Trong hai ngày 15 và 16-8 vừa qua, Cục Người có công thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với hai sở LĐ-TB-XH Quảng Bình và Thanh Hóa lấy mẫu sinh phẩm của 6 phần mộ vô danh tìm thấy tại hang Tám Cô (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vào năm 1996 để giám định ADN, xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ. Các phần mộ này đang chôn cất tại Nghĩa trang Thanh niên Xung phong (TNXP) Thọ Lộc (xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch).
"Con đi rồi sẽ về với mẹ"
Hang Tám Cô nằm trên đỉnh Trường Sơn. Đường 20 - Quyết Thắng nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn được mở ngang qua địa danh lịch sử này để chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam.
Bà Lê Thị Ngoạn với nỗi đau mất con - liệt sĩ Lê Thị Lương - suốt 45 năm qua Ảnh: HOÀNG PHÚC
Ngày 14-11-1972, 8 TNXP thuộc Đại đội 217, Đội TNXP 25, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 trong lúc làm nhiệm vụ mở đường tại Km16+200 trên tuyến Đường 20 - Quyết Thắng thì bất ngờ máy bay B52 của Mỹ lao tới oanh tạc. Những người này đã chạy vào một hang động gần đó để tránh bom thì bất ngờ bị một tảng đá nặng hàng ngàn tấn trúng bom rơi xuống bịt kín cửa hang. Tất cả đã hy sinh sau nhiều ngày không có lương thực và nước uống.
Địa danh lịch sử hang Tám Cô, nơi 8 TNXP hy sinh vào ngày14-11-1972 Ảnh: HOÀNG PHÚC
Cả 8 người hy sinh đều ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, gồm: Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Trần Thị Tơ (SN 1954, cùng ngụ xã Hoằng Trường); Nguyễn Mậu Kỹ (SN 1953, ngụ xã Hoằng Đạt); Hoàng Văn Vụ (SN 1953, ngụ xã Hoằng Hà); Lê Thị Mai (SN 1952), Lê Thị Lương (SN 1953, cùng ngụ xã Hoằng Thịnh) và Đỗ Thị Loan (SN 1952, ngụ xã Hoằng Ngọc).
Chúng tôi tìm về nhà của liệt sĩ Lê Thị Lương, gặp hình ảnh một cụ bà tóc bạc trắng đang ngồi trước thềm nhà, trên tay phe phẩy chiếc quạt nan hướng đôi mắt nhăn nheo ra phía ngõ như tìm kiếm ai đó. Đó là bà Lê Thị Ngoạn (SN 1929), mẹ liệt sĩ Lương.
Như chạm vào nỗi đau thầm kín, người mẹ già rơm rớm nước mắt khi nhắc về con gái của mình. "Hồi đó Lương mới 16 tuổi, cứ nằng nặc đòi đi làm TNXP. Thấy con trẻ dại lại thân gái ra chiến trường bom đạn ác liệt nên vợ chồng tôi không nỡ. Tưởng con nghe lời, ai ngờ nó lén gia đình, cùng với đứa bạn thân rủ nhau đi. Khi tôi đi tìm thì mới hay tin tụi nó đã ra tàu tập kết để vào chiến trường. Tôi chạy theo tàu gặp con thì nó nói "mẹ cứ yên tâm, con đi rồi sẽ về với mẹ". Nhưng nó đi biền biệt từ đó không về" - bà Ngoạn nghẹn lời.
Theo lời kể của bà Ngoạn, Lương vào chiến trường một thời gian, gia đình vui mừng khi nhận được thư của con gái gửi về. "Trong thư nó nói nhớ nhà lắm và dặn vợ chồng tôi cùng người thân cứ yên tâm trong này nó vẫn khỏe, chiến tranh ác liệt nhưng anh em đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau. Ai cũng tốt và thương Lương vì nó nhỏ nhất đoàn. Lá thư cuối nó còn khoe, sắp tới sẽ chuyển sang đơn vị quốc phòng" - kể đến đây, giọng bà Ngoạn chùng xuống, nước mắt ràn rụa. Rồi bà nói đứt quãng: "Khi nhận được thư thì chúng tôi hay tin con đã hy sinh mấy ngày rồi".
Hy sinh vì Tổ quốc
Cẩn thận lau chùi lại tấm bằng Tổ quốc ghi công, bàn thờ anh trai, ông Nguyễn Mậu Mật (SN 1959, ngụ thôn Trù Ninh, xã Hoằng Đạt), em trai của liệt sĩ Nguyễn Mậu Kỹ, xúc động cho biết anh Kỹ là con thứ hai trong gia đình có 5 chị em, lúc ra chiến trường đã có vợ và con gái 5 tháng tuổi. Người con gái đó, giờ đây đã 46 tuổi, là bà Nguyễn Thị Thanh. Bà Thanh nói ngày đó còn quá nhỏ để cảm nhận về cha, chỉ mơ hồ mường tượng qua lời kể của chú và mẹ. Nhưng bà rất tự hào về sự hy sinh của ông. "Điều mà tôi thấy day dứt nhất là bố tôi không có một tấm hình nào để thờ, để cho tôi và con cháu có thể thấy rõ khuôn mặt của ông" - bà Thanh bày tỏ.
Trong số 8 TNXP hy sinh tại hang Tám Cô, có tới 3 người ở xã nghèo ven biển Hoằng Trường. Dù nhà nghèo, bố mất sớm, đang là trụ cột chính của gia đình nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Trần Thị Tơ quyết xin ra trận. "Ngày đi, chị dặn tôi ở nhà chăm sóc mẹ và em. Chị hứa sớm về nhưng đã ra đi mãi mãi. Ngày hay tin chị hy sinh, dù rất đau buồn nhưng mẹ tôi vẫn nói với chúng tôi chị đã hy sinh vì Tổ quốc. Sau này noi gương chị tôi cũng lên đường ra trận, đến năm 1981 thì trở về quê hương" - ông Trần Như Thảo (em trai liệt sĩ Tơ) tự hào nhớ lại.
Chiến tranh không ai nói trước được điều gì và dù không hẹn mà gặp, 8 người con của huyện Hoằng Hóa hăng hái đi mở đường rồi vĩnh viễn nằm lại nơi đại ngàn Trường Sơn, để lại sự tiếc thương và niềm tự hào cho những người còn sống.
45 năm trôi qua, tên tuổi của họ đã trở thành huyền thoại trên tuyến Đường 20 - Quyết Thắng. Thế nhưng nỗi đau vẫn còn đó đối với những người còn sống, đặc biệt là thân nhân của 8 TNXP. Họ vẫn mong mỏi một ước nguyện làm sáng tỏ 6 bộ hài cốt vô danh để trả lại đúng tên cho con em mình, những liệt sĩ đã nằm xuống vì Tổ quốc.
Kỳ tới: Sự thật dần sáng tỏ
Vì sao gọi là hang Tám Cô?
Không ít người cho rằng sở dĩ có tên hang Tám Cô là vì trong số 8 người hy sinh có 4 nữ TNXP rất được yêu quý, từ đó gọi chung là Tám Cô để tưởng nhớ. Sự thật thì hang Tám Cô có từ trước ngày 14-11-1972, ngày 8 TNXP hy sinh. Các tài liệu, ghi chép cho biết cạnh hang động mà 8 TNXP hy sinh có một trạm giao liên, mỗi đợt tiếp quản có 8 người thay nhau. Từ lúc có 8 cô gái trẻ đến tiếp quản trạm, tính tình hiền lành, vui vẻ người dân yêu quý đặt luôn cho tên hang động này là hang Tám Cô.
Bình luận (0)