Cầu Tư Hiền nằm trên Quốc lộ 49B bắc qua cửa biển Tư Hiền, nối xã Vinh Hiền với xã Lộc Bình, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được đầu tư đưa vào sử dụng năm 2007. Mặc dù theo quy định thì hành lang cầu, đường bộ được bảo vệ nhưng từ lâu nơi đây đã trở thành xưởng đóng tàu.
Xưởng đóng tàu dưới gầm cầu
Sau nhiều tháng thi công, 4 con tàu gỗ có dáng dấp thuyền rồng cung đình Huế của Công ty TNHH Khắc Hùng (trụ sở xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) đã được hạ thủy, neo đậu ở cửa biển Tư Hiền đoạn dưới chân cầu Tư Hiền. Đứng trên cầu phóng tầm mắt xuống mặt nước, cửa Tư Hiền hiện ra với cảnh nhếch nhác do hoạt động đóng tàu của công ty này khiến nhiều người bức xúc.
Khu vực này đã biến thành nhà xưởng ngổn ngang gỗ, dăm bào, rác thải trông khá bẩn thỉu. Càng đi vào đoạn sát mép nước thì sự ô nhiễm càng tăng khi Công ty TNHH Khắc Hùng dựng lán trại cho công nhân ăn, ở. Rác thải từ hoạt động đóng tàu rất dễ trôi ra phá Tam Giang - Cầu Hai làm ô nhiễm môi trường. "Bây giờ đỡ hơn rất nhiều rồi. Thời điểm các con tàu này đang đóng thì ô nhiễm nặng, tiếng ồn từ cưa xẻ gỗ và không gian gầm cầu bị các con tàu chiếm trọn" - một người dân thôn Hiền An cho biết.
Dọc ven phá Tam Giang, ngoài Công ty TNHH Khắc Hùng còn có nhiều cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá tồn tại lâu nay nhưng hoạt động có dấu hiệu ô nhiễm. Trong khi đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 210 km2, trải dài 68 km dọc bờ biển gồm 33 xã, phường, thị trấn và là nơi có nguồn lợi thủy sản lớn, tạo sinh kế cho nhiều người dân.
Cơ sở đóng tàu Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận nằm ngay đập Hòa Duân, phường Thuận An, TP Huế trông khá chật chội, có thể thấy rác và các chất thải từ hoạt động đóng, sửa chữa tàu ở đây. Để tăng diện tích, cơ sở này "mượn" thêm phần đất hành lang Quốc lộ 49B đoạn trước cơ sở đóng tàu làm bãi tập kết gỗ, trông khá nhếch nhác.
Ngoài ra, tại phường Thuận An hiện còn có cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Văn Phong (giấy phép hết hạn từ tháng 9-2019) và cơ sở sửa chữa tàu cá của một người dân tên Thành vẫn hoạt động khá rầm rộ, ngay sát mép phá Tam Giang.
Mù mờ quản lý
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định hiện toàn tỉnh chỉ còn cơ sở đóng tàu cá của Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận được sở cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá loại II (có chiều dài lớn nhất dưới 24 m), cơ sở đóng tàu của Công ty TNHH Khắc Hùng và ông Nguyễn Văn Phong đã hết giấy phép sau ngày 1-10-2019.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định đơn vị này là cơ quan quản lý hành chính và kỹ thuật chuyên ngành đối với các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá; không phải là cơ quan chủ quản cấp trên của các cơ sở nói trên. Sở chỉ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá đã cấp cho các cơ sở khi họ vi phạm các điều kiện theo quy định của Luật Thủy sản.
Gầm cầu Tư Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trở thành cơ sở cưa xẻ, lán trại đóng tàu của Công ty TNHH Khắc Hùng
"Cơ sở đóng tàu cá của Công ty TNHH Khắc Hùng đang đóng tàu du lịch thì chịu sự quản lý hành chính của Sở Giao thông Vận tải" - đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời. Đồng thời, sở khẳng định đơn vị này chỉ quản lý các cơ sở hoạt động trong phạm vi chức năng được giao, không xử lý các vấn đề đất đai, môi trường, giao thông... thuộc thẩm quyền của cơ quan khác.
Liên quan đến hành vi lấn chiếm hành lang đường bộ cầu Tư Hiền của cơ sở đóng tàu thuộc Công ty TNHH Khắc Hùng, vào tháng 4-2021, đơn vị quản lý Quốc lộ 49B là Công ty CP Đường bộ Thừa Thiên - Huế phối hợp UBND xã Vinh Hiền lập biên bản vi phạm, yêu cầu tháo dỡ (từ hồi tháng 4). Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) này vẫn phớt lờ, không chịu hoàn trả hiện trạng theo yêu cầu mà vẫn không bị xử lý.
Ông Nguyễn Tam, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, nói rằng xã đã lập biên bản gửi huyện, yêu cầu Công ty TNHH Khắc Hùng chấm dứt sản xuất dưới gầm cầu, song việc xử lý này khá muộn màng vì hiện DN này đã cơ bản đóng xong và cho tàu hạ thủy.
Còn ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An, khẳng định 3 cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá ở địa phương đều có giấy phép của Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp. "Các tàu cá vẫn lên bờ sửa chữa, ai có nhu cầu đóng mới thì họ vẫn làm. Họ đóng phí vệ sinh môi trường, sở cấp giấy phép nên anh liên hệ với họ" - ông Hưng khẳng định.
Không đáp ứng điều kiện theo quy định
Theo tìm hiểu của phóng viên, 4 chiếc tàu du lịch do Công ty TNHH Khắc Hùng đóng có sức chứa hơn 20 người/chiếc, rất hiện đại và dự kiến hoạt động trên sông Hương nhưng hạ tầng làm cơ sở đóng tàu của DN này lại là khu vực lấn chiếm trái phép hành lang an toàn cầu, đường bộ.
Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh An Doanh (TP Huế), khẳng định Nghị định 128/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, quy định rõ điều kiện kinh doanh của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa. Cụ thể, DN phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ và năng lực thi công phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện thủy nội địa được sản xuất - kinh doanh dịch vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành; có nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh tùy theo quy mô cơ sở.
Bình luận (0)