Mặc dù sáng ngày 10-2 (tức mùng 6 tháng Giêng), lễ khai hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) mới chính thức bắt đầu nhưng ngay tối và đêm hôm trước, hàng vạn du khách đã chen chúc trẩy hội chùa Hương.
Theo ghi nhận, trong đêm ngày 9 và 10-2, hàng vạn người từ khắp nơi đã đổ về chùa Hương.
Đến 3 giờ ngày 10-2, dòng suối Yến, lối dẫn vào bến Thiên Trù đã chật kín thuyền đò. Đến gần 5 giờ sáng, lối dẫn vào động Hương Tích đã kín đặc người. Hàng vạn du khách xếp thành hàng dài và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể đi xuống động.
Dòng người xếp hàng vào trẩy hội chùa Hương trong đêm
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2019, cho biết để chuẩn chị cho mùa Xuân hội diễn ra kỷ cương, văn minh, ban tổ chức lễ hội thành lập các tiểu ban, trạm kiểm tra, tổ kiểm tra, gồm: Tiểu ban văn hóa-xã hội; kinh tế-tài chính; an ninh trật tự; quản lý di tích-thắng cảnh và vệ sinh môi trường; quản lý điều hành cổng trạm; điều hành vận chuyển khách. Nhiệm vụ của các tiểu ban cũng được xác định rõ ràng.
Riêng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự gồm 188 người, chia thành 16 tổ, thay nhau trực 24/24 giờ tại những nút giao thông quan trọng và những khu vực thu hút nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh. Theo đó, các đối tượng cố tình bám đuổi khách, trộm cắp, móc túi, lừa đảo, gây rối trật tự công cộng, các hoạt động mê tín, dị đoan tại lễ hội… sẽ dễ dàng bị phát hiện, xử lý nghiêm.
Chỉ tính riêng từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, Khu Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn đã đón hơn 100.000 lượt khách.
Lễ khai hội bắt đầu từ 6 giờ sáng - Ảnh: Thanh Hà
Lễ hội chùa Hương năm 2019 khai hội vào 6 giờ sáng sáng mùng 6 Tết với chủ đề "Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch". Đây là lễ hội dài nhất của Việt Nam, kéo dài tới 3 tháng, thu hút hàng triệu người tham gia. Đặc biệt, lễ khai hội năm nay cũng là dịp địa phương đón bằng di tích quốc gia đặc biệt sau một thời gian bị "treo" vì công trình xây dựng tại Thiên Trù đã gây ra nhiều ồn ào, tốn kém giấy mực của báo chí.
Hàng ngàn người xem màn biểu diễn văn nghệ trong lễ khai hội - Ảnh: Thanh Hà
Theo ban tổ chức lễ hội, năm nay khai hội rơi vào ngày nghỉ nên dự kiến lượng khách đổ về chùa Hương tăng, dự kiến trên 5 vạn người.
Hàng vạn người đổ về chùa ngày khai hội đã gây ra cảnh ách tắc tại các điểm như bến đò trên suối Yến, đường lên cáp treo và đường vào động Hương Tích. Để tránh cảnh chen lấn xô đẩy, nhiều người đã chọn phương án đi từ tối ngày mùng 5 để có thể thảnh thơi vào động Hương Tích lễ Phật.
Sau 23 giờ đêm, hệ thống cáp treo chùa Hương dừng hoạt động, du khách muốn lên động Hương Tích chỉ có cách duy nhất là leo bộ với quãng đường gần 2 km. Dù đường lên động không dễ đi, nhiều đoạn không có đèn điện nhưng nhiều du khách vẫn đi bộ suốt đêm để leo lên động Hương Tích tỏ tấm lòng thành kính đầu năm.
Để đảm bảo lưu thông, năm nay, an tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết không bố trí các điểm kinh doanh tại nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp, các khu vực không an toàn, khu vực sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích. Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, cho biết cơ quan chức năng chỉ cho phép kinh doanh dịch vụ hàng quán theo sơ đồ đã phê duyệt.
Trước khi diễn ra lễ hội, nhân dân trong xã Hương Sơn và các hộ kinh doanh dịch vụ khu vực chùa Hương đã được phổ biến về ứng xử văn minh và đảm bảo an toàn vệ sinh, không treo móc các loại thịt ngoài cửa hàng gây phản cảm. Đồng thời, nghiêm cấm các hộ kinh doanh dùng loa đài quảng cáo bán hàng, các điểm cờ bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng. Theo ông Hoạt, tất cả các hộ tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách ở đây đều ký cam kết đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên theo thực tế ghi nhận của phóng viên sáng ngày 10-2, tình trạng một số nhà hàng treo thịt thú phản cảm vẫn diễn ra trước mắt các khách hành hương.
Thịt thú vẫn được bày bán gây phản cảm ở chốn linh thiêng - Ảnh: Thanh Hà
Một số hình ảnh mà Báo Người Lao Động ghi nhận tại chùa Hương từ sáng sớm ngày mùng 6 Tết:
Bình luận (0)