Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Hải Dương 8) của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông.
Không phải vùng tranh chấp
Khu vực bãi Tư Chính là một bãi ngầm san hô cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo của Việt Nam khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý. Các bãi ngầm Tư Chính, Vũng Mây và các đá Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nó không thuộc quần đảo Trường Sa.
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Bãi ngầm Tư Chính nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Lý luận của Trung Quốc khi đưa ra yêu sách tranh chấp với Việt Nam là bãi này nằm trong phạm vi "đường lưỡi bò" hoặc là một phần của cái gọi là "vùng nước quần đảo Trường Sa". Tuy vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã bác bỏ điều này. Không thể dùng "đường lưỡi bò" hoặc "vùng nước quần đảo Trường Sa" để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính là vùng tranh chấp. Khu vực này trên thực tế thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không phải vùng tranh chấp. Và hiện nay, Việt Nam cũng đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại đây.
Theo dõi trên ảnh vệ tinh, có lúc tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới khoảng cách cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Như vậy, tàu Trung Quốc đã vi phạm không chỉ vùng thềm lục địa mà cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hành động của Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế và các nhận thức, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng có thể coi là hành động khiêu khích, làm phức tạp tình hình, gây leo thang xung đột và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trên biển Đông. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để đi đến ký kết văn bản Quy tắc về ứng xử các bên ở biển Đông (COC) hiện nay, các nước cần kiềm chế các hoạt động để bảo đảm tình hình biển Đông ổn định, không làm gia tăng xung đột nhằm xây dựng lòng tin và sự thành tâm trong đàm phán.
Có thể nói với các hoạt động vô pháp của mình, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính nếu đàm phán COC bị kéo dài hoặc thậm chí không thành công.
Giảm thiểu cho cả hai bên
Trong những năm qua, với chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt Nam đã luôn thực hiện đúng các quy định của luật pháp quốc tế, nỗ lực hòa giải trước khi có những giải pháp mạnh hơn để bảo vệ chủ quyền.
Khi Trung Quốc gây hấn trên biển Đông, Việt Nam cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên. Để chuẩn bị lực lượng nhằm đối phó với các tình huống khó khăn, cấp bách, ngoài các giải pháp chính trị, ngoại giao, Việt Nam đã chú trọng tăng cường sức mạnh của hệ thống chấp pháp dân sự trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư. Hai lực lượng này đã được nâng cấp rất mạnh mẽ, trở thành một trong những lực lượng mạnh trong khu vực, đủ sức bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Ngoài ra, khi cần thiết, Việt Nam cũng sử dụng các hình thức đấu tranh ôn hòa khác như truyền thông trong nước và quốc tế, để đồng bào trong nước hiểu biết và đồng lòng, bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam. Có thể thấy thời gian qua, hầu như các cường quốc trên thế giới đều ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Trong đợt Trung Quốc vi phạm lần này, Việt Nam đã luôn cứng rắn trên thực địa ngay từ đầu. Trước hết, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp chính trị thông qua các hình thức trao đổi cấp cao, các giải pháp ngoại giao với mong muốn Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và giữ tình hòa hảo giữa hai nước để giảm thiểu thiệt hại và hai bên cùng phát triển. Khi đã sử dụng hết các biện pháp nêu trên, Việt Nam bắt buộc phải sử dụng công luận, một trong các giải pháp đấu tranh vì hòa bình.
Nếu Trung Quốc tiếp tục xâm phạm Việt Nam, các giải pháp cứng rắn hơn sẽ được thực thi. Lãnh đạo Việt Nam từng cho biết Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ và sẵn sàng giải pháp pháp lý, kiện ra một tòa án quốc tế thích hợp về các hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Quan điểm của Việt Nam là luôn cố gắng hết sức để tránh xung đột vũ trang, gìn giữ hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin và phát triển bền vững biển Đông vì xung đột vũ trang trên biển Đông sẽ là thảm họa không chỉ đối với Việt Nam và Trung Quốc mà còn là thảm họa cho toàn khu vực, thậm chí là đối với thế giới.
"Chân dung" tàu khảo sát Hải Dương 8
Tàu khảo sát Hải Dương 8, cùng tàu Hải Dương 9, được ra mắt ở TP Thượng Hải hồi tháng 2-2017. Đây là 2 tàu thuộc sở hữu của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (CGS). Theo Tân Hoa Xã, tàu Hải Dương 8 dài 88 m, có tốc độ tối đa 15 hải lý (28 km)/giờ và có thể hoạt động trong phạm vi lên đến 16.000 hải lý. Tàu sử dụng công nghệ cao để tạo ra hình ảnh 3 chiều độ phân giải cao về cấu trúc địa chất của đáy biển.
Đến tháng 6-2017, tàu Hải Dương 10 ra mắt tại tỉnh Quảng Đông và cả 3 tàu Hải Dương 8, 9, 10 bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2017.
Ph.Võ
Việt Nam xác lập rõ các quyền quốc gia ven biển
Theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế. Các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đều phải tuân thủ pháp luật của quốc gia ven biển nếu pháp luật đó không trái với luật pháp quốc tế.
Việt Nam đã thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết để thực hiện các quyền của quốc gia ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982, Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa trình lên Liên Hiệp Quốc năm 2009, ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Trong các văn bản pháp luật nêu trên cũng như các văn bản dưới luật, Việt Nam đã xác định rõ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động, đặc biệt là nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, lắp đặt cáp, đường ống ngầm và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Bình luận (0)