Cách đây 1 năm, ngày 28-7, chuyến bay đặc biệt gồm 19 người của hãng hàng không Vietnam Airlines đón 219 người Việt Nam ở Guinea Xích đạo đã rời Hà Nội. Đây là chuyến bay chưa từng có của Việt Nam trên hành trình Hà Nội - Guinea Xích đạo - Hà Nội. Đặc biệt, trong số hành khách có khoảng 130 người mắc Covid-19. Ngày 29-7, chuyến bay giải cứu công dân đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã thực hiện hơn 540 chuyến bay, đưa khoảng 136 ngàn công dân về nước an toàn.
10 năm về trước, trong chiến dịch giải cứu hơn 10.200 lao động Việt Nam tại Libya, Việt Nam đã lập "cầu hàng không" đưa người Việt về nước với 10 chuyến bay của Vietnam Airlines để chở 3.000 người, đồng thời vận động hiệu quả sự hỗ trợ của các chủ sử dụng lao động và các tổ chức quốc tế để đưa số lao động còn lại về nước, trong đó có 2 chuyến bay của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM).
Các chuyến bay, cách nhau 10 năm, tuy khác biệt rất lớn nhưng đều là những cánh bay mang lại hy vọng cho đồng bào xa xứ, được huy động ở mức cao nhất nhân lực, vật lực, trí tuệ, nỗ lực và rất nhiều sáng kiến... để đưa bà con về nước an toàn.
"Cầu hàng không" đưa người lao động về nước
Cuối tháng 2-2011, sau những biến cố chính trị tại Bắc Phi và các sự kiện "mùa xuân Arab", tình hình chính trị, xã hội ở một số nước Bắc Phi hết sức phức tạp: thay đổi chính phủ, bạo loạn chính trị, bất ổn xã hội…
Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng quyết định thành lập Ban công tác với thành phần là đại diện một số bộ, ngành liên quan, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban, để lo việc sơ tán công dân, người lao động Việt Nam ở những vùng/nước có bất ổn chính trị, xã hội, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của công dân ta.
Dòng người lao động đi bộ từ Libya sang Tunisia để chuẩn bị lên đường về nước - Ảnh tư liệu Báo Thế giới và Việt Nam
Chặng đường đến Lybia là một đường bay không thường lệ. Các thành viên trong Trung tâm Điều hành khai thác đã rất vất vả để xin cấp phép cho chuyến bay và lên phương án đường bay như thế nào để đảm bảo an toàn.
Nói về tình hình cấp bách và khó khăn lúc bấy giờ anh Đinh Minh Cường – thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay, nhớ lại: "Tình thế lúc bấy giờ rất cấp bách, công tác chuẩn bị được tiến hành một cách khẩn trương, nhanh lẹ. Với dung lượng thông tin rất hạn chế, rất khó để đoàn bay hình dung được tình hình mặt đất đang diễn biến ra sao. Ngoài ra, đây là chuyến bay có chặng bay (duty time) dài nhất mà tôi từng tham gia, với 25 giờ không ngừng nghỉ".
Tuy nhiên, tính cấp bách không phải là vấn đề duy nhất, đi đến một vùng đất đang có những biến động về chính trị luôn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm đáng sợ. Cơ trưởng Đỗ Bá Hùng, thành viên tổ lái, kể lại với ánh mắt đầy kiên định: "Chuyến bay năm đó vào vùng tiếp cận sân bay gần Lybia, chỉ huy không lưu yêu cầu phi công hạ cánh phía đất liền, song e ngại khả năng bị tên lửa bắn nên tôi đã xin bay từ biển Địa Trung Hải vào sân bay. Đây là một quyết định "cân não", vì vào từ phía biển thì phải bay xuôi gió, trong khi thông thường máy bay hạ cánh ngược gió".
Cơ trưởng Đỗ Bá Hùng, người ra quyết định "cân não" đảm bảo an toàn cho chuyến bay - Ảnh: Xuân Nghĩa
Cơ trưởng Lê Minh Tiến, nguyên đội trưởng B777, kể lại: "Đó là những ký ức không thể quên, khi tình thương xen lẫn cùng niềm hạnh phúc lúc đón được đồng bào về nước. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những người lao động bước lên được máy bay. Có những người chạy loạn 3 - 4 ngày trời, không được ăn, có người không có giầy dép. Toàn bộ đồ ăn, nước uống trên máy bay đều được các tiếp viên mang đến cho họ. Thương vô cùng. Có người tâm sự với tôi: Khi thấy máy bay Vietnam Airlines họ mừng muốn khóc. Khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài cũng vậy, họ nhìn máy bay và chúng tôi với ánh mắt trìu mến, đầy biết ơn".
