Tính đến khoảng cuối tháng 9, Chính phủ chưa ban hành nghị quyết chấp thuận cho phép TP HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. Trong khi đó, hàng loạt dự án hiện đang ngổn ngang bởi không có mặt bằng.
Ngổn ngang, tăng chi phí
Vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm hàng loạt dự án tại TP HCM chậm tiến độ. Trong khi càng kéo dài, chi phí càng tăng lên. Đơn cử như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong do nhiều đoạn mặt bằng không có. Trong đó, khó khăn lớn nhất là đoạn qua tỉnh Bình Dương, khi khối lượng GPMB còn rất lớn. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cho biết chi phí bồi thường giải tỏa dự án mở rộng xa lộ Hà Nội qua địa bàn tỉnh Bình Dương, hiện tăng lên 2.780 tỉ đồng, gần gấp đôi so với quyết định năm 2016 của UBND TP về điều chỉnh bổ sung cho công tác đền bù, GPMB trên địa bàn tỉnh này với số tiền 1.410 tỉ đồng.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội qua địa bàn TP HCM cơ bản thông suốt, giảm tải đáng kể áp lực giao thông. Tuy nhiên, nhiều đoạn còn vướng mặt bằng, đặc biệt là đoạn qua tỉnh Bình Dương
Tương tự, với 4 tuyến đường vành đai được quy hoạch tại TP, hiện chỉ đường vành đai 2 gần khép kín nhưng những đoạn chưa khép kín cũng đặc biệt khó khăn do GPMB. Trong nhiều đoạn của tuyến vành đai 2, dự án từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) có chiều dài chỉ 2,75 km nhưng việc thi công bị đứt đoạn do mặt bằng chưa liên thông. Nhiều khu vực máy móc đã có sẵn nhưng vẫn đang phải "nằm chờ".
Một trong những dự án trọng điểm khác là tại ngã tư An Sương (giáp quận 12 và huyện Hóc Môn, TP HCM), theo kế hoạch sẽ hoàn thành toàn bộ 2 nhánh hầm nối giữa đường Trường Chinh và Quốc lộ 22 từ năm 2018. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đưa vào khai thác nhánh N1 (hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22), còn hướng ngược lại chưa hoàn thành bởi chậm trong GPMB. Nút giao An Sương có áp lực giao thông lớn và điểm đen tai nạn tại TP nhiều năm. Đây là điểm kết nối nhiều trục đường lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 và đường Trường Chinh, chưa kể còn có Bến xe An Sương, dẫn đến nên tình hình giao thông luôn căng thẳng. Vì vậy, việc dự án chậm tiến độ khiến tai nạn vẫn rình rập, kẹt xe vẫn ngổn ngang tại khu vực này.
Đáng chú ý, một dự án quy mô lớn khác là Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), cũng có nguy cơ trễ hẹn do không được bàn giao mặt bằng. Theo cam kết của chủ đầu tư, dự án "về đích" đầu năm 2020 với điều kiện các quận, huyện bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6, song dù đã qua gần 4 tháng mà nhiều đoạn mặt bằng vẫn chưa liên thông. Tính đến tháng 9, dự án hoàn thiện 77% khối lượng, giá trị giải ngân chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 71,74 tỉ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cho biết việc giải phóng mặt bằng đã hoàn tất tại địa bàn quận 4, quận 7, quận 8. Hiện, dự án còn vướng mắc trong khâu GPMB tại huyện Nhà Bè và Bình Chánh.
Mong sớm được rút ngắn quy trình
Vướng mắc lớn nhất trong công tác GPMB hiện nay, theo đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, là tập trung chính ở các công tác thẩm định giá bồi thường T1, T2. Theo quy định hiện hành, trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,
TP HCM phải xác định giá 2 lần. Cụ thể là giá đất duyệt lần đầu (giá T1) để lấy ý kiến của người dân. Sau đó, khi tổng hợp các ý kiến, UBND TP tiếp tục duyệt giá lần 2 (giá T2). Quy trình này thực tế tốn nhiều thời gian thực hiện, có nhiều phát sinh, chưa kể mỗi dự án lại có một mức giá khác nhau, dẫn đến kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng và ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Trong khi đó, hồi tháng 4, tại buổi làm việc với UBND TP HCM cùng nhiều bộ - ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ có kết luận chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND TP HCM cùng các bộ - ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các vấn đề trên. Trên cơ sở này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó có các tờ trình Chính phủ về cho phép áp dụng thí điểm. Nhưng đến nay, nghị quyết vẫn chưa được ban hành.
Theo cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường hỗ trợ mà TP HCM đề xuất, nhiều vấn đề chưa có trong quy định và không thuộc thẩm quyền của TP. Cụ thể như cho TP chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hằng năm, làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Kế đến là cho TP được ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện công khai, minh bạch... Mục tiêu của cơ chế, quy trình đặc thù như trên nhằm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng, từ đó xác định rõ các công đoạn của quy trình, cơ quan chịu trách nhiệm, thời gian hoàn thành trong từng công đoạn.
Đề xuất thêm quyền cho quận, huyện
UBND TP HCM cũng kiến nghị cho phép thực hiện cơ chế UBND TP ủy quyền cho UBND quận, huyện phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất với các dự án nhóm C (quy mô nhỏ). Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, GPMB và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Đồng thời, UBND TP sẽ kiến nghị các bộ - ngành liên quan cho phép áp dụng hệ số bình quân của khu vực hoặc mức tỉ lệ phần trăm so với đơn giá đất ở, đối với dự án có vị trí, khu vực không đủ thông tin thị trường. Kiến nghị cho phép UBND quận, huyện cân đối mặt bằng giá bồi thường để đề xuất đối với dự án có vị trí, khu vực lân cận hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự với dự án đã được duyệt, giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện GPMB.
Bình luận (0)