xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ

Nam Du

(NLĐO)- Chấp nhận cuộc sống khó khăn, hậu duệ vua Chăm Pô Klong Mơhnai tại Bình Thuận quyết bảo tồn kho báu vàng ròng cùng nhiều cổ vật giá trị cho hậu thế.

Tò mò trước những lời đồn đại về hậu duệ vua Chăm, chúng tôi tìm về Bình Thuận, mảnh đất được ghi nhận là nơi ở cuối đời của công chúa Nguyễn Thị Thềm (hay "Nai" Thềm – "Nai" tiếng Chăm là công chúa), hậu duệ nắm giữ kho bảo vật của vương triều Pô Klong Mơhnai thế kỷ 17.

Lần giở giai thoại

Xuôi theo Quốc lộ 1, cách thành phố Phan Thiết hơn 60 km, chúng tôi tìm đến Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm (TTTBVHC) thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Bà Lư Thái Tuyên, Phó Giám đốc TTTBVHC, xác nhận những hậu duệ của vua Chăm Pô Klong Mơhnai vẫn còn sinh sống tại địa phương. Bà Tuyên khẳng định toàn bộ hiện vật hoàng tộc được trưng bày ở TTTBVHC đều được phục dựng từ kho bảo vật lưu giữ tại nhà riêng của công chúa Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ vua Pô Klong Mơhnai.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 1.

Sắc phong lưu giữ bút tích của vua triều Nguyễn.

Về thôn Tịnh Mỹ, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình hỏi nhà bà Nguyễn Thị Thềm, từ già đến trẻ đều có thể chỉ vanh vách đường dẫn đến căn nhà 2 tầng nhuốm màu thời gian, nằm lặng lẽ giữa xóm nghèo của gia đình "bà công chúa". Từ đây, những giai thoại về hậu duệ vua Chăm Pô Klong Mơhnai dần được sáng tỏ.

Giống với vẻ ngoài bình dị, nội thất bên trong căn nhà rất giản tiện. Vật dụng hiện đại không có gì hơn chiếc ti vi gợi nhiều hoài niệm về một thời công nghệ chưa phát triển.

Tiếp chúng tôi là một cụ ông già nua, dáng lững thững, tên Lư Thái Thuổi (79 tuổi) cùng con là Văn Hồng Tịnh. Hai người đàn ông lần lượt là con rể và cháu rể của bà Nguyễn Thị Thềm.

Do kiêng kỵ ngày của vua nên đến tận lần hẹn thứ 3, chúng tôi mới được "tận mục sở thị" những bảo vật hoàng tộc quyền uy mà gần 4 thế kỷ trước không phải ai cũng có cơ may diện kiến.

Trên lầu 2, qua nhiều lớp cửa được khóa cẩn thận là 2 phòng trưng bày tách biệt nhau. Khi cánh cửa vừa mở ra, dường như cũng là lúc thời gian bất ngờ ngưng đọng. Trước mắt mọi người hiện ra một không gian quá khứ huyền bí và hết mực tôn nghiêm. Đặt ở vị trí trang trọng nhất là chiếc tủ kính trưng bày chiếc vương miện vàng ròng chạm khắc hình ảnh thần rắn Makara quyền lực của vua Pô Klong Mơhnai. Kế bên đó là búi chụp tóc bằng vàng được chạm khắc tinh xảo của hoàng hậu Pô Pia Som.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 2.

Búi chụp tóc của hoàng hậu

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 3.

Vương miện vua Pô Klong Mơhnai bằng vàng nguyên chất được chạm khắc tinh xảo, đây là bộ vương miện vua Chăm duy nhất còn lưu giữ được cho đến ngày nay.

Theo ông Văn Hồng Tịnh, hiện hoàng tộc lưu giữ hơn 100 hiện vật bao gồm cả vương miện, hoàng bào, đao kiếm, mũ vệ binh, sắc phong, bút tích của các vua triều Nguyễn và nhiều xiêm y, trang sức của hoàng hậu lẫn thái tử, công chúa. Bên cạnh đó còn có nhiều cổ vật như tô, đĩa, lư hương, chân đèn, hộp đựng trầu được khảm xà cừ độc đáo... Tất cả đều có niên đại gần 4 thế kỷ, thể hiện trình độ chế tác tinh xảo của cư dân Chăm thời xa xưa.

Câu chuyện về kho báu của vương triều Chăm càng thêm kỳ bí khi chúng tôi được nghe ông Tịnh thuật lại chuyện lần tìm báu vật thất lạc của gia tộc. Ông Tịnh kể trước năm 1940, qua lời truyền lại của các bậc cao niên, bà Nguyễn Thị Thềm biết được kho báu hoàng tộc đang được cất giữ bởi người Raglai ở vùng núi cao.

Chuyện kể lại rằng từ nhiều thế kỷ trước, khi vương quốc Chăm thất thủ ở miền xuôi, vua Chăm đã ngược lên vùng núi, trú chân giữa cộng đồng những người Raglai. Về sau, ông tiếp tục di cư và giao lại toàn bộ của cải, vũ khí cùng nhiều vật báu quý giá khác cho những người anh em không cùng tộc người cất giữ.

Kho báu vật do đấng quân vương cao quý gửi lại được nhiều thế hệ người Raglai gìn giữ, tôn thờ. Kể cả khi loạn lạc họ vẫn thận trọng mang theo bên mình.

Mãi đến năm 1940, khi xác định được hậu duệ của vua Pô Klong Mơhnai còn sống, người Raglai đã chủ động mang báu vật từ rừng sâu xuống trao trả tận tay "bà công chúa".

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 4.

