Ngày 17-2, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, cho biết mưa lớn đã khiến gần 1.500 ha lúa vụ Đông Xuân bị ngập úng, tập trung ở các xã vùng trũng của huyện Hải Lăng và Triệu Phong.
Hàng ngàn hecta lúa bị ngập úng, nông dân huy động máy móc tiêu úng, cứu lúa
Hàng ngàn hecta lúa vụ Đông Xuân ở tỉnh Quảng Trị đang bị ngập úng, hư hại
Ghi nhận tại huyện Hải Lăng, đến sáng 17-2, vẫn còn hơn 1.300 ha lúa bị ngập úng từ 0,3 - 0,5 m, thuộc các xã Hải Dương, Hải Phong, Hải Định, Hải Trường, thị trấn Diên Sanh... Hiện nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện này đang vận hành 100% công suất các trạm bơm điện và huy động trên 50 máy bơm dầu để phục vụ tiêu úng, cứu đồng. Tuy nhiên, do mực nước trên các sông đang cao nên công tác tiêu úng gặp khó khăn.
Hàng chục máy bơm nước được huy động để tiêu úng, cứu lúa
Ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Hải Phong, cho biết vụ Đông Xuân này trên địa bàn xã gieo cấy hơn 1.100 ha lúa. Đến trưa 17-2, vẫn còn gần 250 ha lúa bị ngập úng. Để cứu lúa, các hợp tác xã trên địa bàn đã huy động trên 50 máy bơm để tiêu úng. Các máy bơm đang hoạt động 24/24 giờ để làm sao đưa nước ra khỏi đồng trong thời gian ngắn nhất.
Ông Nguyễn Văn Phú (ngụ thôn A Thơ, xã Hải Phong) xót xa khi thấy lúa bị ngập úng, hư hại
Ông Nguyễn Văn Phú (69 tuổi, ngụ thôn An Thơ, xã Hải Phong), cho biết trong vụ Đông Xuân này, gia đình ông gieo cây 1 ha lúa. Tuy nhiên, do mưa lớn những ngày qua khiến hơn 70% diện tích lúa của gia đình bị ngập úng từ 0,5 - 0,8m. "Dù Hợp tác xã An Thơ đã huy động hàng chục máy bơm tiêu úng, nhưng phải 2-3 ngày nữa việc tiêu úng mới hoàn thành nếu trời không mưa." - ông Phú thông tin.
Các trạm bơm thủy lợi, máy bơm nước ở huyện Hải Lăng đang hoạt động hết công suất để tiêu úng đồng ruộng
Theo ông Văn Ngọc Tiến Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, diện tích lúa bị ngập úng đang trong thời kỳ ra nhánh nên sẽ bị ảnh hưởng, hư hại lớn nếu chậm tiêu úng. Để giảm thiệt hại cho nông dân, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra tình hình ngập úng trên đồng ruộng, huy động tối đa phương tiện, máy bơm để tiêu úng.
"Chúng tôi cũng đã chủ động phương án hộ đê, gia cố các đoạn đê xung yếu, nâng cao trình các đoạn đê bị tràn. Đồng thời, khoanh vùng, gia cố bờ vùng, bờ thửa để việc tiêu úng phù hợp" - ông Đức nói.
Bình luận (0)