu ôtô, 21,7 triệu xe máy thì đến tháng 4-2019 đã tăng đến 4,1 triệu ôtô và 60,1 triệu xe máy. Bên cạnh đó, phương tiện kinh doanh vận tải cũng tăng gần 7 lần với 121.897 xe năm 2013 và đến hết tháng 3-2019 con số này là 702.370 xe.
Cũng theo ông Huyện, mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 4.000 km đường cao tốc, cùng với đó là sự gia tăng của phương tiện, sự xuất hiện của giao thông thông minh sẽ làm bức tranh giao thông cả nước thay đổi rõ rệt. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật GTĐB 2008, trên cơ sở bổ sung các quy định liên quan nhằm xác lập khung pháp lý mới, điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp thực tế.
Dự kiến, hồ sơ sửa đổi Luật GTĐB 2008 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào quý II/2021 và thông qua vào quý IV/2021.
Bình luận (0)