Sau khi biết được thông tin Việt Nam đã đưa hết hơn 10.200 lao động về nước một cách nhanh chóng và an toàn, IOM rất ngạc nhiên và đề nghị Việt Nam cử người đại diện đã tham gia chiến dịch đến tham dự cuộc họp của Đại hội đồng IOM ở Geneva để trình bày và chia sẻ kinh nghiệm.
Sau khi nghe phần trình bày của Việt Nam, cả hội trường họp vỗ tay ngưỡng mộ, đại diện nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã phỏng vấn, đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc sớm sơ tán công dân ra khỏi Libya và đưa người lao động an toàn trở về nước.
Chuyến bay chưa từng có
Còn chuyến bay Guinea Xích đạo được đánh giá là chuyến bay chưa từng có của hàng không Việt Nam. Cơ trưởng Phạm Đình Hưng tham gia trực tiếp vào chuyến bay đưa 219 công dân Việt Nam mắc kẹt tại Guinea Xích đạo về nước cho biết, đây là chuyến bay rất khác với chuyến bay giải cứu công dân tại Libya.
Công dân Việt Nam mắc kẹt tại Guinea Xích đạo đợi lên máy bay về nước - Ảnh: VNA
Do gặp phải nhiều khó khăn về kỹ thuật, khả năng đáp ứng khai thác máy bay tại sân bay đến, đồng thời khoảng 120 hành khách dương tính với SARS-CoV-2 nên hãng hàng không đã phải lên tới 4 phương án bay đưa công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước.
Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sử dụng 1 máy bay thân rộng A350 bay thẳng từ Hà Nội đến sân bay Bata của Guinea Xích đạo để đón công dân và từ đó bay thẳng về Hà Nội. Để đón được máy bay A350, sân bay Bata vừa phải bổ sung thêm nguồn cấp nhiên liệu cho máy bay và một xe chữa cháy đạt tiêu chuẩn cứu hỏa cấp 8 - cấp cần thiết để khai thác máy bay A350.
Từng tham gia chuyến bay giải cứu công dân tại Libya, Cơ trưởng Phạm Đình Hưng cho biết khi bay giải cứu do chiến tranh, chỉ cần bay ra khỏi khu vực xung đột là có thể yên tâm, còn chuyến bay này, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch trong suốt hành trình thì sau khi hoàn thành, đoàn bay phải cách ly, xét nghiệm và chờ đợi ít nhất 15 ngày mới yên tâm.
Cơ trưởng Phạm Đình Hưng và Cơ trưởng Phan Tiến Ngà (phải), hai trong số những phi công xung phong bay đến Guinea Xích đạo - Ảnh: Đoàn bay VNA
Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong cả một hành trình dài trên 13 tiếng, và đặc biệt là hạn chế sự lây nhiễm trong khoang hành khách đối với cả hành khách lẫn thành viên phi hành đoàn là một thách thức vô cùng lớn.
Đoàn bay và hãng hàng không đã xây dựng những phương án phòng chống dịch bệnh chuẩn và nghiêm ngặt, được áp dụng cho tất cả các chuyến bay chở hàng và chở khách về từ vùng dịch.
Tổ bay của chuyến bay đặc biệt này được bố trí nhiều gấp đôi so với các chuyến bay bình thường (bao gồm 5 phi công, 8 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật, cân bằng trọng tải bay, được chọn ra từ gần 150 người tình nguyện) và 4 y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Đoàn bay và Vietnam Airlines đã xây dựng những phương án phòng chống dịch bệnh chuẩn và nghiêm ngặt áp dụng cho tất cả các chuyến bay chở hàng và chở khách về từ vùng dịch. Tuy nhiên, chuyến bay này có nhiều người bị nhiễm bệnh, vì vậy Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã cử bác sĩ đi cùng, đồng thời mang theo thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Các công dân từ Guinea Xích đạo về nước tại sân bay Nội Bài - Ảnh: NIA
Máy bay lắp rèm bằng nhựa dẻo để chia thành 3 khoang, có máy lọc không khí ở mỗi khoang. Đoàn bay đã nhắc nhở các thành viên tổ bay thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh.
Với sự giúp đỡ của các kỹ sư ĐH Bách Khoa Hà Nội, trên máy bay lắp 1 buồng áp lực dương, trong đó không khí sẽ được lọc sạch, có thể lọc cả virus để phục vụ một số nhu cầu thiết yếu cho nhân viên y tế, phi hành đoàn khi phải cởi khẩu trang, thiết bị bảo hộ.
Toàn bộ bà con sau khi về nước đã được chuyển cách ly và chữa trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tất cả các bác sĩ và đoàn bay trong chuyến bay đều hoàn thành thời gian cách ly mà không ai bị lây nhiễm Covid-19.
Dù có rất nhiều điều khác biệt, nhưng các chuyến bay đều đã hoàn thành sứ mệnh bảo hộ công dân, đưa những người Việt xa xứ về nước an toàn.
Bình luận (0)