Việc "treo" pháp lý hàng ngàn tuyến hẻm ấy thực tế cũng đã đẩy hàng vạn hộ gia đình vào không ít những khó khăn, trong đó đáng kể nhất là nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, làm sổ hồng đều khựng lại chờ quy hoạch lộ giới hẻm được phê duyệt.
Tìm địa chỉ nhà như "mò kim đáy bể"
Vừa qua, anh Nguyễn Hữu Huy (26 tuổi; ngụ phường 16, quận 8, TP HCM) đã phải mất gần 2 giờ để đi tìm nhà người quen ngay chính trên địa bàn quận mình sinh sống. Dù "quần thảo" nhiều lần khu vực nhà thờ Nam Hải, đường Phạm Hùng, quận 8 nhưng anh Huy vẫn không thể tìm ra con hẻm số 7 Phạm Hùng. Ngay cả khi hỏi người dân địa phương thì anh Huy vẫn nhận được cái lắc đầu. "Việc đánh số nhà ở đây không thống nhất và phát sinh nhiều con hẻm rất rối rắm. Ví dụ hẻm số 5A nhảy sang hẻm 5B..." - ông Hùng, một hộ dân ở khu vực nhà thờ Nam Hải nói, khi được anh Huy hỏi đường.
Theo ông Hùng, muốn biết nhà ai ở trong khu này thì chỉ có những người chạy xe ôm lâu năm khu vực Bến xe quận 8 mới rành. Riêng giới xe ôm công nghệ đi vào đây chỉ có thể "mò kim đáy bể", bởi hẻm không được quy hoạch rõ ràng. 15 năm trước, khu vực này rất ít nhà. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, người người xây nhà và tự đánh số để bên điện lực dễ lắp đồng hồ điện. Qua thời gian hình thành những số nhà không rõ ràng.
Gần đó, hàng ngàn hộ dân sống dọc Quốc lộ 50 (đoạn thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cũng khốn khổ không kém. Địa chỉ ở đây không giống ai, lúc hẻm A11 khi lại là hẻm B5, C2… và cả những con hẻm "siêu xuyệt". Ông Lê Kim Khang, chủ một chuỗi hàng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, kể ông mua mảnh đất nằm trong con hẻm gần chợ Phú Lạc, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Do hẻm vẫn còn "treo" nên ông không thể nào tách thửa từ chủ đất cũ như mong muốn. Địa chỉ nhà vẫn không thể đăng ký nên phải mượn tạm địa chỉ nhà hàng xóm và treo hẳn tấm bảng "Công ty nằm kế bên" để khách hàng đến nhận sản phẩm dễ dàng hơn!
Quốc lộ 50, đoạn qua xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM vẫn còn nhiều con hẻm chưa đưa vào quy hoạch. Ảnh: LÊ PHONG
Mỏi mòn chờ đợi
"Tôi có liên hệ để xin làm thủ tục thì nhận được thông báo chờ quy hoạch lộ giới hẻm. Nhưng chờ mãi nhiều năm vẫn chưa có gì thay đổi" - ông Khang nói và cho hay việc kinh doanh của mình gặp không ít rắc rối từ chuyện cái hẻm chưa được công nhận.
Giữa tháng 11-2018, bà Nguyễn Thị Gái (80 tuổi; ngụ ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) nhờ người cháu làm thủ tục hợp thức hóa nhà (làm sổ hồng), dù hồ sơ đầy đủ nhưng gần 8 tháng trôi qua, bà nhận được thông tin "hồ sơ chưa làm được do chờ quy hoạch lộ giới hẻm". Sốt ruột, bà Gái liên tục hối thúc người cháu thì nhận được câu trả lời, có quy hoạch lộ giới thì hồ sơ sẽ xong ngay. "Nhà cửa tôi cất mấy chục năm cứ ở vậy không cần làm sổ hồng nhưng nay tuổi tôi đã cao, đến lúc phải làm sổ hồng để ủy quyền cho các con, giờ phải chờ quy hoạch, không biết có chờ nổi không" - bà Gái lo âu.
Tương tự bà Gái, ông Nguyễn Văn Tư (ngụ ấp 7, xã Xuân Thới Thượng) có nguyện vọng chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây lâu năm sang đất ở để chia cho con trai sau khi lập gia đình nhưng hơn 5 tháng nay, hồ sơ của ông bị ách lại để chờ quy hoạch hẻm. "Đám cưới tới nơi mà đất đai chưa chuyển mục đích sử dụng xong, phen này cưới vợ cho nó chắc phải ở tạm nhà trọ rồi" - ông Tư buồn rầu nói.
Tương tự tại một số xã với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở bức bách như Bà Điểm, Đông Thạnh, Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn)…, nhiều hộ dân cũng bức xúc vì hồ sơ nhà đất bị khựng lại. Dẫn chúng tôi đến khu đất ông bà để lại, anh Sang (ấp 2, xã Đông Thạnh) dẫn chứng: Nếu tách thửa được thì anh em chúng tôi mỗi người một lô (diện tích 150 m2) mạnh ai nấy ra riêng nhưng nay vướng quy hoạch hẻm nên đại gia đình gồm 10 người vẫn phải ở chung.