Chân dung công chúa Nguyễn Thị Thềm.

Thơm thảo tấm lòng đồng bào Chăm

Trò chuyện cùng ông Thuổi và con rể, chúng tôi biết được, do không có con nên bà Nguyễn Thị Thềm nhận nuôi con gái út của em mình là Nguyễn Thị Đào. Khi "bà công chúa" mất (năm 1995), theo chế độ mẫu hệ của người Chăm, bà Đào được truyền lại kho báu hoàng tộc.

Năm 2015, bà Đào mất, kho bảo vật vẫn được gia đình trưng bày ở lầu 2 của ngôi nhà do bà Nguyễn Thị Thềm xây dựng vào năm 1964. Đến nay, nhiều thế hệ thuộc dòng dõi hoàng tộc này vẫn đang góp sức trông nom kho bảo vật được ví như "quốc hồn, quốc túy" của vương triều xưa.

"Bố mẹ vợ tôi có tới 9 người con, cuộc sống gia đình chỉ nhờ vào vài mẫu ruộng khoán do nhà nước cấp. Nhiều lúc khó khăn, túng thiếu nhưng chỉ biết động viên nhau làm lụng chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện phải bán đi bất cứ vật báu nào" – ông Tịnh nói đầy trân trọng.

Nghe con vừa dứt lời, ông Lư Thái Thuổi vốn lẩn thẩn, nhớ trước quên sau bất ngờ minh mẫn đến lạ khi không ngừng căn dặn: "Không bán được, 1 món cũng không bán, của tổ tiên, không được bán!".

Bảo vệ di vật của tổ tiên như chính mạng sống của mình, thế nhưng khi nước nhà cần đến, họ sẵn sàng hiến tặng không chút đắn đo. Câu chuyện cảm động thể hiện tình cảm gắn bó của người Chăm Bắc Bình nói chung và dòng dõi hậu duệ vua Chăm nói riêng đối với cách mạng đến nay vẫn được các cao niên trong làng kể lại cho con cháu nghe như lời răn dạy đầy ý nghĩa về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Trong những năm 1945, thời điểm Bác Hồ phát động "Tuần lễ vàng", bà Nguyễn Thị Thềm đã đi đầu hiến tặng cho chính phủ một trong số những di vật tổ tiên là bộ vương miện hoàng hậu Pô Pia Som được làm từ vàng nguyên chất. Trước khi hiến tặng, hoàng tộc đã phải cử hành nhiều nghi lễ để báo với tổ tiên. Bộ vương miện được hoàng tộc trực tiếp giao cho chính phủ lúc bấy giờ thông qua nghi lễ hiến tặng hết sức trang trọng.

Ngày nay, ngôi nhà 2 tầng của "bà công chúa" được nhiều người biết đến là nơi trưng bày di vật độc đáo của vương triều Chăm. Hằng năm, ngoài các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa còn có rất nhiều du khách trong nước lẫn ngoài nước ghé thăm, thưởng lãm.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 5.

Ông Lư Thái Thuổi bên tấm bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được công nhận năm 1993.

"Hơn ai hết chúng tôi thấy được vai trò, trách nhiệm của gia đình mình trong việc bảo tồn những di sản văn hóa này. Chúng tôi luôn tâm niệm sẽ hỗ trợ nhau trông nom, cất giữ di vật cho nhiều thế hệ sau biết đến. Vừa bảo tồn được văn hóa của tộc người mình, vừa gìn giữ được di sản cho con cháu sau này" – ông Tịnh trải lòng.

Ông Tịnh nói đều đặn 6 năm một lần, vào dịp Tết Katê, gia đình ông sẽ cùng các chức sắc, dân làng tổ chức lễ rước y trang của vua và hoàng hậu lên đền thờ Pô Klong Mơhnai (thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) để cúng tế. Hoạt động văn hóa này trở thành nếp phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào. Tuy nhiên, trong suốt quá trình vận chuyển cũng như tổ chức lễ hội, lo ngại hư hỏng, mất cấp di vật lại trở thành nỗi trăn trở thường trực của gia đình.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 6.

Ông Văn Hồng Tịnh bên kho báu của hoàng tộc và bức ảnh chụp tượng vua Pô Klong Mơhnai.

Tận mắt chứng kiến những cổ vật được nhiều thế hệ gia đình bà Nguyễn Thị Thềm cất giữ, nhiều người không khỏi xuýt xoa trước những giá trị vật chất và phi vật chất của hiện vật. Thế nhưng lo lắng hơn cả là tác động của thời gian trong điều kiện bảo quản khá sơ sài của gia đình khiến nhiều hiện vật đang xuống cấp nhanh chóng. Điển hình là nhiều bộ y phục đã mục nát không thể khôi phục. Không may bộ sưu tập di vật hoàng tộc này thất thoát, đó hẳn là nuối tiếc lớn cho hậu thế.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 7.

Y trang của vua Pô Klong Mơhnai và hoàng hậu Pô Pia Som làm bằng chất liệu vải hảo hạng với nhiều họa tiết, hoa văn tinh xảo. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải về chất liệu của những bộ y trang này.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 8.

Trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa đã được phục chế tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ - Ảnh 9.

Một số xiêm y đã xuống cấp trầm trọng.

Vua Pô Klong Mơhnai lên ngôi vào năm 1622, là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, đê điều, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tưởng nhớ công ơn của đấng quân vương, đồng bào người Chăm đã xây dựng nên ngôi đền thờ nằm trên đồi cao thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình.

Đền thờ vua Pô Klong Mơhnai và bộ sưu tập di sản hoàng tộc Chăm được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức công nhận là di sản lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1993.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo