xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hạo khí mai hoa

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Khi đàn én bỗng nhiên ríu rít bay về nghiêng cánh chao lượn trên sông vào một sáng tinh sương, trên tấm toan trắng mù hư ảo đã bắt đầu xôn xao ấy, chỉ cần người họa sĩ điểm thêm một vài chấm sắc màu rung rinh của hoa nữa, là mùa Xuân đã bừng lên tươi mới.

Thường thì không phải đến sau giao thừa Xuân mới xuất hiện, vào những ngày cuối tháng chạp, Xuân đã theo về trên các vườn hoa, trên các thức ẩm thực đang ẩn mật chờ khai vị, trên cả những giọt mồ hôi nhọc nhằn cho cuộc mưu sinh và cả cuộc chơi ngày Tết. Những thời khắc ấy, con nít chờ ngày sang năm mới, người lớn sau những bận rộn sửa sang trong nhà ngoài ngõ, giờ ngồi lại dưới hiên thềm với chén rượu lắng đầy ký ức. Tôi cũng từng nâng chén rượu lặng thinh như thế, nhiều khi chỉ để nhớ đến quặn lòng những cành mai xa vắng.

Sau khi dựng nhà những năm trước 1960, cha tôi trồng trước ngõ một cội mai vàng, lại trồng ngay trước hiên thềm một cây bạch mai. Cây bạch mai đó, hiển nhiên trở thành cây mai bông trắng duy nhất trong làng, trong xã. Như không hẹn mà gặp, cả hai cây mai vàng và mai trắng đều vươn cành lớn vượt mái nhà, năm nào cũng ra hoa và đều nở hoa đúng Tết. 

Khỏi phải nói, cha tôi quý cặp mai đó thế nào. Mỗi kỳ Tết đến, ông chọn cắt một cành mai vàng đẹp nhất đưa vào cắm trong chiếc bình đồng đặt giữa nhà. Còn cây mai trắng, vững chải qua bao mùa mưa bão khiến nó trở thành một lão mai dáng bất khuất kiên cường, vỏ xù xì nhưng lá xanh non và hoa trắng ngần tinh khiết. Khi trên thân mai trắng rung rinh những chúm chím nụ tuyết muốt tinh khôi, chỉ cần bắc ghế nơi hiên nhà ngắm nó là đã thấy diệu vợi vô cùng. 

Những năm thời bao cấp, cả làng đói, cả nước đói. Nhà tôi mười mấy miệng ăn càng ngập ngụa trong cái đói. Anh tôi đi tìm thầy bói hỏi xem tại sao cả nhà từ con nít đến người lớn ai cũng làm lụng mà không thoát khỏi cái đói? Thầy bói phán trước nhà có một đám sương trắng ám khí, phải dọn dẹp mới hy vọng làm ăn được. Nghe lời thầy, một buổi nhà đi vắng hết, anh lấy rựa đốn tận gốc cây bạch mai đang xanh um trước thềm. Chiều tối về thấy cây bạch mai thân thương bị triệt hạ thành từng khúc, cha tôi phủ phục đau đớn trước gốc mai, còn tôi đứng giữa sân khóc to thành tiếng. Sau cơn bốc đồng, anh tôi sợ hãi lánh nhà đi một mạch, mạ tôi phải đi tìm mới dám trở về. Cả nhà tiếc nuối cây mai trắng như mất đi một người thân. 

Riêng tôi luyến tiếc đến độ nhiều khi ngủ mơ thấy cây mai trắng vẫn còn, nở những bông hoa trắng muốt, mừng quá thức giấc thì thấy không gian tối om, leo lét trên trang thờ ngọn đèn dầu hiu hắt khiến nỗi tiếc nuối càng đầy hơn. Cha tôi, anh tôi giờ đã về phương mây trắng mà ký ức bạch mai vẫn cứ còn ám ảnh khôn nguôi.

Hạo khí mai hoa - Ảnh 1.