Một con hẻm tại huyện Hóc Môn, TP HCM hình thành từ lâu đời nhưng đến nay chờ quy hoạch lộ giới nên nhiều hộ dân phải chờ thêm thời gian làm hồ sơ nhà đất. Ảnh: THU HỒNG
Sớm bảo đảm quyền lợi người dân
Một nguyên phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng (xin giấu tên) cho biết phần lớn diện tích khu vực xã Bình Hưng thuộc khu quy hoạch treo và nằm trong dự án của Ban Quản lý khu Nam Sài Gòn. Tuy nhiên, do công tác quản lý trật tự xây dựng không nghiêm và yếu tố "lịch sử" để lại khiến các con hẻm "rồng rắn" và rơi vào cảnh vô thừa nhận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho biết toàn xã còn 532 tuyến hẻm chờ được phê duyệt (trước đó có 30 hẻm đã phê duyệt lộ giới), nhiều hộ dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa nhà phải chờ thêm một thời gian, do đó một số trường hợp bức xúc đến xã khiếu nại. "Theo tôi, những con hẻm nào đã được phê duyệt thì nên công bố quy hoạch trước để bảo đảm quyền lợi cho người dân, vì chờ công bố quy hoạch từng đợt với hàng ngàn tuyến hẻm sẽ mất thời gian" - ông Tuấn Anh đề xuất.
Vì sao phải lập quy hoạch lộ giới hẻm từ tồn tại cả chục năm? Lý giải nguyên nhân, đại diện UBND huyện Hóc Môn cho biết hiện nay, trên địa bàn huyện có 36 đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 và 10 đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tỉ lệ 1/5.000 được phê duyệt, các tuyến đường được phê duyệt trong các đồ án này có lộ giới từ 13 m trở lên. Riêng các tuyến đường hiện hữu chưa có trong các đồ án quy hoạch xây dựng nêu trên cần phải được phê duyệt và quản lý lộ giới, làm cơ sở để quản lý và giải quyết hồ sơ nhà đất của người dân. Do đó, UBND huyện theo thẩm quyền phân cấp đang rà soát, đánh giá về thực trạng quản lý lộ giới các hẻm dưới 12 m trên toàn huyện để lập và phê duyệt danh mục, bản vẽ lộ giới các hẻm theo quy định.
Đến nay, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn lập xong dự thảo danh mục và bản vẽ lộ giới các hẻm trên 12 xã, thị trấn và đã niêm yết công khai lấy ý kiến người dân ở từng xã, đã tổng hợp, điều chỉnh dự thảo theo kết quả lấy ý kiến người dân. Dự kiến trong tháng 8 này, UBND huyện sẽ phê duyệt khoảng 2.500 tuyến hẻm đã bảo đảm pháp lý và sự đồng thuận của người dân. "Riêng các tuyến hẻm chưa phê duyệt trong đợt này (đặc biệt là các tuyến do người dân tự mở) sau khi xác minh bổ sung, làm rõ thêm các yếu tố pháp lý có liên quan, sẽ xem xét phê duyệt bổ sung trong các đợt tiếp theo nếu phù hợp quy định. Đối với các tuyến hẻm tự mở không phép nhằm mục đích phân lô, bán nền trái quy định pháp luật, UBND huyện sẽ không xem xét phê duyệt, đồng thời yêu cầu UBND 12 xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời" - ông Nguyễn Thành Trọng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn, thông tin.
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết vừa phê duyệt gần 700 đồ án phê duyệt tỉ lệ 1/2.000. Trong đó, đã cập nhật thêm nhiều con hẻm phát sinh và xác định được chức năng, tỉ lệ từng loại đất. Tuy nhiên, nhiều khu vực hiện nay muốn chi tiết hơn thì địa phương mỗi quận - huyện phải thực hiện các đồ án phê duyệt tỉ lệ 1/500. "Việc muốn quy hoạch một con hẻm cần xem xét nhiều yếu tố. Trong đó về giấy phép xây dựng hệ thống thoát nước, hạ tầng…" - đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP nói.
Mở hẻm để phân lô, bán nền sẽ không được công nhận
Sở Xây dựng TP HCM cho biết thẩm quyền để bổ sung pháp lý và cập nhật các tuyến hẻm mới phát sinh, hình thành thuộc cấp quận - huyện. Tuy nhiên, các con hẻm xây dựng với mục đích phân lô bán nền trái phép bằng cách làm hạ tầng thì sẽ không được công nhận.
Thực tế nhiều năm qua, chính quyền địa phương mong muốn chỉnh trang sắp xếp lại lộ giới, chỉ giới hẻm nhưng việc sắp xếp lại phải tốn thêm kinh phí giải tỏa và thời gian. Vì vậy, Sở Xây dựng đang phối hợp các đơn vị rà soát lại để sớm cập nhật bổ sung cũng như tính toán việc chống ngập, bảo đảm PCCC...
Bình luận (0)