Còn nhớ năm 1978, lần đầu tiên trong đời đến Đà Lạt. Xuất phát từ Ninh Thuận, tôi cùng chiếc Peugeot 403 ì ạch leo lên đèo Ngoạn Mục, qua thị trấn Đơn Dương hiền dịu rồi đến đèo Dran. Đèo Dran luồn rừng, luồn núi, nối liền Đơn Dương với Cầu Đất để đến Đà Lạt. Xe càng lên cao càng luồn sâu vào rừng, những khu rừng thông bất tận dày đặc trong sương mù, phóng túng và lãng mạn.
Rừng thông và sương mù là đặc trưng của Đà Lạt. Nó không chỉ gợi cảm hứng mà là nền tảng làm nên văn hóa Đà Lạt. Ấy vậy mà khi xa Đà Lạt, vài năm về thăm một lần, tôi thấy mảnh đất mộng mơ đang chìm dần trong những khối bê-tông, những căn nhà cao tầng ngột ngạt.
Bây giờ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng lại muốn quy hoạch một Đà Lạt hiện đại. Họ muốn thay đổi căn bản khu trung tâm Hòa Bình bằng khu dịch vụ thương mại với từ 3-5 tầng nổi. Họ muốn di dời Dinh Tỉnh trưởng cũ sang một góc khiêm tốn để dành đất xây dựng khu dịch vụ cao cấp lên đến 10 tầng.
Nên nhớ rằng bây giờ toàn bộ khu trung tâm Hòa Bình chỉ còn lại mảng xanh duy nhất là Dinh Tỉnh trưởng và như vậy nó sẽ biến mất! Một số phân khu khác ngay trung tâm cũng sẽ quy hoạch lại chủ yếu phục vụ khách du lịch.
Cùng với rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, Dinh Tỉnh trưởng là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử tại Đà Lạt. Làm mới những khu vực này hết sức nhạy cảm, nếu không cẩn thận, "hồn vía" của Đà Lạt sương mù sẽ biến mất. Nếu quy hoạch tham lam, thực dụng như vậy, khu trung tâm Đà Lạt sẽ "trơ xương"!
Hơn 40 năm qua, Đà Lạt thay đổi quá nhiều. Dân số tăng lên, tốc độ bê-tông hóa quá nhanh, những cánh rừng thông biến mất. Trung tâm Hòa Bình, chợ Đà Lạt chưa cải tạo theo hướng quy hoạch mới đã trở nên ngột ngạt với những biệt thự bê-tông cốt thép, những công trình phục vụ khách du lịch đồ sộ, ồn ào, náo nhiệt. Đà Lạt đang bị biến dạng vì sự phát triển du lịch quá nóng.
Ngày trước Hàn Mặc Tử viết "Đà Lạt trăng mờ", đọc là thấy một Đà Lạt đầy sương, đầy gió, đầy trăng. Giờ đây, sương mù Đà Lạt đi đâu mất khiến những buổi sáng, chiều tối, du khách mất cảm giác bồng bềnh trong sương.
Du lịch đang "ăn" vào di sản thiên nhiên chứ không phải lợi dụng ưu thế thiên nhiên để làm du lịch. Nếu muốn "cứu" Đà Lạt, phải thấy những bất cập đó.
Đà Lạt là thành phố "cho người này niềm vui, cho người khác sự mát dịu" - giống như một câu ngạn ngữ Latin mà nhà thám hiểm - bác sĩ A.Yersin từng liên tưởng để nói về cao nguyên Langbiang.
Chúng ta có thể sẽ không chỉ mất Đà Lạt mà còn mất cả "niềm vui" và "sự mát dịu" của thiên nhiên ban tặng nếu quy hoạch sai, thiếu thận trọng.
Đừng làm mất đi hồn cốt Đà Lạt. Hãy để Đà Lạt lãng đãng với sương mờ...
Bình luận (0)