ảnh: Trần Đình Hồng

Sau này đọc sách, thấy người ta tranh luận chuyện mai trắng mai vàng, rằng câu thơ "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" của cuồng sĩ Cao Bá Quát là mai trắng chứ không phải mai vàng. Chao ôi, mai có đến mấy mươi loài, mai trắng hay mai vàng mỗi loại cũng có đến vài chục loài, biết người quân tử "Trường giang như kiếm lập thanh thiên" ấy đã làm nghi lễ bái lạy hoa mai nào? Nhưng một điều chắc chắn rằng con người chí khí ngất trời ấy, không biết trên đầu còn có ai thì cũng rất mực kính cẩn cúi đầu trước khí tiết cao vời của mai hoa. Trong tiểu thuyết lừng danh "Hồ Quý Ly" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ông nhắc đến loài mai trắng trong không gian bao quanh Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Trần Khát Chân, nàng Thanh Mai là loài mai mơ. Tiệc rượu giữa Hồ Nguyên Trừng và Trần Khát Chân năm ấy trước thềm Hội Thề là một cuộc tuyền mai. Đêm ấy, Hồ Nguyên Trừng xin cất hết sơn hào hải vị, chỉ giữ lại trên bàn những vò rượu mai và những quả mai vàng thoáng ngọt, những quả mai xanh nhần nhận đắng nhưng hương lại nồng nàn… Ôi, người xưa bái mai hoa, uống rượu thưởng mai với khí tiết quân tử mộng làm chuyện lớn. Sao lại là mai? E phải dẫn Nguyễn Trãi: "Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi/ Ưa vì mày tiết sạch hơn người".

Hồi "người đọc sử nơi đáy sông" Hồ Tấn Phan còn sống, vào mùa Xuân, tôi thỉnh thoảng về xin hầu ông một chén trà mai. Mai ngậm sương ban sớm ướp cùng trà, té ra lại tỏa dâng một hương vị thanh tao ngọt lành kỳ lạ. Ông Phan vốn xuề xòa nhưng kiến thức mù trời. Khi tôi hỏi ngày xưa sư Huyền Quang viết hai câu nôm: "Ngự sử mai hai hàng chầu rắp/ Trượng phu tùng mấy chặng phò quanh" thì "ngự sử mai" là mai gì? Ông cười nhấp chén hương mai: "Chắc là thấy hoa mai đứng hai hàng chầu nên đùa đó thôi".

Hoa mai muôn dặm trùng phùng, biết mai nào là mai ngự sử đây? Nhưng theo dân gian Huế thì có một giống hoa mai thơm, gọi là mai ngự, mùi đậm hương. Ngọt như mật và đằm say như rượu, đó là hương mai. Một loại "mai ngự" khác là hoa mai được chạm khắc trong chốn cung đình. Trên di tích Huế, hoa mai xuất hiện ở bờ quyết chính điện Thái Hòa, trên bờ nóc Thế Tổ Miếu, trên bình phong Cung Diên Thọ, trên ô hộc trang trí Hiển Nhân Môn… Trên cổ vật triều Nguyễn, hiện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn lưu giữ nhiều cổ vật có hình mai: mai hạc, mai thọ, mai - lan - cúc - trúc…

Người xưa thưởng mai, kẻ đại phú cũng như người nghèo khổ, đều vừa yêu thương rất mực song cũng vừa kính trọng vừa sợ hãi trước hoa mai. Trước cái đẹp khí tiết hoa mai, ai ai cũng có thể chiêm bái và lúc đó họ nhận ra mình được bình đẳng trong thế giới họ đã dự phần. Ngày Xuân bói mai, ai đã từng một lần hẳn khó quên cái cảm giác vừa tò mò vừa sợ hãi. Năm nào đó, bạn bè mang đến tặng nhạc gia tôi một cành mai, sáng múng 1 chú Tư hàng xóm qua chơi, xem hoa xong rồi phán: "Những người mang hoa đến tặng bác năm nay sẽ mỗi người mỗi ngả". Tưởng đùa, không ngờ là thực, cuối năm chia tỉnh, mọi người chia tay nhau để trở về cố quận quê xưa…

Người ta hay nói "một cánh én không làm nên mùa Xuân" nhưng khó ai phủ nhận chuyện một bông hoa mai nở cũng làm nên mùa Xuân. Nhiều năm trước, khi dật sĩ Lê Trường Quỳnh còn sống, vườn của ông rất nhiều hoa mai trên đá. Những cây mai chỉ to bằng ngón tay mà tuổi đời mênh mông, bám vào đá như một định phận khắc nghiệt song vẫn phóng khoáng mỉm một nụ cười hoa vào mỗi Xuân sang. Ngày Tết, lên nhà ông chơi, nhiều lúc cả chậu mai đá chỉ nở đúng một bông, đẹp mong manh và độc sáng nhưng hạo khí ngất trời.

Huế cũng có một rừng mai được trồng ở công viên nằm bên Phu Văn Lâu. Mỗi mùa Xuân hoa nở, đi vào đó như đi vào rừng cổ tích. Chợt tưởng thấy bước chân bi tráng của Chu Thần Cao Bá Quát ngày xưa còn hằn dấu nơi đây, cuồng sĩ đang chắp tay cúi đầu bái lạy trước hoa mai, chòm râu phất phơ trong gió…

Kẻ đại phú cũng như người nghèo khổ đều vừa kính trọng vừa sợ hãi trước hoa mai.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo