Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm ngày 7-2 (tức 17 tháng Giêng năm Quý Mão), hàng ngàn người đã đội mưa đổ về xem hội chọi trâu tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây cũng là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất tại Việt Nam. Sau 3 năm tạm hoãn, ban tổ chức đã mở cửa miễn phí để đón du khách tới tham dự.
Được biết, hội chọi trâu diễn ra trong các ngày 16, 17 tháng Giêng năm Quý Mão tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc được tổ chức trở lại sau 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Người dân mặc áo mưa, che ô theo dõi những màn rượt đuổi gay cấn của các "đấu sĩ trâu" ngày 7-2.
Theo người dân Hải Lựu, trâu tham gia lễ hội sẽ được gọi là “ông cầu”. Theo quan niệm, “cầu ở đây là cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cầu cho quốc thái dân an”.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2023 chỉ có 20 “ông cầu” thay cho 32 “ông cầu” như các năm trước đây.
Theo đó, các “ông cầu” đến từ các thôn, làng trong xã tham gia hội (đúng phong tục ngày xưa).
Tiêu chuẩn của trâu chọi được quy định: Trâu không kể tuổi nhưng phải là trâu cà, lông đen tuyền, không trắng lưỡi, sừng hướng tiền, mắt nhô nom tựa ốc loa, móng kép, chân to, có vòng ngực 2,05 m trở lên, ngoại hình đẹp, đuôi dài chấm khoeo.
Các cặp trâu thi đấu rất nảy lửa, gay cấn.
Những màn đánh hiểm của các "ông cầu" dưới sự cổ vũ, hò reo nhiệt tình của người xem.
Kết thúc lễ hội, các "ông Cầu" đều được giết thịt để bán cho du khách thập phương và người dân làng liên hoan tập thể, ăn để lấy may trong một năm. Ai cũng mong được thưởng thức món thịt trâu và mong một năm mới có sức khoẻ.
Lễ hội cũng xây dựng khu giết mổ, khu bán thịt trâu riêng biệt, có vách che chắn kín đáo và niêm yết giá công khai.
Tính đến năm 2023, lễ hội đã được khôi phục 21 năm, ngày càng được quảng bá rộng rãi và nhiều người biết đến. Ban tổ chức ước tính trong những ngày diễn ra lễ hội đã có hơn 2 vạn du khách từ khắp các địa phương trong cả nước đến tham dự.
Bình luận (0)