Độc đáo cờ người
Không giống cách đánh cờ với những quân cờ làm bằng ngà hay gỗ, thú chơi cờ người ở tỉnh Bình Định hấp dẫn và sống động hơn vì nó là sự đấu trí, tài thao lược trong trận đánh thật, quân lính thật với tổng cộng 32 quân, mỗi bên 16 quân. Mỗi quân trên bàn cờ do các võ sinh đảm nhận. Bàn cờ được thiết kế vuông vức ở giữa khoảng sân rộng. Trước giờ thi đấu, bên ngoài sân, cổ động viên "tiếp sức" cho đội mình bằng những hồi trống, tiếng chiêng liên hồi làm cho không khí hội thi trở nên sôi động.
Một trận thi đấu cờ người ở TP Quy Nhơn
Trong mỗi trận cờ người luôn có một người bình cờ đứng giữa lượt trận. Sau mỗi nước đi của các quân cờ, người này lại ngâm một câu hoặc hát một khúc thơ. Nhưng ở những trận so tài quan trọng, người biểu diễn lại chính là người cầm quân tướng chỉ huy hai bên.
Khi cờ trống lệnh đưa ra, quân cờ phải xuất tiến tới, tấn công quân cờ đối phương bằng các thế võ như đứng tấn, múa đao, giáo, mác, hay đi một bài quyền, hoặc giáp la cà dùng binh khí đánh ngã đối phương. Khi quân của một trong hai bên bị sát hạ thì hồi trống cũng vang lên theo nhịp trống sát; còn khi một trong hai kỳ thủ rơi vào thế bí, không chịu xuất quân, hồi trống thúc giục sẽ vang lên liên hồi, nếu kỳ thủ không thể xuất quân sẽ bị xử thua...
Mỗi nước cờ được gắn liền với thế võ tương ứng khác nhau. Điển hình như khi quân xe sát quân pháo, võ sinh đứng ngay quân cờ đánh phủ đầu từ trên xuống; hoặc quân pháo sát quân mã, võ sinh đứng ngay quân cờ từ dưới đánh lên trên bằng những trận múa võ độc đáo... Chính vì vậy, để thực hiện được điều này đòi hỏi các võ sinh không chỉ am hiểu võ cổ truyền mà còn thành thục từng thế võ.
Mỗi ván đấu cờ người thường được kéo dài 2 giờ. Nếu sau 2 giờ vẫn chưa kết thúc, ban tổ chức sẽ cho bốc thăm để phân chia thắng bại. Các đội thi đấu dưới hình thức vòng tròn, thường thì có 4 đội tham gia. Vì thi đấu dưới hình thức biểu diễn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm nên cuối hội thi, đội nào cũng được trao giải nhằm động viên tinh thần các kỳ thủ.
Khơi dậy từ đam mê
Trước đây, hội cờ người phổ biến khắp các làng quê Bình Định. Tuy nhiên, theo các cụ cao niên ở địa phương này, hội cờ người bắt nguồn từ làng Phú Đa, thôn Tân Dân, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hội cờ người đã từng có thời kỳ bị mai một.
Năm 2006, võ sư nổi tiếng Lê Xuân Cảnh (ngụ thị xã An Nhơn) quyết định khôi phục lại trò chơi dân gian cờ người trên quê hương mình. Từ đó, hội cờ người thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo bà con nhân dân, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.
Các cao thủ cờ tướng ngồi trên chòi cao để dễ dàng quan sát và điều khiển quân cờ.
Để hội cờ sinh động và hấp dẫn hơn, võ sư Cảnh kết hợp giữa biểu diễn với thi đấu võ cổ truyền vào hình thức chơi cờ người. Nhằm chuẩn bị phục vụ tốt cho thi đấu cờ người, võ sư Cảnh đã tuyển chọn 50 nam, nữ đệ tử trong Câu lạc bộ võ thuật Nhơn Hưng để tham gia đội cờ người. Dù đã có nền tảng võ thuật nhưng võ sư Cảnh và học trò vẫn phải tập luyện ròng rã trong vài tháng trời, mới có thể biểu diễn thành thạo và đẹp mắt.
"Võ thuật trong cờ người đã được nghiên cứu và phát triển thành bài, thành thế. Các loại quân cờ tùy theo đối thủ mà có những miếng đòn riêng. Cứ như vậy, những bộ pháp di chuyển được đúc kết thành 81 bài rất đặc sắc và phong phú", võ sư Cảnh cho biết.
Mỗi khi các quân cờ "sát" nhau là lúc các võ sinh thể hiện màn đối luyện binh khí.
Lão kỳ thủ Minh Trưng (ngụ địa phương), người từng giành ngôi vô địch cờ tướng quốc gia thường được tín nhiệm giao cho trọng trách điều khiển trận đấu cờ người. Đã quá tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng bằng kiến thức uyên thâm, niềm đam mê với môn cờ tướng cùng sự dí dỏm vốn có, ông đã làm tăng thêm sự hấp dẫn của các ván đấu bằng những lời bình vừa sâu về chuyên môn vừa pha chút hài hước. Không khí những ngày xuân quanh những trận đấu cờ người vì thế càng trở nên đặc biệt.
"Cờ người Nhơn Hưng có nét độc đáo riêng ở phần "hồn" mang đậm nét dân dã. Điểm hay là võ sư Cảnh đã huy động được lực lượng võ sinh đồng đều về hình thể, đánh những động tác võ thuật cổ truyền bám sát đặc điểm chiến đấu riêng của từng quân cờ", lão kỳ thủ Minh Trưng nhận xét.
Không chỉ biểu diễn ở địa phương, những ngày Tết, đội cờ người Nhơn Hưng còn được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi để phục vụ bà con nhân dân vui Xuân. "Đi biểu diễn nhiều, đội cờ người ai cũng mệt nhưng vui. Chúng tôi chỉ lấy thù lao tượng trưng chút ít vì mục đích chính là đi biểu diễn giới thiệu, quảng bá cho phong trào luyện tập võ cổ truyền Bình Định", võ sư Lê Xuân Cảnh chia sẻ thêm.
Bình luận (0)