xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hạnh phúc với Người Lao Động

PHAN ANH

Hơn 10 năm làm Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhà báo Phan Hồng Chiến đúc kết một điều cốt lõi: Có bạn đọc là có tất cả

Giai đoạn 1990-2000, Báo Người Lao Động có những bước chuyển lớn mang tính bước ngoặt. Đó là thời kỳ Người Lao Động liên tục cải tiến trên tất cả các phương diện, chuyển từ một tờ báo hành chính bao cấp sang tờ báo nghề nghiệp thật sự. Người dẫn dắt, truyền cảm hứng cho tập thể Báo Người Lao Động lúc ấy chính là Tổng Biên tập (TBT) Phan Hồng Chiến.

"Chọn mặt gửi vàng"

Nhà báo Phan Hồng Chiến dùng hai từ "hạnh phúc" để mở đầu câu chuyện về quãng thời gian làm TBT Báo Người Lao Động. Suốt hơn 10 năm ấy, ông đã dùng tất cả sức lực, trí lực để cùng cộng sự thay đổi tờ báo - ban đầu mang tên Công Nhân Giải Phóng (CNGP) - mà theo đánh giá của lãnh đạo Thành ủy TP HCM lúc bấy giờ là vừa nghèo vừa yếu, mỗi tuần chỉ phát hành 1 số với khoảng 3.000 tờ.

Lãnh đạo TP HCM rất quan tâm, lãnh đạo Trung ương cũng gợi ý Thành ủy TP HCM tính cách nào để nâng tầm tờ báo của Công đoàn, công nhân lên vị trí mới. Vì lẽ đó, cuối năm 1989, nhà báo Phan Hồng Chiến, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo), được Thành ủy TP HCM "chọn mặt gửi vàng", phân công làm TBT Báo CNGP với nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất phải đưa tờ báo lên ngang tầm với vị trí của tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân TP. Lúc ấy, LĐLĐ TP HCM rất mạnh nhưng tiếng nói của tổ chức Công đoàn, của giai cấp công nhân TP lại chưa xứng tầm.

"Tôi về tiếp cận cơ ngơi Báo CNGP, thấy "hãi hùng" lắm. Báo không có trụ sở, phải "ở đậu", tiền mặt còn lại 10 triệu đồng và một chiếc xe 4 bánh. Cán bộ, nhân viên chỉ 30 người" - nhà báo Phan Hồng Chiến hồi tưởng.

Với "vốn liếng" chỉ vậy nhưng nhà báo Phan Hồng Chiến chưa bao giờ thấy nản lòng hay chùn bước. "Từ năm 1963, tôi đã thoát ly đi làm cách mạng. Chính môi trường ấy đã rèn cho tôi bản lĩnh, nhận nhiệm vụ là hừng hực khí thế, không sợ thử thách, càng thử thách càng thích. Hơn nữa, tôi sinh ra và lớn lên ở TP HCM, được đào tạo từ TP, đi kháng chiến và trở về làm việc ở TP nên rất háo hức, muốn làm gì đó đóng góp cho TP. Bên cạnh đó, tôi còn được làm việc cùng những cộng sự nhiệt tình, hết mình" - ông trải lòng.

Hạnh phúc với Người Lao Động - Ảnh 1.

Nhà báo Phan Hồng Chiến: “Tôi có 15 năm làm tổng biên tập ở 2 tờ báo nhưng bao nhiêu tâm huyết, đam mê làm nghề đều dồn vào quãng thời gian hơn 10 năm ở Người Lao Động” Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mạnh dạn, táo bạo

Theo nhà báo Phan Hồng Chiến, khi nhận nhiệm vụ TBT CNGP, dù Thành ủy TP HCM và các ban - ngành, đoàn thể rất ủng hộ nhưng cái khó nhất là báo hoạt động với cơ chế hành chính bao cấp, nhà báo làm việc theo kiểu viên chức ăn lương.

Với kinh nghiệm gần 10 năm quản lý báo chí ở Ban Tuyên huấn Thành ủy TP HCM và nhiều năm làm phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Phan Hồng Chiến có đủ cơ sở thực tiễn để nhìn ra ngay vấn đề của Báo CNGP. Đó là lượng bạn đọc vừa ít lại vừa hẹp.

"Không có lượng bạn đọc cần thiết thì chưa phải là một tờ báo đúng nghĩa. Do đó, tôi cùng Ban Biên tập (BBT) và cơ quan chủ quản họp liên tục để tìm hướng đi đúng nhất. Tình hình lúc bấy giờ đòi hỏi báo phải tiến hành nhiều biện pháp mạnh, kiên trì để tăng chất lượng và số lượng bạn đọc. Một nhận thức căn cơ và xuyên suốt đã hình thành trong đội ngũ làm Báo CNGP là có bạn đọc là có tất cả, chỉ đăng thông tin bạn đọc cần" - ông hồi tưởng.

Từ nhận thức ấy, BBT đã đề ra những việc cần làm ngay, làm kiên quyết, kiên trì với tâm thế của "đoàn quân xung trận". Đầu tiên là tháo gỡ tình trạng hoạt động mang tính hành chính bao cấp của báo. Việc tiếp theo là đổi tên Báo CNGP thành Người Lao Động để xác định rõ và mở rộng đối tượng bạn đọc. Cùng với đó là tiến hành hàng loạt đợt cải tiến nội dung, hình thức tờ báo; chấn chỉnh tổ chức, nhân sự; khẩn trương đào tạo nghiệp vụ báo chí… Tất cả các cuộc cải tiến của báo đều kiên trì đeo bám mục tiêu duy nhất là vì bạn đọc, hướng về bạn đọc, thu hút bạn đọc.

Nhà báo Phan Hồng Chiến cho rằng vào thời điểm đó, Báo Người Lao Động có một quyết định rất táo bạo: Dù còn đầy khó khăn nhưng vẫn cử Tổng Thư ký Tòa soạn - nhà báo Thẩm Tuyên sang Pháp học hơn 1 năm rưỡi về báo chí. "Lúc đó, BBT rất quyết liệt, triển khai nhiều hướng, tạo không khí nghề nghiệp cực kỳ sôi nổi trong cơ quan. Mỗi cuộc họp giao ban buổi sáng đều hừng hực khí thế, tận dụng mọi cơ hội để đưa báo đến với đông đảo bạn đọc" - ông hào hứng kể.

Dẫn chứng chuyện Người Lao Động thông tin đậm nét vụ việc diễn viên Lê Công Tuấn Anh tự tử vào tháng 10-1996 - "giúp" báo phát hành tăng vọt, có ngày lên đến 150.000 tờ - nhà báo Phan Hồng Chiến cho biết đã có không ít lời ra tiếng vào. "Tuy nhiên, vì đã xác định đây là cơ hội tốt để độc giả biết đến Người Lao Động nhiều hơn, rộng rãi hơn nên BBT vẫn quyết tâm làm dù sau đó phải giải trình với cấp trên" - nhà báo Phan Hồng Chiến giải thích.

"Khởi nghiệp" thành công

Cùng với việc cải tiến nội dung, các hoạt động sau mặt báo cũng được Người Lao Động đẩy mạnh. BBT quyết chuyển công tác bạn đọc thành mũi nhọn; phân công phóng viên, biên tập viên thạo nghề, có kỹ năng giao tiếp làm việc ở Phòng Tiếp bạn đọc, "đứng" trang Bạn đọc. Phòng Tiếp bạn đọc được trang bị tiện nghi, khang trang, đặt ngay cổng ra vào cơ quan để bạn đọc tiện đến với báo.

Các hoạt động sau mặt báo được đẩy mạnh, đa dạng và thiết thực với người lao động, tạo cơ hội để Báo Người Lao Động tiếp cận bạn đọc bằng nhiều hình thức. Ông Phan Hồng Chiến nhớ lại: "Ý tưởng các chương trình sau mặt báo cứ nảy nở. Chẳng hạn, chuỗi "Hội chợ việc làm" được mở rộng từ TP HCM đến Đà Nẵng, Cần Thơ. Chương trình "Nguyễn Văn Trỗi - Vì công nhân, chuyên viên kỹ thuật giỏi ngày mai" cũng rất thành công, tạo tiếng vang lớn, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc ấy đã viết thư khen".

Nhà báo Phan Hồng Chiến khẳng định chương trình sau mặt báo khác là Giải Mai Vàng dành cho văn nghệ sĩ đã góp phần làm nên thương hiệu Báo Người Lao Động mấy chục năm qua. Theo ông, bên cạnh việc vinh danh các văn nghệ sĩ, BBT lúc đó muốn thông qua giải thưởng này để tập hợp công nhân lao động đến với báo. Những năm 1994, 1995, 1996, các đợt bình chọn văn nghệ sĩ đoạt Giải Mai Vàng kéo dài hàng tháng với hàng vạn bạn đọc tham gia. Lễ trao giải tổ chức hằng năm tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, Suối Tiên có đến gần 5.000 bạn đọc tham dự.

Chia sẻ về quá trình hơn một thập kỷ sát cánh cùng Báo Người Lao Động, nhà báo Phan Hồng Chiến bảo "thanh xuân làm nghề" của ông là ở đây. "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi có 15 năm làm TBT ở 2 tờ báo nhưng phải nói rằng bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu đam mê làm nghề đều dồn vào quãng thời gian hơn 10 năm ở Người Lao Động" - ông bày tỏ.

Với những thành tựu nổi bật - đưa Người Lao Động vốn hoạt động nặng tính hành chính bao cấp, hằng năm nhà nước phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng, thành tờ báo hoạt động theo cơ chế thị trường, có vị trí chính trị và nghề nghiệp ở TP HCM và cả nước; địa bàn hoạt động mở rộng, có văn phòng đại diện tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… - nhà báo Phan Hồng Chiến có thể tự hào: "Dù có những lúc làm chưa đúng, chưa chuẩn nhưng tất cả là vì mong muốn đưa Người Lao Động đi lên".

Trong suốt câu chuyện đưa Báo Người Lao Động phát triển vượt bậc giai đoạn 1990-2000, nhà báo Phan Hồng Chiến luôn nhắc đến những cộng sự đắc lực của mình như nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga, nhà báo Thẩm Tuyên…, cùng sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Thành ủy, LĐLĐ TP HCM lúc bấy giờ. Theo ông, đây là giai đoạn Báo Người Lao Động "khởi nghiệp" và đã thành công.

"Kinh nghiệm lớn nhất là có bạn đọc là có tất cả. Dù được lãnh đạo ủng hộ nhưng không có bạn đọc, ít người đọc thì không thể nào trở thành một tờ báo thật sự, có vị trí, đẳng cấp báo chí" - nhà báo Phan Hồng Chiến đúc kết. 

Phải sống được với nghề

Quan điểm xuyên suốt của TBT Phan Hồng Chiến và BBT Báo Người Lao Động lúc bấy giờ là anh em phải sống được với nghề, với sản phẩm báo chí của mình. Ông đã yêu cầu Phó TBT Nguyễn Thị Hằng Nga tìm mọi cách nâng thu nhập của anh em lên.

"Muốn anh em toàn tâm toàn ý làm báo thì mình phải chăm lo đầy đủ cho họ, khi ấy thì họ mới không nghĩ đến việc ra ngoài "kiếm chác" - nhà báo Phan Hồng Chiến nhấn mạnh. Và, BBT Báo Người Lao Động đã làm được điều đó khi đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên ngày càng nâng lên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo