Đó là cầu Hà Tân nối thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh) với 5 thôn còn lại của xã là Trà Nam, Hà Thuận, Đông Bình, Hà Mỹ và Trà Đông. Đây cũng là cây cầu độc đạo để 5 thôn của xã Duy Vinh và xã Cẩm Kim (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) thông thương với thế giới bên ngoài.
Video: Cầu Hà Tân có thể sập bất cứ lúc nào
Theo người dân địa phương, cây cầu Hà Tân đã được xây dựng cách đây vài chục năm. 5 năm trước, nhịp cầu thứ 3 trong 18 nhịp cầu bị sụt lún nhưng người dân vẫn lưu thông qua lại bình thường.
Cách đây vài ngày, nhịp cầu thứ 7 bắt đầu có dấu hiệu sụt lún và đến khoảng 17 giờ chiều qua (23-10) thì tiếp tục sụt lún sâu xuống khoảng nửa mét, tạo thành một đường cong giữa cầu sau khi một chiếc xe múc đi qua. "Cái trụ chống phía dưới đã bị lún xuống khiến 2 nhịp cầu bị tách ra chỉ còn khoảng 10 phân. Giờ chỉ cần có xe tải nặng lưu thông qua là sẽ bị sập ngay lập tức" – một người dân cho hay.
Cầu Hà Tân
Theo quan sát của phóng viên, ngoài 2 nhịp cầu bị sụt lún, phần taluy sát mố của cây cầu cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Dù cây cầu có thể sập bất cứ lúc nào nhưng sáng 24-10, rất nhiều ô tô, xe tải loại nhỏ và nhiều phương tiện của người dân, học sinh vẫn lưu thông qua lại.
"Đây là cây cầu duy nhất để người dân các thôn ở xã Duy Vinh thông thương với phần còn lại của huyện Duy Xuyên. Dù biết rất nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác nên người dân vẫn phải liều mình đi qua" – ông Nguyễn Tấn Tam (SN 1970; ngụ thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh) cho hay.
Ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết cầu Hà Tân bắc qua sông Bàn Thạch được xây dựng năm 1994, dài 300 m, rộng 5 m. Mỗi ngày, có khoảng 8.000 người dân trong xã và xã Cẩm Kim lưu thông qua lại. Đó là chưa kể người dân ở các xã, huyện khác đi qua cầy cầu này để sang Hội An, Điện Bàn hoặc TP Đà Nẵng.
Cũng theo ông Sáu, toàn bộ hàng hóa, nhu yếu phẩm, xăng dầu của 5 thôn trong xã và xã Cẩm Kim đều lưu thông qua cây cầu này vì hiện tại từ TP Hội An sang xã Cẩm Kim chỉ có cầu tạm, xe lớn không thể lưu thông.
Video: Ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh trả lời báo chí
Ông Sáu cho hay cây cầu này đã xuống cấp khoảng 5 năm trước. Trước đây, xã lập barie chỉ cho xe có trọng tải dưới 3,5 tấn lưu thông. Vừa qua, địa phương cho mở barie để các xe tải chở vật liệu lưu thông phục vụ thi công đường dẫn về thôn Đông Bình, đây là một trong số các nguyên nhân khiến cầu bị sụt lún nặng như hiện tại.
Ông Sáu nói hiện tại người dân lưu thông qua lại hết sức nguy hiểm, địa phương không biết cầu bị sụp lúc nào, nhất là khi mùa mưa lũ đã đến. 5 năm nay, xã đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan chức năng, tại các cuộc tiếp xúc, cử tri cũng phản ánh rất nhiều nhưng chưa được quan tâm thấu đáo.
"Sau khi xảy ra sự việc, vào chiều qua tôi đã điện báo cho lãnh đạo huyện và xin chủ trương cho lập barie cấm xe có tải trọng lớn lưu thông. Chúng tôi cũng cử lực công an túc trực đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Cây cầu bị sụt lún ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong xã và cả xã Cẩm Kim. Trước mắt, xã đề xuất cấp kinh phí để sửa chữa, về lâu dài cần đầu tư xây dựng mới cây cầu để người dân được yên tâm qua lại" – ông Sáu nói.
Ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho hay đã cử lực lượng xuống kiểm tra vào sáng 24-10. Ông Dũng cho hay trước mắt sẽ báo cáo UBND tỉnh xin kinh phí tu sửa, về lâu dài sẽ đề xuất sớm xây dựng cầu vì nguồn vốn quá lớn, cần các cơ quan cấp tỉnh, trung ương chứ huyện không có khả năng.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại:
Cầu Hà Tân dài 300 m
Mỗi ngày có hàng ngàn học sinh, người dân qua lại trên cây cầu này
Cầu có 18 nhịp, 2 nhịp bị sụt lún nghiêm trọng
Nhịp cầu thứ 7 vừa bị sụt lún khoảng nửa mét, tạo thành đường cong giữa cầu
Nhịp cầu thứ 3 và thứ 7 bị sụt lún so với các nhịp cầu khác
Cây cầu có thể sập bất cứ lúc nào
Cây cầu này đã được tu sửa nhiều lần
Mố cầu cũng bị bong tróc nghiêm trọng
Dù có barie nhưng các xe tải nhỏ vẫn liều mình qua cầu
Người dân phải trung chuyển hàng hóa bằng xe nhỏ
Bình luận (0)